In bài viết

Nguyên Chủ nhiệm VPQH Vũ Mão: Dân chủ, công khai trong bầu cử được bảo đảm

(Chinhphu.vn) - Chia sẻ với báo chí về quá trình bầu cử ĐBQH và HĐND các cấp lần này, ông Vũ Mão, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhận định, chúng ta đã có nhiều tiến bộ trong công khai, dân chủ trong đời sống chính trị, sinh hoạt của đất nước, trong đó có vấn đề về bầu cử. Đợt bầu cử ĐBQH và HĐND các cấp lần này có những cố gắng để bảo đảm công khai, dân chủ tốt hơn.

13/04/2016 10:19
“Tôi nghĩ rằng đây là điểm tốt. Ngay trong các văn bản, Luật bầu cử Quốc hội và HĐND cũng như các văn bản hướng dẫn cũng đã nhấn mạnh đến những yêu cầu này. Tôi cũng tin rằng ở cuộc bầu cử lần này, những vấn đề về dân chủ, công khai được bảo đảm để cuộc bầu cử ĐBQH cũng như HĐND có chất lượng, để chọn ra được những đại biểu xứng đáng làm tròn trách nhiệm của mình. Đó là điều chúng ta mong muốn và chúng ta cũng đã có nhiều công việc để triển khai, cố gắng đạt yêu cầu đó”, ông Vũ Mão nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo ông Vũ Mão, thời gian là rất gấp. Các cơ quan có trách nhiệm kể cả cơ quan phụ trách bầu cử, MTTQ các cấp rất vất vả. Chính thời gian gấp gáp như vậy cũng ảnh hưởng đến chất lượng bầu cử, đến thủ tục, trình tự bầu cử. Ví dụ, thời gian làm thủ tục của các đại biểu được đề cử hoặc ứng cử rất ngắn, sau đó thời gian tổ chức lấy ý kiến của cử tri nơi mình cư trú, nơi công tác cũng rất ngắn.

“Cách lấy ý kiến của chúng ta thật ra đến lần này vẫn là như cũ, như trước đây, gọi nôm na là đại cử tri chứ không phải tất cả cư tri ở khu dân cư đó được đóng góp ý kiến cho đại biểu. Ngay cả lấy ý kiến đóng góp cho đại biểu ứng cử vào quận đó, huyện đó, phường đó, xã đó cũng không phải là tập hợp được đông đảo cử tri có ý kiến mà cũng chỉ là đại diện với số lượng rất ít. Tôi tổng kết lại một cách sơ bộ đó là tiếp xúc của những người ứng cử trước hết ở những nơi mình cư trú thì số lượng có lẽ cũng chỉ đạt trên dưới 10% và đương nhiên ứng cử viên đó ở nơi công tác như các cơ quan, các đơn vị, các đoàn thể thì số lượng lấy ý kiến ít hơn nên số lượng đông hơn rất nhiều”, ông Vũ Mão nói.

Giai đoạn 2 là những ứng cử viên được đưa vào danh sách để giới thiệu về những nơi bầu cử thì thời gian tiếp xúc cũng ngắn. Số lần tiếp xúc, gặp gỡ cử tri cũng rất ít. Cho nên, tôi nghĩ rằng lường trước những tồn tại, khó khăn đó thì những cơ quan bầu cử chỉ đạo bầu cử phải cố gắng khắc phục, dù chỉ một phần. Chứ ngay trong kỳ này không khắc phục được hết mà phải chúng ta còn phải sữa chữa, bàn tiếp rất nhiều ở những kỳ bầu cử sau.

Thưa ông, rõ ràng công tác bầu cử còn có những hạn chế nhưng theo ông cần có cơ chế giám sát như thế nào để ngay từ đầu, chúng ta có thể lựa chọn được những ĐBQH cũng như HĐND các cấp đủ tiêu chuẩn?

Ông Vũ Mão: Theo tôi, trước hết là những người được đề cử, tranh cử phải là những người đạt được những tiêu chuẩn cần thiết. Tất nhiên phải qua sự sàng lọc, qua bầu cử của cử tri thì mới chọn được đại biểu xứng đáng nhất. Nhưng ngay từng bước, phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đầy đủ, thận trọng.

Ví dụ vừa qua ở các bước chọn các ứng cử viên. Hiện nay chúng ta có 2 loại ứng cử viên. Thứ nhất là những ứng cử viên do đề cử của các tổ chức, các cơ quan giới thiệu. Loại ứng cử thứ 2 là tự ứng cử. Đây là vấn đề rất quan trọng bởi vì chủ trương của chúng ta là mong sao có nhiều người tự ứng cử và trúng cử. Thường những người tự ứng cử là những người ngoài Đảng và chúng ta rất cần những người ngoài Đảng tự ứng cử.

Qua những lần trước bao giờ cũng mong đợi số người tự ứng cử, số người ngoài Đảng ít nhất là 10% có nghĩa là chúng ta có 500 đại biểu Quốc hội thì phải có ít nhất 50 là người ngoài Đảng hoặc là 50 người tự ứng cử. Thực tiễn các cuộc bầu cử từ trước tới nay, lần đạt cao nhất là 4 đại biểu trúng cử. Như vậy, chưa đạt tới 1%. Đó là chưa nói đến việc trong quá trình sàng lọc, quá trình cử tri hiểu biết có những chỗ chưa đầy đủ cho nên có những người tự ứng cử bị bãi nhiệm tư cách ĐBQH. Đó là điều rất đáng quan tâm, suy nghĩ.

Theo tôi, những vấn đề đó chúng ta phải tiếp tục làm các bước tiếp theo cho tốt. Nhưng nếu không có một sự quan tâm, không có cách chỉ đạo sát sao thì số người tự ứng cử, người ngoài Đảng sẽ đắc cử rất thấp.  

Nếu nói riêng về người tự ứng cử thì theo ông cần có cơ chế thế nào để lựa chọn, giám sát thật kỹ?

Ông Vũ Mão: Luật của chúng ta chưa có quy định. Công dân Việt Nam có đủ điều kiện ứng cử thì tự ứng cử. Ứng cử ở đây nếu ở cơ quan Nhà nước thì rất ít vì họ đã theo một quy trình, thủ tục ai được giới thiệu vào nhiệm vụ đó để làm tốt công tác đóng góp vào Quốc hội. Số người tự ứng cử đa số là những doanh nghiệp tư nhân. Hiện nay chúng ta đang rất khuyến khích phát triển doanh nghiệp tư nhân và họ cũng có vai trò quan trọng trong sự phát triển đất nước. Chúng ta rất trân trọng và mong có những người xứng đáng vào trong đó.

Nhưng vừa rồi cũng có người nói có những đại biểu tự ứng cử có thế lực đứng đằng sau. Thông tin này cũng đã bị nhiều người lên án và phê phán. Chuyện này là của các cơ quan chức năng.

Theo tôi, phải chọn được nhưng người tự ứng cử là những doanh nhân mà doanh nghiệp của họ làm ăn đúng pháp luật, họ có điều kiện phát triển kinh tế và họ tham gia Quốc hội để có tiếng nói đóng góp những vấn đề về chính sách, pháp luật.

Thưa ông, hiện nay chúng ta đang tiến hành lấy ý kiến cử tri ở nơi công tác, nơi cư trú đối với ứng cử và người tự ứng cử. Quan điểm của ông như thế nào khi mà lá phiếu của cử tri rất quan trọng để lựa chọn đại biểu?

Thực tiễn ở khóa trước cũng như khóa này, nếu cử tri ở những nơi cư trú của người đó đóng góp ý kiến về người ứng cử hay tự ứng cử, có 2 loại. Những người được đề cử cũng phải về lấy ý kiến ở cơ quan. Nếu cử tri ở nơi đó mà nêu vấn đề, phát hiện vấn đề người ứng cử ở địa phương không có sự gắn bó, không quan hệ với địa phương, thậm chí không gương mẫu thì người này cuối cùng phải rút.

Theo tôi, các doanh nghiệp, doanh nhân, những người tự ứng cử thì khâu sàng lọc ở địa phương vô cùng quan trọng. Sàng lọc ở nơi cư trú vì người dân hiểu hết,  nhưng sàng lọc phải có thời gian, có sự đóng góp, trao đổi nhưng cũng rất dân chủ để những người tự ứng cử được trình bày, giải đáp lại những ý kiến khác nhau thì đó mới là dân chủ. Chứ nếu chỉ áp đặt mà không cho người ta trình bày hoặc lớt phớt thì cũng không có đóng góp gì như trường hợp đại biểu vừa qua của Hà Nội.

Quan trọng là cử tri ở nơi cư trú đóng góp cho các ứng cử viên, đặc biệt là người tự ứng cử. Muốn như vậy phải làm công phu, có chất lượng, thời gian chứ nếu một buổi mà có 7-8 người giới thiệu lên để mỗi người phát biểu vài câu như những năm trước đây thì tôi thấy rằng có lẽ phải cải tiến hơn.

Thưa ông, thì vẫn được quyền đi bỏ phiếu. Ông có cho rằng đây là một điểm mới trong kỳ bầu cử năm nay?

Ông Vũ Mão: Họ chưa bị mất quyền công dân thì họ được quyền bầu cử. Đây là tinh thần mới, thể hiện quyền con người tốt hơn. Tất nhiên nói như vậy, nhưng phải làm công phu vì những cơ sở bị tạm giam như vậy thì lại phải thêm việc, phải làm thủ tục nhưng làm gì thì làm cũng phải đảm bảo tinh thần của chúng ta là dân chủ, đảm bảo quyền con người.

Xin cảm ơn ông./.

theo VOV