In bài viết

Nguyên tắc, tiêu chí phân bổ kinh phí bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa

(Chinhphu.vn) - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ kinh phí từ nguồn ngân sách trung ương để thực hiện Chương trình bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021-2025.

28/11/2023 16:01
Nguyên tắc, tiêu chí phân bổ kinh phí bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa- Ảnh 1.

Đô thị cổ Hội An

Dự thảo quy định cụ thể nguyên tắc phân bổ kinh phí. Theo đó, việc phân bổ kinh phí từ nguồn ngân sách trung ương để thực hiện Chương trình phải bảo đảm hài hoà giữa bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, các công trình có giá trị tiêu biểu quốc gia, di sản văn hóa có ý nghĩa chính trị, văn hóa, lịch sử, truyền thống đặc sắc của các vùng, miền.

Kinh phí chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình được bố trí trong kế hoạch tài chính-ngân sách nhà nước 3 năm; kế hoạch tài chính 5 năm giai đoạn 2021-2025; bảo đảm không trùng lắp với nguồn vốn ngân sách nhà nước đã được đầu tư từ các chương trình, dự án khác, trong đó: 

a) Ngân sách trung ương bố trí kinh phí cho các Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương và bổ sung có mục tiêu cho các địa phương để thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương tổ chức thực hiện. 

b) Ngân sách địa phương chủ động bố trí kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình do địa phương chủ trì triển khai thực hiện và các nhiệm vụ được ngân sách trung ương hỗ trợ theo quy định tại điểm a Khoản này.

Bám sát các nhiệm vụ của Chương trình nhằm hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu đã được phê duyệt; đảm bảo sự chủ động cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong việc lập, phân bổ dự toán, quản lý và giám sát sử dụng dự toán. 

Phù hợp với tình hình thực tế của từng chủ thể được giao quản lý, sử dụng di tích và khả năng huy động các nguồn tài chính ngoài ngân sách nhà nước cho việc bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam. 

Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch ngân sách theo quy định; xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị và người đứng đầu trong quản lý sử dụng ngân sách nhà nước.

Tiêu chí, định mức phân bổ kinh phí thực hiện các nhiệm vụ chi đầu tư của Chương trình

Theo dự thảo, đầu tư tu bổ, tôn tạo tổng thể ít nhất: 03 di sản đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) ghi danh và 13 di tích quốc gia đặc biệt; 11 di tích cách mạng - kháng chiến quan trọng, tiêu biểu trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ và 06 di tích khảo cổ tiêu biểu; 20 di tích lịch sử - văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, danh lam thắng cảnh, khảo cổ cấp quốc gia có giá trị đang bị xuống cấp.

Tiêu chí, định mức phân bổ: Thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14 ngày 08 tháng 7 năm 2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quyết định số 26/2020/QĐ-TTg ngày 14 tháng 9 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14 ngày 08 tháng 7 năm 2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025.

Ngoài ra, dự thảo cũng quy định: tiêu chí, định mức phân bổ kinh phí thực hiện các nhiệm vụ chi thường xuyên của Chương trình.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

Hoa Hoa