In bài viết

Nguyên tắc miễn giảm tiền sử dụng đất cho thân nhân liệt sĩ

(Chinhphu.vn) – Bố của ông Nguyễn Văn Thống (Hậu Giang) là liệt sĩ, mẹ của ông được Nhà nước tặng nhà tình nghĩa. Nay, vợ chồng ông Thống muốn ra ở riêng và muốn chuyển đất trồng cây lâu năm sang đất ở. Ông Thống hỏi, ông có được miễn, giảm tiền sử dụng đất không?

10/04/2018 07:02

Về vấn đề này, Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng - Đoàn luật sư Hà Nội trả lời như sau:

Khoản 1, Khoản 2 và Khoản 3, Điều 10 Nghị định số 45/2014/NĐ-CP ngày 15/3/2014 của Chính phủ về thu tiền sử dụng đất, quy định nguyên tắc thực hiện miễn, giảm tiền sử dụng đất như sau:

- Hộ gia đình, cá nhân thuộc đối tượng được miễn hoặc giảm tiền sử dụng đất thì chỉ được miễn hoặc giảm một lần trong trường hợp được Nhà nước giao đất để làm nhà ở hoặc được phép chuyển mục đích sử dụng đất từ đất khác sang làm đất ở hoặc được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở.

- Trong hộ gia đình có nhiều thành viên thuộc diện được giảm tiền sử dụng đất thì được cộng các mức giảm của từng thành viên thành mức giảm chung của cả hộ, nhưng mức giảm tối đa không vượt quá số tiền sử dụng đất phải nộp trong hạn mức giao đất ở.

- Trong trường hợp người thuộc đối tượng được hưởng cả miễn và giảm tiền sử dụng đất theo quy định tại Nghị định này hoặc các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan thì được miễn tiền sử dụng đất.

Mức hỗ trợ tiền sử dụng đất đối với thân nhân liệt sĩ

Khoản 1, Điều 11 và Khoản 2, Điều 12 Nghị định số 45/2014/NĐ-CP quy định:

- Miễn tiền sử dụng đất trong hạn mức giao đất ở khi sử dụng đất để thực hiện chính sách nhà ở, đất ở đối với người có công với cách mạng thuộc đối tượng được miễn tiền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về người có công.

- Giảm tiền sử dụng đất đối với đất ở trong hạn mức giao đất ở (bao gồm giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất, cấp Giấy chứng nhận cho người đang sử dụng đất) đối với người có công với cách mạng mà thuộc diện được giảm tiền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về người có công.

Theo Khoản 2, Điều 1 Quyết định số 117/2007/QĐ-TTg ngày 25/7/2007 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Điểm c, Khoản 2, Điều 2 Quyết định số 118/TTg ngày 27/2/1996 của Thủ tướng Chính phủ, thì thân nhân của liệt sĩ được hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ tiền sử dụng đất theo các mức cụ thể như sau:

- Thân nhân của liệt sĩ đang hưởng tiền tuất nuôi dưỡng hàng tháng được hỗ trợ toàn bộ tiền sử dụng đất.

- Thân nhân của liệt sĩ quy định tại Khoản 1, Điều 14 của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng được hỗ trợ 70% tiền sử dụng đất.

Mức hỗ trợ nêu trên được tính trong định mức đất ở do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định và tính trên số tiền sử dụng đất mà người được hỗ trợ phải nộp.

Khoản 1, Điều 14 Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng quy định, thân nhân liệt sĩ gồm: Cha đẻ, mẹ đẻ; vợ hoặc chồng; con; người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ.

Theo các quy định nêu trên, mẹ của ông Nguyễn Văn Thống là vợ liệt sĩ và ông Thống là con liệt sĩ đều là đối tượng được Nhà nước hỗ trợ một phần (giảm) hoặc toàn bộ (miễn) tiền sử dụng đất.

Do thông tin ông Thống cung cấp chưa đầy đủ, nên việc ông Thống hỏi, phụ thuộc vào hai tình huống sau:

- Trường hợp vợ liệt sĩ đã được Nhà nước tặng nhà tình nghĩa (bao gồm cả việc giao đất và miễn tiền sử dụng đất), khi tặng nhà ở cho cá nhân vợ liệt sĩ chưa tính gộp, chưa cộng các mức miễn, giảm đối với con liệt sĩ, thì con liệt sĩ vẫn được áp dụng chính sách miễn, giảm tiền sử dụng đất đối với đất ở trong hạn mức giao đất ở (bao gồm giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất, cấp Giấy chứng nhận cho người đang sử dụng đất).

- Trường hợp hộ gia đình liệt sĩ có nhiều thành viên thuộc diện được miễn, giảm tiền sử dụng đất, đã được cộng các mức miễn, giảm, áp dụng mức tối đa là tặng nhà tình nghĩa cho hộ gia đình liệt sĩ, do vợ liệt sĩ là chủ hộ (bao gồm cả việc giao đất và miễn tiền sử dụng đất), thì sau khi nhận nhà tình nghĩa, con liệt sĩ hoặc một thành viên khác trong hộ gia đình liệt sĩ, tách hộ ở riêng, về nguyên tắc không được miễn, giảm tiền sử dụng đất lần thứ hai.

Luật sư Trần Văn Toàn

VPLS Khánh Hưng, Đoàn luật sư Hà Nội

* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.