Thông tư nêu rõ nguyên tắc, hình thức, nội dung và cơ cấu điểm sát hạch nghiệp vụ đánh giá an toàn, vệ sinh lao động. Theo đó, học viên được tham gia sát hạch nếu bảo đảm tham gia tối thiểu 80% thời gian khóa bồi dưỡng nghiệp vụ đánh giá theo chương trình khung quy định.
Hình thức, nội dung sát hạch đối với khóa bồi dưỡng nghiệp vụ đánh giá an toàn, vệ sinh lao động gồm sát hạch lý thuyết (học viên làm bài sát hạch trên giấy theo hình thức trắc nghiệm trong thời gian 60 phút) và sát hạch xử lý tình huống (học viên bốc thăm và trình bày 1 tình huống giả định trong quá trình đánh giá trước hội đồng sát hạch trong thời gian không quá 20 phút/học viên).
Tổng số điểm tối đa là 100 điểm, trong đó điểm sát hạch lý thuyết tối đa là 60 điểm, điểm sát hạch xử lý tình huống tối đa là 40 điểm. Tổng số điểm đạt yêu cầu là 70 điểm, trong đó điểm lý thuyết phải đạt ít nhất là 30 điểm, điểm xử lý tình huống ít nhất là 20 điểm.
Học viên tham gia khóa bồi dưỡng nghiệp vụ đánh giá an toàn, vệ sinh lao động được sát hạch lý thuyết và sát hạch xử lý tình huống lần 2 nếu kết quả sát hạch lần 1 không đạt yêu cầu. Trường hợp kết quả sát hạch lần 2 vẫn không đạt yêu cầu, học viên phải tham gia lại khóa bồi dưỡng nghiệp vụ lần đầu.
Bên cạnh đó, Thông tư quy định rõ việc miễn, giảm các nội dung bồi dưỡng. Người có trình độ đại học trở lên và có ít nhất 7 năm kinh nghiệm làm công tác thanh tra, kiểm tra, xây dựng chính sách, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động tại các cơ quan có chức năng, nhiệm vụ liên quan trực tiếp đến công tác an toàn, vệ sinh lao động theo quy định của pháp luật thì được miễn toàn bộ nội dung bồi dưỡng.
Người có trình độ đại học trở lên và có ít nhất 7 năm kinh nghiệm làm công tác thanh tra, kiểm tra, xây dựng chính sách, pháp luật thuộc các chuyên ngành khác thì được giảm nội dung bồi dưỡng theo quy định.
Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 1/3/2022.
Minh Hiển