In bài viết

Người thương binh giàu lòng thiện nguyện

(Chinhphu.vn) - Nhiều năm nay, Hội CCB quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng luôn xem số điện thoại di động của người thương binh này là số máy “nóng” dành cho từ thiện và hỗ trợ anh em cựu chiến binh gặp khó khăn.

27/07/2015 16:40
Thương binh Nguyễn Đức Cử. Ảnh: VGP/Thế Phong
Đó là thương binh hạng 3/4 Nguyễn Đức Cử, sinh năm 1952, quê gốc Quảng Trị, hiện là Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng.

Ông Nguyễn Đức Cử nhập ngũ năm 1970 và được cử vào chiến đấu tại chiến trường miền Tây Nam Bộ. Năm 1972, ông Cử bị thương, sau đó được đưa đi điều trị, an dưỡng rồi về công tác tại Học viện Chính trị QĐND Việt Nam. Sau ngày 30/4/1975, ông Cử về công tác tại cơ quan công an Quảng Nam-Đà Nẵng.

Năm 1993, ông Cử nghỉ hưu về sống tại tổ 33 phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng.
Với đồng lương ít ỏi, gánh nặng gia đình mẹ già đau yếu, vợ không có việc làm, 3 con còn nhỏ, đang tuổi ăn học nên cuộc sống gia đình ông Cử gặp rất nhiều khó khăn. Song với bản chất của người lính “Bộ đội cụ Hồ”, người thương binh này đã không lùi bước trước những gian nan, vất vả, quyết tâm vươn lên bằng chính sự nỗ lực của mình.

Ông suy nghĩ tìm cách làm giàu, lúc đầu không có vốn phải vay mượn tiền của anh em, bạn bè để kinh doanh phế liệu. Gia đình ông vất vả, cả ngày lẫn đêm lăn lộn mua từng cân sắt. Từ chỗ buôn bán nhỏ lẻ chỉ có chục triệu trong tay, ông Cử tích luỹ dần lên. Bắt đầu từ năm 1997, mỗi năm đại lý của ông thu gom hàng nghìn tấn sắt thép vận chuyển bằng tàu hỏa đưa ra gang thép Thái Nguyên, doanh thu 2 tỉ đồng/tháng. Ông Cử trở thành “trùm” phế liệu miền Trung.

Việc buôn bán phế liệu đang gặp thuận lợi thì các tỉnh miền Trung gặp bão lũ liên miên, Nhà nước phải huy động nhiều tàu xe chở gạo từ Nam ra Bắc nên đại lý của ông gặp khó khăn về phương tiện vận chuyển, ông quyết định chuyển nghề. Năm 2002, ông Cử thành lập Công ty TNHH Đức Công chuyên cung cấp đá phụ gia cho nhà máy xi măng Hải Vân.

Từ đó đến nay, Công ty TNHH Đức Công duy trì nghề kinh doanh vận tải, quy mô công ty có 10 đầu xe tải và bồn giá trị khoảng 20 tỉ đồng. Doanh nghiệp giải quyết việc làm cho khoảng 20 người (trong đó có nhiều con em cựu chiến binh) với mức lương từ 7-10 triệu đồng/tháng.

Số máy cá nhân là địa chỉ từ thiện

Trong nhiều năm qua, thương binh Nguyễn Đức Cử không bao giờ quên những đồng chí, đồng đội đã một thời cùng chiến hào, đã chịu đựng sự tàn khốc của chiến tranh nay còn nghèo, khó khăn, những gia đình thương binh, liệt sĩ, những mảnh đời bất hạnh. Gia đình ông nhận nuôi dưỡng và chăm sóc tại nhà thương binh 4/4 Trần Văn Xê, 58 tuổi, quê quán phường Hòa Hiệp Bắc có hoàn cảnh khó khăn, không có nơi nương tựa.

Hằng năm Công ty TNHH Đức Công đều trích một phần thu nhập, lập quỹ để làm việc thiện, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn.

Trong 5 năm (2010-2015), ông Cử đã đứng ra tổ chức và quyên góp tiền, công sức nấu nồi cháo tình thương thêm bữa ăn phụ (mỗi tuần 2 lần) cho hơn 200 bệnh nhân bệnh viện tâm thần Hòa Khánh, Đà Nẵng.

Tại phường Hòa Khánh Bắc, qua tìm hiểu ông được biết có nhiều gia đình đặc biệt khó khăn, cha mẹ vất vả lo cuộc sống từ sáng sớm đến tối, không có thời gian và điều kiện chăm sóc con cái. Bốn năm qua, ông Cử đã vận động một số hội viên Hội Cựu chiến binh (CCB), đoàn thể và các nhà hảo tâm đóng góp mở lớp học tình thương, đồng thời, vận động 3 thầy cô giáo dạy miễn phí, giúp cho trên 50 cháu độ tuổi cấp 1 được đến lớp.

Lớp học tình thương do ông Nguyễn Đức Cử cùng các hội viên CCB quận Liên Chiểu tổ chức. Ảnh: VGP/Thế Phong
Ông Trần Văn Thanh, Chủ tịch Hội CCB quận Liên Chiểu chia sẻ: Nhiều năm nay, Hội CCB quận và địa phương luôn xem số điện thoại di động của anh Cử là số máy “nóng” dành cho từ thiện và hỗ trợ anh em CCB còn khó khăn phát triển kinh tế. Ngoài việc tổ chức nấu cháo tình thương tại bệnh viện và mở lớp học tình thương, nhiều năm qua, anh Cử còn tích cực ủng hộ về cả vật chất lẫn tinh thần cho công tác khuyến học của Hội CCB quận và phường, ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo”, các nạn nhân chất độc da cam.

Bằng sự nỗ lực, tâm huyết xây dựng phong trào của địa phương, từ năm 2010 đến nay, ông Cử được chính quyền thành phố Đà Nẵng và các hội, đoàn thể tặng nhiều bằng khen vì có nhiều việc làm thiết thực để “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

 Thế Phong