Ngoài 70 tuổi, người đảng viên ưu tú đó vẫn miệt mài làm việc trên nương rẫy để nuôi các con dù chúng không phải do mình sinh ra. Ở bà ngời lên đức hy sinh cao cả của một người bà, người mẹ, người chiến sĩ cộng sản kiên cường. Bà là Đinh Thi Gơi, SN 1940, ở làng Brọch, xã An Trung, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai.
MỘT THỜI HOA LỬA
Đến xã An Trung tìm nhà bà Gơi, chúng tôi được một cán bộ kiểm lâm nhiệt tình dẫn đường. Đang lom khom làm cỏ trên rẫy, bà Gơi đón chúng tôi bằng ánh nhìn thân thiện và nụ cười hiền từ, trông bà còn khỏe và nhanh nhẹn khi làm việc.
Là một người phụ nữ đi qua thời chiến với gần 50 năm tuổi Đảng, bà Gơi hồi tưởng lại những tháng năm lửa đạn bằng giọng kể buồn buồn xen lẫn tự hào. Khoảng năm 1954, giặc tràn đến Kông Chro đốt phá nhà cửa. Người Bahnar trong vùng phải sống rất gian khó, thiếu đói dưới những tán cây rừng. Năm đó, bà Đinh Thị Gơi vẫn còn là một cô bé người Bahnar nhỏ nhắn, mới 14 tuổi. Bà Gơi nhớ lại: “Giặc nó đến đốt phá, làm hại dân làng, mình ghét lắm. Mình xin đi theo cách mạng, nhưng còn nhỏ tuổi nên mình được làm liên lạc”. Đến năm 1960, cô bé Bahnar nhờ được tôi rèn trong gian khó nên nhanh chóng trưởng thành là du kích giỏi tại địa phương.
Với sự thông minh và tính gan dạ, cô du kích Đinh Thị Gơi chính thức được đứng vào hàng ngũ của Đảng ngày 15-3-1962. Bà Gơi cho biết, với bà được vào Đảng là được đi theo cách mạng, theo Cụ Hồ để đánh thắng thằng giặc Mỹ.
Trong hai năm 1963 - 1964, mẹ và cha ruột lần lượt qua đời để lại cho bà ba người em nheo nhóc. Từ đó, Gơi vừa lo nuôi em vừa đi đánh Mỹ. Bà được giao nhiệm vụ chỉ huy du kích, lực lượng thanh niên xung phong đi phá ấp chiến lược, bom mìn của địch để mở đường cho bộ đội ta tiến quân. Tết Mậu Thân 1968, giặc Mỹ tiến hành càn quét dữ dội trên đường 19 (Quốc lộ 19 từ cảng Quy Nhơn đi các tỉnh Tây Nguyên). Chỉ trong một đêm, bà phải chứng kiến cảnh hơn 10 đồng đội, dân bản của mình ngã xuống vì bom, đạn. Bà xúc động nói: “Đêm đó, máu của đồng đội và dân bản thấm ướt cả áo mình. Những người còn sống đều đau lòng. Từ đó, mình càng căm thù giặc. Mình quyết tâm chiến đấu giỏi, một lòng đi theo cách mạng vì mình mong ngày hòa bình lắm”.
Hiện nay, Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng nhất, Huân chương độc lập hạng ba được bà Gơi treo trang trọng trong ngôi nhà sàn của mình như một sự nhắc nhớ cái thời hào hùng đã qua, sự ghi ơn của Tổ quốc đối với một người phụ nữ Bahnar kiên cường như bà.
CÁN BỘ MẪU MỰC
Năm 1976, bà Gơi bắt đầu học bổ túc văn hóa. Mỗi lần đi công tác, bà lại cố gắng học thêm tiếng Kinh. Bây giờ tiếng Kinh, tiếng Bahnar bà đều nói rất thành thạo. Năm 1979, bà được cử đi học trung cấp chính trị tại Quảng Nam - Đà Nẵng. Có nhiều lúc đang học bài mà đói đến rát bụng, nhưng không vì thế mà bà từ bỏ. Bà Gơi luôn tâm niệm rằng, dù đói, dù khó khăn đến mấy cũng phải học. Giặc Mỹ còn không sợ, nên mình càng không thể đầu hàng giặc đói giặc dốt được.
Thời gian từ năm 1979 – 1989, dân làng Biên, làng Brọch, xã An Trung lâm vào cảnh đói. Bà Gơi bộc bạch: “Hồi đó, mình đi học còn có miếng ăn nhà nước cho nên không đói đâu. Nhưng mỗi khi nắm phần cơm trong tay, nghĩ đến con cháu, dân bản ở nhà đang đói thì thương đứt ruột. Càng nghĩ mình càng quyết tâm học giỏi để mang cái kiến thức mới về mà giúp dân bản thoát nghèo”.
Bà Gơi đã từng là Bí thư Huyện đoàn huyện Bảy (tức huyện Kông Chro) ngày nay, vừa đi học văn hóa vừa chỉ đạo công tác tại địa phương. Năm 1980, bà về làm Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện An Khê (huyện Kông Chro ngày nay được tách ra từ huyện An Khê cũ). Từ năm 1989, bà được phân về làm Bí thư xã An Trung. Đến năm 1994 thì bà nghỉ hưu. Trong suốt quá trình công tác, bà đã có nhiều đóng góp cho đời sống kinh tế, văn hóa của người dân trong xã, huyện. Ông Nguyễn Văn Ký, Chủ tịch UBND xã An Trung chia sẻ: “Cô Gơi là một người đáng kính trong làng Brọch, xã An Trung và cả huyện Kông Chro. Mặc dù bây giờ cô đã nghỉ hưu nhưng khi có việc làng, việc xã, bà con đều mời cô đến tham dự ý kiến. Hơn thế nữa, đối với huyện Kông Chro nói chung và xã An Trung nói riêng, cô là một trong những người Bahnar đầu tiên biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất kinh doanh giúp cho rất nhiều hộ thoát nghèo”.
Năm 1983, bà Gơi vận động dân làng trồng mía. Cả huyện không ai dám tin cây mía có thể phát triển ở vùng đất có khí hậu khắc nghiệt này. Thế nên, lúc đầu dân bản e dè không dám làm. Bà Gơi cho biết: “Vì dân bản ai cũng vào rừng đào củ để sống nên ngày càng đói. Mình nhất định phải nghiên cứu trồng cho được cây mía này để sản xuất lâu dài. Không ai chịu làm thì mình tình nguyện làm trước”. Cây mía bà Gơi trồng năm đó được mùa, có công ty đến thu mua, thế là phong trào trồng mía lan rộng đến 11 làng trong xã, rồi lan ra khắp huyện Kông Chro.
Hiện nay, nếu ai một lần tìm đến làng Brọch, đứng bên bờ một nhánh sông Ba của làng để nhìn về bờ bên kia sẽ thấy có một ngôi làng Bahnar với những căn nhà sàn cũ kỹ, cái nghèo, cái khó hiện lên rất rõ. Đó là làng Biên. Làng Biên nằm tách biệt với bên ngoài bởi không có một cây cầu bắc ngang hai bờ của nhánh sông Ba chảy qua đây. Năm 1983, bà Gơi vận động dân làng khuân đá làm cầu ngầm. Cây cầu bắc ngang nhánh sông Ba này mang lại niềm vui cho người làng Biên. Thế nhưng, qua nhiều năm, cầu bị cuốn trôi. Đến nay, việc đi lại giữa hai làng trở nên khó khăn. Mùa khô, phải lội qua sông lởm chởm đá. Mùa mưa, nước sông dâng cao, người dân qua lại bằng đò nhưng rất nguy hiểm. Hôm gặp chúng tôi, bà Gơi dặn dò: “Muốn qua làng Biên thì phải chịu cực nghe. Lội sông đau chân lắm. Mình ước chi có cây cầu chắc chắn bắc qua sông để việc đi lại của bà con hai làng thuận tiện”.
Có năm, dân làng bị bệnh lác, ghẻ lở nhiều. Người trên huyện cũng sợ, dân xã khác cũng sợ không dám đến. Năm ấy, bà Gơi kêu gọi dân bản: “Ai có heo bán heo, ai có bò bán bò, phải lấy tiền để mua thuốc tây mà chữa bệnh”. Bệnh lác từ đấy cũng hết dần trong làng.
Bà còn tích cực vận động bà con làm ăn, định canh định cư. Bà là người phụ nữ Bahnar làm chủ rất nhiều mô hình mới cho sự phát triển kinh tế - xã hội của xã, ổn định đời sống của bà con dân bản.
Bà có đến gần 30 Huân chương, Bằng khen, giấy khen do các cấp tặng thưởng như: Giấy khen có thành tích xuất sắc trong phong trào sản xuất kinh doanh giỏi, Giấy khen có thành tích xuất sắc trong công tác Mặt trận Tổ Quốc, Giấy khen đã có nhiều thành tích trong phong trào thi đua “Tuổi cao chí càng cao nêu gương sáng vì sự nghiệp xây dựng Tổ quốc”.
BAO LA TÌNH MẸ
Một điều đặc biệt nữa ở người phụ nữ Bahnar này là bà đã một mình chăm sóc, nuôi dạy hơn 10 đứa trẻ mồ côi thành người. Bây giờ, tuy ở cái tuổi cần được nghỉ ngơi nhưng bà vẫn miệt mài làm rẫy để kiếm cái ăn, cái chữ cho các con.
Thời chiến, vừa nuôi em, vừa đi đánh giặc, bà không có thời gian nghĩ đến chuyện riêng tư. Hòa bình lặp lại, bà hăng hái tham gia công tác thanh niên, phụ nữ, công tác Đảng nên chuyện chồng con cũng xa dần. Thế nhưng, còn một lý do quan trọng nữa là bà không đành lòng bỏ rơi những đứa cháu là con của anh, em bà đã hy sinh hoặc mất trong kháng chiến. Sau này, gặp những đứa trẻ bơ vơ, không có cái ăn, cái mặc, bà đưa chúng về nhà chăm sóc như con, cháu ruột thịt. Bà tâm sự: “Nhà mình tuy không giàu nhưng các con mình trưởng thành đều được dựng vợ, gả chồng, có cuộc sống ổn định. Bây giờ, hạnh phúc của mình là những ngày có con, cháu tập trung về nhà quây quần bên bếp lửa. Các con không do mình sinh ra nhưng đều ngoan và chăm chỉ. Mình rất mừng”.
Nhìn cô bé Đinh Thị Hiệp, SN 1992 đang say ngủ, bà Gơi xúc động cho biết, năm 1996, Hiệp và anh trai là Đình Hà, SN 1989 tìm đến nhà bà trong tình cảnh đói, rách rất đáng thương. Khi ấy, bà hỏi gì hai đứa trẻ cũng im lặng. Thế nhưng, khi bà hỏi có muốn ở lại nhà bà không thì hai anh em lại lẳng lặng gật đầu. Mới đó mà gần 15 năm đã trôi qua. Hiện nay, người anh Đinh Hà đã có gia đình ổn định còn bé Hiệp đang theo học nghề may. Ngoài giờ đi học chữ, các con bà còn được dạy làm rẫy, dệt thổ cẩm để có cái nghề khi trưởng thành.
Khi chúng tôi hỏi thăm về bà Gơi, người dân làng Brọch đều tỏ thái độ cảm phục, tin tưởng người phụ nữ đặc biệt này. Mới đây, bà Gơi vinh dự nhận giải thưởng Phụ nữ Việt Nam 2010 do Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam trao tặng. Đó là phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực không mệt mỏi của bà vì quê hương, đất nước và bản làng người Bahnar.
HẢI BĂNG - MINH KIỀU (Công an TP HCM)