In bài viết

Nguồn lực mềm của Việt Nam trong kỷ nguyên mới

(Chinhphu.vn) - Tổng hợp các sức mạnh mềm được tích lũy qua quá trình phát triển của đất nước, chúng ta sẽ có nguồn lực mềm vô giá giúp Việt Nam vững bước tiến vào kỷ nguyên mới của dân tộc.

03/02/2025 14:51
Nguồn lực mềm của Việt Nam trong kỷ nguyên mới- Ảnh 1.

Theo báo cáo của Brand Finance Group về chỉ số sức mạnh mềm toàn cầu năm 2024 (Brand Finance Soft Power Index Report 2024), Việt Nam đã có bước đột phá đáng kể, vươn từ vị trí 69 lên 53 trên bảng xếp hạng 193 quốc gia vừa mới công bố đầu năm 2025. Cụ thể, chỉ số sức mạnh mềm của Việt Nam tăng 1,8 điểm ở tất cả các hạng mục, tăng 16 bậc so với năm trước. Đây là bước tiến đáng khích lệ cho những nỗ lực vượt bậc trong phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, ổn định chính trị và từng bước nâng cao giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam.

"Sức mạnh mềm Việt Nam là thành phần chủ chốt trong sức mạnh tổng thể của đất nước", cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng khẳng định. Ông cho rằng trong thời đại toàn cầu hóa, đất nước đặt mục tiêu tận dụng tài sản để nâng cao năng lực cạnh tranh toàn cầu và thúc đẩy phát triển bền vững là điều tất yếu.

Trong bài phát biểu ngày 24/9/2024, tại Trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York, Hoa Kỳ, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định "Việt Nam đang ra sức phấn đấu, bứt tốc để có thể hiện thực hóa một tương lai hòa bình". Sức mạnh mềm chính là kiên trì theo đuổi các mục tiêu đa phương, hòa bình và phát triển, bình đẳng để không ai bị bỏ lại phía sau.

Cùng ngày 24/9/2024, tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden nhắc đến mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam như minh chứng cho việc các nước có thể vượt qua quá khứ, từ đối thủ trong chiến tranh trở thành đối tác và bạn bè.

Ông nói: "Năm ngoái (2023) tại Hà Nội, tôi gặp lãnh đạo Việt Nam và chúng tôi đã nâng cấp quan hệ đối tác lên mức cao nhất. Đó là minh chứng cho sự bền bỉ của nhiệt huyết con người và khả năng hòa giải sau mâu thuẫn. Ngày nay, Hoa Kỳ và Việt Nam là bạn bè, là đối tác".

Tất cả các thông điệp về hòa bình trên của các nhà lãnh đạo, theo nhiều cách khác nhau, đã tăng cường uy tín Việt Nam trên trường quốc tế.

Nguồn lực mềm của Việt Nam trong kỷ nguyên mới- Ảnh 2.

Các nữ chiến sĩ Bệnh viện dã chiến cấp 2 (số 3) lên đường đi làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình ở Nam Sudan. Ảnh: Báo Nhân dân

Việt Nam chúng ta đã có một di sản sức mạnh mềm không chỉ nằm trong kho tàng văn hóa dân tộc, mà còn trong công cuộc xây dựng kinh tế và thúc đẩy văn hóa hòa bình từ một đất nước chịu nhiều đau thương của chiến tranh.

Chúng ta còn nhớ khi Việt Nam và Hoa Kỳ tái lập ngoại giao, có một câu nói mà đến bây giờ đã cho thấy giá trị của sức mạnh mềm Việt Nam: "Việt Nam không phải là một cuộc chiến tranh. Việt Nam là một đất nước". Đất nước đó đã thu hút hàng triệu du khách bốn phương. Đất nước đó đã, đang và sẽ tiếp tục nhận nguồn vốn đầu tư chảy vào, bất kể khó khăn của nền kinh tế và bất ổn của địa chính trị toàn cầu. Đất nước đó hiện đã trở thành biểu tượng của tình hữu nghị chân thành. Hầu hết các quốc gia trên thế giới hiện nay là đồng minh của Việt Nam.

Sức mạnh mềm văn hóa Việt

Trong thời đại toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, bức tranh văn hóa phong phú của Việt Nam, bao gồm di sản hữu hình và phi vật thể, cảnh quan thiên nhiên và con người, là công cụ đắc lực cho ngoại giao quyền lực mềm và trở thành sức mạnh nội sinh, nguồn lực và động lực to lớn để đất nước thịnh vượng và hội nhập quốc tế.

Hiện nay, Việt Nam có 8 di sản thế giới, hơn 40.000 di tích và 70.000 di sản văn hóa phi vật thể, bao gồm 130 di tích quốc gia đặc biệt, 3.633 di tích quốc gia, 571 di sản văn hóa phi vật thể được ghi vào Sổ đăng ký di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và 294 hiện vật hoặc nhóm hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia.

Bên cạnh đó, sức mạnh mềm tổng thể của Việt Nam đã, đang và liên tục được bồi tụ nhờ đóng góp của những người Việt tài năng qua nhiều thành tựu tầm cỡ thế giới. Năm 1980, nghệ sĩ Đặng Thái Sơn, với giải Nhất cuộc thi Piano quốc tế Frédéric Chopin, đã khiến thế giới biết đến Việt Nam ngoài một cuộc chiến tranh. Năm 2000, võ sĩ Taekwondo Trần Hiếu Ngân lần đầu tiên mang về cho đất nước một Huy chương Bạc thế vận hội Olympic và sau đó, năm 2016, Hoàng Xuân Vinh làm rạng ngời Việt Nam khi bước lên bậc cao nhất nhận Huy chương Vàng thế vận hội Olympic.

Trong lĩnh vực khoa học, nhiều tên tuổi Việt Nam đã đóng góp vào sức mạnh mềm dân tộc như Giáo sư Ngô Bảo Châu, Huy chương Fields năm 2010 (được coi như Nobel Toán học). Hay năm 2024, Giáo sư, Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng được trao giải Ramon Magsasays (cũng là một Nobel khu vực) về những đóng góp của bà cho lĩnh vực thụ tinh nhân tạo và cứu giúp nạn nhân chất độc da cam…

Thế giới sẽ biết đến Việt Nam nhiều hơn qua những con người Việt lừng danh với thành tựu tạo nên sức mạnh mềm của Việt Nam.

Nguồn lực mềm của Việt Nam trong kỷ nguyên mới- Ảnh 3.

Hình ảnh về đất nước, văn hóa, lịch sử, con người Việt Nam được quảng bá giúp nhân dân thế giới hiểu biết, yêu mến Việt Nam

Từ sức mạnh mềm thành nguồn lực mềm

Sức mạnh mềm phát sinh từ sự hấp dẫn của nền văn hóa, lý tưởng chính trị và chính sách của một quốc gia. Khi các thành tựu của chúng ta về kinh tế, văn học, nghệ thuật… được coi là bài học trong mắt người khác, khi đó sức mạnh mềm của chúng ta được tăng cường.

Câu chuyện tăng trưởng kinh tế và xóa đói giảm nghèo liên tục sau Đổi mới làm tăng sức mạnh mềm của Việt Nam trên trường quốc tế. Tỉ lệ hộ nghèo giảm nhanh trong khoảng thời gian 5 năm, từ 17,2% năm 2001 với 2,8 triệu hộ, xuống còn 8,3% năm 2004 với 1,44 triệu hộ, bình quân mỗi năm giảm 34 vạn hộ, đến cuối năm 2005 còn khoảng dưới 7% với 1,1 triệu hộ. "Những thành tựu giảm nghèo của Việt Nam là một trong những câu chuyện thành công nhất trong phát triển kinh tế". Đó là đánh giá trong "Báo cáo phát triển Việt Nam năm 2004" của Ngân hàng Thế giới.

Không chỉ hiện thực tạo ra sức mạnh mềm mà các bài học về hiện thực cũng làm tăng thêm sức mạnh mềm đó. Có rất nhiều cuốn sách viết về bài học kinh tế của Việt Nam và những cuốn sách đó khiến thế giới có cảm tình hơn với Việt Nam. Đó chính là sức mạnh mềm của chúng ta.

Khi những thành tựu này được thế giới ghi nhận, trở thành bài học cho các nước đang phát triển, thì khi đó, chúng ta tích lũy được sức mạnh mềm cho các bước phát triển tiếp theo. Việt Nam chúng ta đang dựa vào xuất khẩu và nguồn vốn đầu tư nước ngoài chiếm gần 70%. Ngoài những nguyên nhân bề nổi, chính sức mạnh mềm của dân tộc, được tích lũy qua nhiều chiều của lịch sử, khiến cho vốn đầu tư chảy vào, và hàng hóa từ trong nước chảy ra, làm giàu cho đất nước. Sức mạnh mềm đã trở thành "nguồn lực mềm" - một nguồn vốn vô cùng hiệu quả.

Hơn lúc nào hết, bước vào kỷ nguyên mới, nguồn lực mềm này sẽ tiếp tục góp phần để Việt Nam, từng là một đất nước nghèo bị tàn phá bởi chiến tranh liên miên, sẽ ghi tên mình như một quốc gia phát triển. Đó chính là "tinh thần Việt Nam", "giá trị Việt Nam"!

Trần Ngọc Châu