Về kiều hối, theo Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam đứng thứ 9 trong các nước nhận được nhiều kiều hối nhất thế giới sau Ấn Độ, Trung Quốc, Philippines, Mexico, Nigeria, Ai Cập, Pakistan, và Bangladesh.
Nếu tính tỉ lệ so với GDP, Việt Nam đứng thứ 5; nếu tính bình quân đầu người, Việt Nam đứng thứ 6 thế giới.
Năm 2015, ước tính lượng kiều hối chuyển về nước đạt khoảng 13 tỉ USD (tăng khoảng gần 10% so với năm 2014).
Đáng lưu ý, kiều hối về Việt Nam đã tăng gần như liên tục qua các năm.
Tính từ năm 1993 đến năm 2015, tổng lượng kiều hối về Việt Nam đã đạt khoảng 108,6 tỉ USD. Nếu vào năm 1994 (cách đây hơn 20 năm), kiều hối về Việt Nam mới đến từ 16 quốc gia và vùng lãnh thổ thì đến nay đã đến từ 187 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Những năm gần đây, ngoài số tiền do Việt kiều chuyển về, còn có một lượng tiền không nhỏ (chiếm khoảng 15%) là tiền do số lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài (còn gọi là xuất khẩu lao động) gửi về.
Số kiều hối chuyển về nước là một nguồn vốn lớn, có thể đây là lượng tiền lớn nhất so với các nguồn ngoại tệ khác, góp phần làm cho cán cân thanh toán tổng thể tiếp tục đạt thặng dư.
Khía cạnh thứ hai là người Việt Nam ở nước ngoài còn đầu tư trực tiếp về nước. Hiện số dự án do Việt kiều đầu tư về nước đã lên đến con số 2.000 với tổng vốn đầu tư 20 tỉ USD.
Riêng tại TPHCM, có 2.500 doanh nghiệp có vốn đầu tư của Việt kiều được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, với tổng vốn điều lệ hơn 35.000 tỉ đồng; 122 dự án đầu tư nước ngoài có vốn của Việt kiều với tổng vốn đầu tư trên 260 triệu USD.
Mặt thứ ba, lượng Việt kiều về nước thăm thân nhân đã đạt gần 1,35 triệu lượt người (năm 2014). Theo đó, bình quân cứ 4 Việt kiều thì có 1 người đã về thăm thân nhân, đất nước. Số người về thăm thân nhân năm 2014 đã chiếm 17,1% tổng số lượt khách quốc tế đến Việt Nam.
Đáng lưu ý, từ vài năm trở lại đây, đã có ngày càng nhiều Việt kiều về nước sinh sống.
Mặt thứ tư, những đóng góp của Việt kiều trong lĩnh vực khoa học cũng rất đáng kể.
Do được sống, làm việc tại nhiều nước có nền khoa học, kinh tế thị trường; do tham gia công tác quản lý, quản trị kinh doanh, do được tiếp xúc với nhiều nhà khoa học, nhiều chuyên gia, doanh nhân trên khắp thế giới nên Việt kiều khi trở về nước sinh sống hoặc tham gia làm việc đã có nhiều đóng góp cho lĩnh vực sản xuất, kinh doanh… Riêng ở TPHCM hiện có hàng trăm chuyên gia, trí thức làm việc, trong đó có 47 giáo sư, phó giáo sư, 50 tiến sĩ, 11 thạc sĩ...
Khía cạnh thứ năm, Việt kiều là cầu nối quan trọng giữa thế giới với Việt Nam; là cầu nối cho người nước ngoài đầu tư, cho thương nhân nước ngoài buôn bán với Việt Nam và ngược lại.
Do đó, các nhà quản lý cần có chính sách, giải pháp để thu hút nguồn lực của Việt kiều hiệu quả.
Minh Ngọc