Thủ tướng Phan Văn Khải chào đón Chủ tịch tập đoàn Microsoft Bill Gates ngày 22/4/2006. Ảnh: AFP/Getty/Zing.vn |
Nhận nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ đúng lúc cuộc khủng hoảng tài chính châu Á diễn ra và ảnh hưởng kéo dài ở nhiều nước trong khu vực đến tận những năm cuối thập niên 90, Thủ tướng Phan Văn Khải đã sớm nhận thấy những thách thức lớn về động lực cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam - nền kinh tế vốn đang phụ thuộc vào các nhà đầu tư nước ngoài và xuất khẩu. Chủ trương lớn nhất có lẽ là quyết định sửa đổi hành lang pháp lý cho doanh nghiệp (DN). Sự ra đời của Luật Doanh nghiệp 1999 thực sự là động lực để đưa kinh tế Việt Nam ra khỏi khủng hoảng và đi lên.
Vào năm 1999, Việt Nam có khoảng 20.000 DN ra đời và năm 2000 đã có thêm 25.000 DN nữa. Cộng cả 2 năm thì lượng DN mới “khai sinh” đã bằng tất cả số DN ra đời của 10 năm trước đó. Số DN này sản xuất ra sản phẩm cho xã hội, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập chung cho người dân, đóng góp cho tăng trưởng trở lại. Trước khi có Luật Doanh nghiệp 1999, DN tư nhân mới chỉ đóng góp 4% cho xuất khẩu. Sau khi có Luật thì con số này đã nhanh chóng tăng lên 15%. Vốn đầu tư nước ngoài vì vậy cũng đã “vững tin” quay lại Việt Nam.
Từ cuối năm 2001 trở đi, kinh tế Việt Nam đi vào vị thế ổn định mới để tăng trưởng. Cũng vào năm 2001 ấy, Hiệp định Thương mại Việt Nam-Hoa Kỳ (BTA) được ký kết đã mở ra thị trường khổng lồ cho DN tại Việt Nam. Đây là thành tựu lớn của quá trình đàm phán khi người đứng đầu Chính phủ luôn có chỉ đạo sát sao để Việt Nam đạt được thỏa thuận.
Các năm tiếp theo, Thủ tướng Phan Văn Khải lại chỉ đạo sửa đổi tiếp các luật khác liên quan đến kinh tế, để vừa tương thích với Luật Doanh nghiệp 1999 và các quy định của WTO - tổ chức mà Việt Nam đang muốn gia nhập.
Đến năm 2006, Đại hội đồng WTO đã đồng ý kết nạp Việt Nam là thành viên khi nhận thấy Việt Nam thực sự đã có tăng trưởng kinh tế ổn định với tốc độ cao; toàn bộ hệ thống luật pháp về kinh tế đã được sửa đổi theo các tiêu chí của WTO; hành lang pháp lý mới cần thiết cũng được ban hành (ví dụ như Luật Cạnh tranh). Như vậy, Thủ tướng Phan Văn Khải trong nhiệm kỳ của mình đã đồng thời làm được nhiều việc có gắn kết chặt chẽ với nhau, vừa phát triển khu vực tư nhân trong nước, huy động sức dân tham gia vào phát triển kinh tế, đồng thời vừa điều chỉnh hệ thống luật pháp theo tinh thần đổi mới và hội nhập quốc tế.
Ban Nghiên cứu của Thủ tướng đều thấy yên tâm và mạnh dạn khi làm việc cùng ông. Cũng như bậc tiền nhiệm Võ Văn Kiệt, Thủ tướng Phan Văn Khải luôn khuyến khích nhóm tư vấn phản biện chính sách, đề xuất cách làm mới. Tất nhiên, có lúc cơ chế trói buộc nên nhiều đề xuất của các nhà tư vấn không thể thành hiện thực.
Bài diễn văn từ nhiệm trước Quốc hội với lời xin lỗi gửi tới nhân dân của người lãnh đạo cao nhất trong Chính phủ được xem như sự công tâm và dũng cảm hiếm thấy trước những trăn trở chưa thể giải quyết do hạn chế của bối cảnh lịch sử.
PGS. TS Trần Đình Thiên (Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam):
Khủng hoảng châu Á nổ ra năm 1997 - lúc cơ cấu kinh tế Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn. Đây cũng là quãng thời gian Việt Nam đàm phán Hiệp định BTA và đàm phán gia nhập WTO.
BTA được ký kết đã tạo ra dòng dịch chuyển thương mại rất mạnh có tính thúc đẩy và cổ vũ cho kinh tế Việt Nam. Trong 3 năm đầu tiên sau BTA, thương mại song phương Việt Nam-Hoa Kỳ tăng lên theo cấp số nhân. Có thể nói, trong bối cảnh hậu khủng hoảng châu Á, kinh tế Việt Nam đã tìm được cơ sở để trỗi dậy đúng lúc.
BTA trở thành cơ sở quan trọng cho Việt Nam có thêm “điểm cộng” để tham gia WTO. Đây là phần đóng góp rất đáng trân trọng của Chính phủ thời điểm ấy với người đứng đầu là Thủ tướng Phan Văn Khải.
Tiếp nối “người mở đường” - nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Thủ tướng Phan Văn Khải cùng với Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển đã trở thành những nhân vật làm cho câu chuyện hội nhập của Việt Nam có những bước đi quyết định. Đến nay, các hiệp định thương mại song phương, đa phương như FTA Việt Nam-EU hay CPTPP cũng bắt nguồn từ cảm hứng và sự tự tin từ những bước ngoặt đầu tiên ấy.
Thủ tướng Phan Văn Khải không phải là người hay nói những lời “đao to búa lớn” hoặc đưa ra các tuyên ngôn “giật gân”. Nhưng từng hành động của ông đều bám sát xu thế và nhà kỹ trị này luôn chọn lựa cách tiếp cận tương đối nhẹ nhàng, dễ thuyết phục, tạo ra hiệu quả lâu dài và dung hòa được các điểm xung đột về kinh tế-xã hội.
Đặc biệt, quan điểm ủng hộ khu vực tư nhân bằng cách tạo ra khuôn khổ chính sách thông thoáng hơn cho kinh tế tư nhân phát triển (Luật Doanh nghiệp 1999) đã khuyến khích và cổ động kinh tế tư nhân mạnh mẽ, tạo nên những hiệu ứng lâu dài không thể phủ nhận.
Chính phủ vào thời điểm ông Phan Văn Khải là Thủ tướng cũng đã có cách tiếp cận sáng tạo và mạnh dạn khi chủ động thúc đẩy quá trình đô thị hóa để tạo ra các trung tâm phát triển bằng cách chuyển một số thị xã lên cấp thành phố. Chính sự “nâng cấp” này đã tạo cơ hội cho các tỉnh, thành phố có thêm cơ chế và tập trung được nguồn lực để xây dựng những trung tâm kinh tế-xã hội quy mô hơn. Từ đó, tạo ra cú hích khiến nhà đầu tư tư nhân cũng hào hứng hơn khi tham gia cùng xây dựng và phát triển kinh tế tại nhiều địa phương.
Chương trình xóa đói giảm nghèo thời nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đương chức cũng đã mang lại những thành công đáng ghi nhận. Đây là thời kỳ các nguồn tài trợ ODA đều hướng tới giải quyết các vấn đề đói nghèo ở vùng sâu, vùng xa. Việt Nam đã xóa được đói, giảm mạnh tỷ lệ nghèo một cách thần kỳ - được cộng đồng quốc tế công nhận là thành tích cải cách ý nghĩa, nổi bật hơn cả thành tích làm giàu.
TS. Trần Ngọc Châu (nguyên Phó Tổng Biên tập The Saigon Times):
Tôi nhớ, Thủ tướng Phan Văn Khải khi thấy nền giáo dục nước nhà quá ư xuống cấp, đã từng kêu gọi một “Hội nghị Diên Hồng” cho giáo dục, nhưng đó vẫn là một “dự án treo” cho đến tận bây giờ… Là một người hơn 30 năm làm báo, tôi mong được gặp và phỏng vấn ông xoay quanh ý tưởng “Hội nghị Diên Hồng” về giáo dục, ngay cả sau khi ông về hưu. Nhưng đến hôm nay, ước mơ của tôi không còn cơ hội nữa…
Khi còn làm Báo Tuổi trẻ, những năm cuối thập niên 80, đầu thập niên 90 của thế kỷ 20, tôi đã có bài phỏng vấn khi ông là Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch TPHCM. Cảm nhận đầu tiên của tôi về ông, đó là tính chuyên nghiệp của một công chức. Thư ký của ông thông báo là ông sẽ gặp Báo Tuổi trẻ (không phải là phóng viên cụ thể nào) vào lúc 10 giờ tại Văn phòng UBND Thành phố.
Người thư ký nhắc Ban Biên tập Báo: “Anh Sáu Khải rất chính xác về giờ giấc”. Tôi được truyền đạt lại và thấy rất thoải mái, chứ không căng thẳng. Tôi đến trước 30 phút và ngồi chờ bên ngoài. Khi gặp tôi, ông đã chuẩn bị sẵn nội dung trả lời theo câu hỏi đề nghị phỏng vấn gửi từ trước đó. Ông luôn nói tới những con số đầy đủ, kể cả số lẻ, không nói ước tính. Sau phỏng vấn, ông không quên gửi kèm cho tôi bảng số liệu để đối chiếu khi viết bài. Ông cũng không yêu cầu được đọc lại bài trước khi đăng báo. Chỉ yêu cầu đăng đúng ý ông đã nói.
Sau này, khi tình cờ đang ở Mỹ để chuẩn bị bảo vệ luận án tiến sĩ về giáo dục truyền thông, tôi đã thông tin cho ban biên tập tờ báo địa phương là Seattle Times về chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Việt Nam đến Mỹ. Họ rất ngạc nhiên, và có vẻ bán tín bán nghi, nhưng rất muốn là báo đầu tiên ở Mỹ đăng tin này. Đơn giản vì chuyến thăm của Thủ tướng Việt Nam sẽ bắt đầu từ Seattle, thủ phủ của Boeing và Microsoft, rồi sau đó mới đến Thủ đô Washington D.C.
Ngày thứ tư 25/6/2005, nếu tôi không nhớ nhầm, Seattle Times là tờ báo đầu tiên đăng tin Thủ tướng Việt Nam thăm Mỹ, với một bình luận đại ý rằng cuộc gặp gỡ với tỷ phú Bill Gates (Chủ tịch Microsoft) là minh chứng cho thấy vị Thủ tướng cực kỳ coi trọng chuyện giáo dục thế hệ trẻ Việt Nam. Ông Bill Gates ngay trong cuộc gặp ấy đã đưa ra quyết định cấp học bổng đào tạo về máy tính và phần mềm cho 50.000 người Việt Nam.
Phương Hiền (ghi)