Hiện nay, Việt Nam có hơn 14 triệu người dân tộc thiểu số, chiếm 14,7% dân số cả nước, cư trú trên tất cả 63 tỉnh/thành phố. Với trên 2/3 số đối tượng thuộc diện hộ nghèo, đây được xem là "lõi nghèo" của cả nước. Bên cạnh những chính sách an sinh xã hội, thì ưu tiên của Chính phủ luôn đặt mục tiêu làm thế nào để bà con thoát nghèo bền vững. Do đó, việc đưa nguồn vốn, đem khoa học kỹ thuật đến với vùng sâu, vùng xa để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, từ đó xóa đói giảm nghèo đang được xem là một giải pháp cốt lõi hiện nay.
Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, việc cụ thể hóa các quy định về chính sách cho vay sẽ tác động trực tiếp đến đời sống kinh tế-xã hội của đồng bào dân tộc thiểu số thuộc đối tượng vay vốn. Điều này có thể góp phần giúp hộ dân tộc thiểu số nghèo và cả hộ nghèo dân tộc kinh sinh sống tại các vùng đặc biệt khó khăn có thể thực hiện sản xuất kinh doanh, từ đó tạo ra các sản phẩm có chất lượng, nâng cao thu nhập cho đồng bào.
Các quy định cụ thể cũng tập trung giải quyết được những vấn đề khó khăn, về đời sống, sản xuất như: Nhà ở, đất ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề cho người dân sinh số tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, từng bước cải thiện và nâng cao điều kiện sống cho đồng bào, góp phần giảm nghèo bền vững, giảm chênh lệnh trong phát triển giữa các vùng.
Là một trong những ngân hàng thương mại chủ lực của Nhà nước, Agribank đã và đang là một trong những ngân hàng dẫn đầu việc thực thi chính sách tiền tệ, đầu tư có hiệu quả cho nền kinh tế, đặc biệt là đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn cũng như góp phần đưa vốn đến những vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số từ đó góp sức cùng Đảng, Nhà nước trong công tác xóa đói giảm nghèo.
Cụ thể, tổng dư nợ cho vay đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của Agribank chiếm khoảng 65% dư nợ cho vay và đang là ngân hàng có tỉ trọng lớn nhất trong dư nợ tín dụng tam nông tại Việt Nam.
Triển khai Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ, Agribank đã hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo với tổng doanh số cho vay đạt trên 13.000 tỷ đồng, hỗ trợ lãi suất cho hộ nghèo và đối tượng chính sách vay vốn trên 530 tỷ đồng.
Có thể nói, thông qua triển khai các chương trình tín dụng chính sách, các chương trình mục tiêu quốc gia, ngân hàng 100% vốn Nhà nước này đã và đang đóng góp rất quan trọng vào công cuộc xoá đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tạo động lực để nông nghiệp phát huy vai trò là "bệ đỡ" của nền kinh tế.
Để thực hiện mục tiêu thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, phát triển nông thôn, Agribank đã áp dụng lãi suất ưu đãi với hàng nghìn tỷ đồng đối với sản xuất nông nghiệp. Hiện Agribank đang triển khai một số chương trình tín dụng chính sách và 3 chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Theo bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Tổng Giám đốc Agribank, để cụ thể hóa những chương trình trên, Agribank không ngừng đa dạng hóa các kênh dẫn vốn, đưa ra nhiều mô hình tiếp cận vốn hiệu quả, đưa dịch vụ ngân hàng đến địa bàn nông thôn, vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Ngân hàng đã áp dụng các giải pháp để gia tăng khả năng tiếp cận vốn của người dân, doanh nghiệp, triển khai điểm nhiều chi nhánh, của hàng, điểm giao dịch tại các bản, làng miền núi hẻo lánh. Sử dụng giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng nhằm mở rộng tín dụng và cung cấp dịch vụ ngân hàng cho các hộ sản xuất, cá nhân ở khu vực nông thôn vùng sâu, vùng xa để tạo điều kiện cho người dân tiếp cận vốn dễ dàng hơn.
Bên cạnh đó, ngân hàng cũng đã giảm mạnh lãi suất cho vay, thực hiện nghiêm các quy định của ngân hàng Nhà nước trong các chính sách cho vay, huy động vốn, đồng hành cùng người dân vùng cao bằng các chính sách hỗ trợ để chia sẻ khó khăn với khách hàng, người dân trong từng giai đoạn.
Chia sẻ về ý nghĩa và hiệu quả của các chính sách tín dụng của ngân hàng đối với vùng cao miền núi, ông Nông Thanh Hùng, Giám đốc chi nhánh Agribank Huyện Hạ Lang (Cao Bằng) cho biết, là một huyện vùng núi, xa xôi nhất của tỉnh, nguồn vốn vay đã đóng góp quan trọng tới việc tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo tại địa phương, đem lại đời sống ấm no hơn cho bà con vùng cao.
Chương trình cho vay hỗ trợ lãi suất theo nghị quyết 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Thủ tướng chính phủ đã giúp chi nhánh Hạ Lang cho vay được 1,322 tỷ đồng. Chương trình cho vay theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 09/06/2015 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đối với cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác, hộ kinh doanh, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và chủ trang trại khi vay vốn được xem xét cơ chế bảo đảm tiền vay trên cơ sở có bảo đảm hoặc không có bảo đảm bằng tài sản theo quy định của pháp luật cũng đã giúp nhiều hộ nông dân, trang trại tiếp cận được nguồn vốn vay.
Nhiều mô hình đã phát huy hiệu quả nhờ nguồn vốn của Agribank như mô hình chăn nuôi vịt của HTX nông nghiệp Đồng Tâm tại Phường Đức Xuân, TP. Bắc Kạn được Chi nhánh Agribank Bắc Kạn cho vay 100 triệu đồng với lãi suất ưu đãi theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ. Sau khi được vay vốn các hộ nông dân này đã thay đổi phương pháp chăn nuôi nên kết quả các hộ đều có thu nhập tăng cao hơn giúp bà con ổn định cuộc sống, yên tâm sản xuất.
Hay hộ gia đình bà Đàm Thị Hường tại xóm Khun Đin, xã Vinh quý, huyện Hạ Lang, tỉnh Cao Bằng, cuối năm 2017 đã được Agribank cho vay vốn để xây dựng chuồng trại và chăn nuôi lợn với số tiền ban đầu là 300 triệu đồng, dự án đạt hiệu quả cao do vậy đầu năm 2017 hộ gia đình bà Hường đã mạnh dạn tiếp tục vay vốn Aribank để mở rộng kinh doanh với số tiền là: 1,5 tỷ đồng.
Tựu chung lại, việc thực hiện hiệu quả chính sách tín dụng ưu đãi đã và đang góp phần nâng cao đời sống người dân, tăng thêm nguồn thu nhập hàng năm, từng bước thay đổi diện mạo vùng cao.
Minh Thi
Bài 2: Bám đất, bám dân đưa vốn đến với bà con vùng cao