GS. TSKH. Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo (ĐHQG Hà Nội) đã chia sẻ về một kỷ niệm đáng nhớ với Phó Thủ tướng Vũ Khoan.
Khi đó là vào đầu năm 1995, GS. Vũ Minh Giang được mời dự một hội thảo quốc tế tại Trường Đại học Bandar Seri Begawan của Brunei. Hội nghị khai mạc được chừng 1 giờ thì có 1 người trong Ban Tổ chức đến ghé tai GS. Giang và nói "ông Chánh án Thủ đô có việc gấp muốn gặp".
"Tôi rất bất ngờ và hơi hoang mang vì không biết có việc gì. Ở xứ sở đạo Hồi có rất nhiều luật lệ khe khắt mà mình không thể biết hết, biết đâu có điều gì đó sơ suất. Ra khỏi phòng họp đến gặp ông chánh án, tôi mới vỡ lẽ rằng ông muốn tìm gặp một người Việt Nam mà trong hội thảo này tôi là người duy nhất. Sau khi nghe ông diễn giải, tôi hiểu rằng ông đang có thiện chí muốn đề xuất một việc với Bộ Ngoại giao Việt Nam", GS. Vũ Minh Giang kể lại.
Chuyện là thế này, trước đó ít ngày, hải quân Brunei bắt giữ 11 tàu cá của Việt Nam đánh bắt trong vùng biển của nước bạn. Theo luật của nước bạn, các thuyền cá này phải nộp một khoản tiền không nhỏ và toàn bộ số thuyền cùng với ngư cụ sẽ bị tịch thu đem thiêu huỷ. Ông Chánh án là người Ấn Độ rất thiện cảm với Việt Nam và có thiện ý muốn xử lý nhẹ nhàng và cố gắng giữ lại thuyền bè cho ngư dân.
Để làm được điều này cần có một công hàm chính thức của Bộ Ngoại giao Việt Nam mà khi đó ta lại chưa có Đại sứ quán ở Brunei (thời điểm Việt Nam chưa gia nhập ASEAN).
"Khi được đề nghị thông báo yêu cầu của bạn với Bộ Ngoại giao, tôi đã nói rằng đây là việc quá sức tôi. Thế nhưng trước thịnh tình của ông chánh án, như có điều gì đó thôi thúc trong lòng, vì vậy, sau cuộc gặp tôi đã cố lục tìm trong trí nhớ xem có phương cách nào không. May sao trong cuốn sổ điện thoại của tôi đem theo có số của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Khoan. Đầu giờ chiều, tôi đã gọi cho ông và thật sung sướng khi nghe từ đầu giây bên kia một giọng nói điềm đạm nhẹ nhàng: "Tôi Vũ Khoan nghe đây". Vui mừng khôn xiết tôi kể ông nghe toàn bộ câu chuyện gặp ông chánh án", GS. Vũ Minh Giang hồi tưởng.
Ông Vũ Khoan chăm chú lắng nghe rồi hỏi lại rất cặn kẽ những thông tin về 11 chiếc tàu cá mà GS. Vũ Minh Giang đã được phía bạn cung cấp. Ông còn cẩn thận hỏi số điện thoại để có thể liên lạc lại. Cuối phiên họp chiều, GS. Vũ Minh Giang lại được thư ký hội thảo báo có điện thoại từ Hà Nội. Người gọi không ai khác chính là ông Vũ Khoan. Ông cho tôi biết đó là 11 tàu cá của Bình Định đã mất tích từ mấy tuần nay và ông đã chỉ đạo cho Đại sứ quán Việt Nam ở Indonesia xử lý ổn thoả mọi việc.
Kết quả là 11 tàu cá cùng 74 thuyền viên đã không phải chịu hình phạt nào và được toàn vẹn trở về nước. Tất cả mọi việc được giải quyết chỉ trong mấy giờ.
Sau này mỗi lần gặp lại nhau, GS. Vũ Minh Giang và Phó Thủ tướng Vũ Khoan vẫn thường nhắc lại câu chuyện này. Không chắc những ngư dân hạnh phúc ấy đã biết được đằng sau sự "may mắn" đến ngỡ ngàng của họ có những tình cảm ấm áp của người bạn Ấn Độ và đặc biệt là tấm lòng thương dân, đầy trách nhiệm và vô cùng chuyên nghiệp của một Thứ trưởng Ngoại giao nhân hậu, trí tuệ.
Câu chuyện này rất nhân văn. Theo GS. Vũ Minh Giang, "nếu bác Khoan không có tâm, trách nhiệm và chuyên nghiệp cao như vậy thì 74 thuyền viên của Việt Nam khi đó sẽ bị phạt hơn 200.000 USD, phải ngồi tù và khi được tự do, họ sẽ không có phương tiện về nước. Chính phủ ta khi ấy khó có điều kiện mua vé máy bay cho chừng ấy thuyền viên hồi hương. Ông chánh án người Ấn Độ nói với tôi như vậy".
Phương Liên (ghi)