Ngày 9/12, tại Hà Nội, Trung tâm Thông tin - Tư liệu phối hợp với Viện Vật lý địa cầu (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) tổ chức Bài giảng đại chúng với chủ đề "Động đất, sóng thần: Nguy cơ và cách ứng phó, kinh nghiệm dành cho Việt Nam".
Theo bà Nguyễn Thị Vân Nga, Giám đốc Trung tâm Thông tin - Tư liệu (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam), động đất và sóng thần là những hiện tượng thiên nhiên nguy hiểm. Trong những năm gần đây, Việt Nam liên tục xuất hiện động đất ở mức độ trung bình, độ lớn từ 5-6 và chiều hướng tăng dần về tần suất.
Từ năm 2007, Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần trực thuộc Viện Vật lý địa cầu được thành lập nhằm triển khai quy chế của Chính phủ về báo tin động đất, cảnh báo sóng thần.
Với mong muốn cung cấp những thông tin khoa học quan trọng cho đại chúng, bài giảng đại chúng tập trung vào trao đổi, chia sẻ kiến thức, cập nhật thông tin quan trọng và đóng góp thiết thực vào công tác tuyên truyền, ứng phó, phòng tránh nhằm giảm thiểu thiệt hại do động đất, sóng thần tại Việt Nam.
Chia sẻ những thông tin về động đất, sóng thần, PGS.TS. Nguyễn Hồng Phương, Chủ tịch Hội đồng Khoa học, Viện Vật lý Địa cầu cho biết, đây là các dạng tai biến thiên nhiên có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Sự phát sinh của các tai biến thiên nhiên này gắn liền với những hiện tượng đang diễn ra trong lòng Trái Đất thông qua những biểu hiện trên bề mặt và trong lớp vỏ của Trái Đất.
Trên lục địa, động đất thường xảy ra dọc theo các đứt gẫy kiến tạo. Ba vành đai động đất lớn nhất hành tinh là vành đai Thái Bình Dương, vành đại Địa Trung Hải - Hymalaya và vành đai kéo dài theo dải núi ngầm từ Bắc Băng Dương qua Đại Tây Dương về phía Nam.
Động đất mạnh xảy ra ở Việt Nam chủ yếu ở khu vực Tây Bắc. Trong đó, động đất xảy ra vào 23 giờ 22 phút ngày 1/11/1935 ở phía Đông Nam thị trấn Điện Biên Phủ, nay là thành phố Điện Biên, tỉnh Điện Biên Phủ có độ lớn M= 6,75 là một trong những trận động đất mạnh nhất đã xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam. Động đất đã gây hư hại về nhà cửa ở các thị trấn Điện Biên Phủ và Sơn La. Trong vùng chấn tâm, đất nứt thành những vệt rộng tới 20 cm, có nơi dài tới 50cm...
PGS.TS Nguyễn Hồng Phương cho biết, đến nay, 6 thế hệ bản đồ nguy hiểm động đất lãnh thổ Việt Nam đã được xuất bản, phản ánh sự tiến bộ liên tục về độ chính xác, chất lượng khoa học và công nghệ, phạm vi ứng dụng thực tế và sự tiện lợi cho người dùng. Bản đồ xác suất nguy hiểm động đất gần đây nhất (thế hệ thứ 6) được xuất bản vào năm 2019.
Đối với sóng thần, PGS.TS Nguyễn Hồng Phương cho biết, mặc dù có nhiều dấu hiệu cho thấy sóng thần đã từng gây thiệt hại cho cộng đồng cư dân ven biển miền Trung Việt Nam trong quá khứ, song tất cả những bằng chứng này chưa bao giờ được công bố công khai nên chúng vẫn chỉ được coi như là những giả thuyết cần chứng minh.
Các tham số nguy hiểm sóng thần cho phép đưa ra một số nhận định như sau: Dải ven biển miền Nam Việt Nam có độ nguy hiểm sóng thần thấp nhất; dải ven biển phía Bắc có độ nguy hiểm sóng thần trung bình; biên độ sóng thần cao nhất tập trung trên dải ven biển miền Trung và Nam Trung Bộ của Việt Nam, kéo dài từ tỉnh Quảng Bình đến tận tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu…
Chia sẻ về công tác tuyên truyền, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do động đất, sóng thần tại Việt Nam, TS. Bùi Nhị Nhung, Viện Vật lý Địa cầu cho biết, hiện nay không có cách nào dự báo ngắn được động đất, tức là dự báo vị trí, thời gian gần xảy ra một động đất. Vì vậy, việc trang bị kiến thức về động đất và chuẩn bị sẵn sàng các kỹ năng ứng phó là chìa khóa cho sự an toàn của con người, giảm thiểu thiệt hại khi xảy ra động đất.
Trước đây, mặc dù đã có một số hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng ứng phó cho cộng đồng tại vùng tâm chấn sau mỗi động đất lớn xảy ra, tuy nhiên các hoạt động này mới ở bước nhỏ lẻ, mang tính tình thế của các cơ quan chuyên môn.
Năm 2021, sau một loạt các trận động đất xảy ra ở Mộc Châu, Cao Bằng, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam đã kịp thời cho thực hiện nhiệm vụ: "Nghiên cứu xây dựng, thiết kế các tài liệu và tổ chức các hoạt động thông tin, tuyên truyền phổ biến kiến thức, kỹ năng về phòng tránh động đất cho cộng đồng".
Qua đó, xây dựng một số tài liệu tuyên truyền các kiến thức về động đất, kỹ năng ứng phó khi động đất xảy ra.
Cũng trong thời gian qua, với sự chỉ đạo quyết liệt từ các cấp quản lý đến cơ quan chuyên môn, hệ thống thông tin truyền thông, các cơ quan liên quan, công tác tuyên truyền ứng phó nhằm giảm thiểu thiệt hại do động đất ở Việt Nam đã được thực hiện kịp thời đáp ứng tình hình thực tế.
Để nâng cao kỹ năng ứng phó với động đất, TS. Bùi Nhị Nhung đề xuất các bộ ngành liên quan cần sớm thêm các tài liệu tuyên truyền phù hợp với những khu vực vùng sâu, vùng xa, đáp ứng tình hình thực tiễn.
Chính quyền địa phương tiếp tục làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, giáo dục, phổ cập kiến thức cho người dân, rèn luyện kỹ năng cho các lực lượng: Diễn tập, lồng ghép, tích hợp kiến thức, kỹ năng ứng phó động đất, đưa vào chương trình giáo dục, các hoạt động ngoại khóa, hoạt động trải nghiệm trong các cơ sở giáo dục…
Hoàng Giang