![]() |
PGS.TS Phan Văn Hòa, nguyên Hiệu trưởng Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng. Ảnh: VGP/Minh Trang |
Đi đầu những cái mới
Năm 1998, Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng khi ấy còn là một khoa ngoại ngữ thuộc Đại học Sư phạm Đà Nẵng, thầy Phan Văn Hoà được tín nhiệm cử làm Chủ nhiệm khoa tiếng Anh rồi Phó Hiệu trưởng, Hiệu trưởng Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng sau khi trường được tách ra độc lập vào năm 2002.
Cách đây hơn chục năm, khi trên cả nước hầu như chỉ tập trung phát triển Anh ngữ, thầy Phan Văn Hoà cùng đội ngũ giáo viên nơi đây đã mạnh dạn đề xuất TP. Đà Nẵng cho thành lập các khoa tiếng Hàn, Thái và Nhật.
“Trong các đề án phát triển của Thành phố, nhu cầu giao lưu văn hoá, phát triển kinh tế với các nước phát triển của khu vực châu Á ngày càng cao. Vì vậy, cần phải có đủ nguồn nhân lực để làm cầu nối trung gian trong các hoạt động đối ngoại”, thầy Hòa nói.
Với ý tưởng trên, Hiệu trưởng Phan Văn Hoà đã đến Tổng Lãnh sự quán Hàn Quốc đặt vấn đề về việc thành lập khoa tiếng Hàn và đã nhận được sự giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi như cử chuyên gia Hàn Quốc đến đào tạo cho sinh viên trong trường.
Khởi đầu thành công, nhà trường tiếp tục mở các lớp tiếng Nhật, Thái và củng cố các khoa tiếng Trung, Nga, Anh, Pháp. Nhờ những kết nối với đại sứ quán các nước, Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng hằng năm đều được đội ngũ chuyên gia của các nước hỗ trợ đào tạo, nâng cao chất lượng dạy học. Những cử nhân tốt nghiệp từ đây đã trở thành nguồn nhân lực quan trọng cho một số lĩnh vực như ngoại giao, kinh tế, du lịch… của Đà Nẵng và các tỉnh lân cận.
ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng cũng là một trong những trường đại học đầu tiên của cả nước thực hiện thí điểm Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020.
Thầy Hòa cho biết, thời gian đầu thực hiện đề án gặp nhiều khó khăn trở ngại nên ít nơi triển khai. Tập thể giáo viên nhà trường đã thống nhất, quyết tâm thực hiện thí điểm Đề án này và đã thu được nhiều “trái ngọt”.
Từ khi triển khai Đề án, giảng viên nhà trường được đào tạo ở nước ngoài, cơ sở vật chất cũng được củng cố, đầu tư hiện đại, nhờ thế chất lượng dạy và học ngày càng được nâng lên. Thầy Hòa cho rằng, thông qua thực hiện Đề án, các trường đại học, cao đẳng tự đánh giá được mình để có hướng phát triển. Nhờ các cuộc khảo sát, đánh giá, tổ chức để đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho giảng viên, tình trạng trì trệ về chất lượng đã thay đổi.
"Tinh thần dám chấp nhận đi đầu đổi mới đã mang lại nhiều nét tích cực cho nhà trường, được Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá cao và để lại nhiều bài học quý giá cho các trường trên cả nước cùng tham khảo và trao đổi kinh nghiệm”, nguyên Hiệu trưởng Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng cho biết thêm.
Tâm huyết với sự nghiệp trồng người
Trong sự nghiệp trồng người, thầy Phan Văn Hoà là một trong những "cây cổ thụ" trong lĩnh vực đào tạo ngoại ngữ tại Đà Nẵng.
Suốt khoảng thời gian làm Hiệu trưởng Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng, cùng với đội ngũ giảng viên nhà trường, PGS.TS Phan Văn Hòa đã tham gia đào tạo trên 10.000 sinh viên chuyên ngữ cho Thành phố, cho miền Trung cũng như cả nước. Thầy đã hướng dẫn, cố vấn khoa học cho gần 100 học viên bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ chuyên ngành Anh ngữ, 1 tiến sĩ và đang hướng dẫn 15 thạc sĩ, 4 tiến sĩ ngành Anh ngữ. Thầy đã có 3 cuốn sách được xuất bản, 53 công trình nghiên cứu đăng trên các tạp chí khoa học trong nước và quốc tế.
Từng là Chủ tịch Hội đồng tư vấn ngành tiếng Anh tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng, thầy Phan Văn Hòa cùng lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Nam-Đà Nẵng (cũ) và sau là thành phố Đà Nẵng đã có nhiều biện pháp nâng cao chất lượng tiếng Anh cho đội ngũ giáo viên phổ thông và các trường nghề, trung cấp, cao đẳng tỉnh Quảng Nam và TP. Đà Nẵng.
Dù đã ở tuổi lục tuần, không còn giữ chức vụ Hiệu trưởng, nhưng ngày ngày thầy Hòa vẫn cặm cụi bên những trang sách, nghiên cứu những bài giảng trước những buổi đứng lớp đào tạo bậc tiến sĩ, thạc sĩ, sinh viên Anh ngữ.
Trong tâm khảm, thầy vẫn còn những trăn trở, mong mỏi nhà trường sẽ có nhiều đổi mới về quy mô và chất lượng đào tạo. Thầy Hòa chia sẻ, vài năm nữa, nhà trường phải mở thêm một số khoa tiếng Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ả Rập để đào tạo đội ngũ phục vụ phát triển kinh tế của khu vực.