Bức ảnh Bộ Chính trị khóa VIII, khi đồng chí Lê Khả Phiêu (thứ 4 từ phải sang, hàng đầu) làm Tổng Bí thư, đồng chí Phạm Thế Duyệt là Thường trực Bộ Chính trị (thứ 2 từ phải sang, hàng 2). |
Đó là những chia sẻ của ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Ủy viên Thường vụ, Thường trực Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam - người đồng chí, người anh em, người từng làm việc trực tiếp với nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu.
Nhớ về nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, trong nhiệm kỳ Đại hội Đảng lần thứ VIII mà ông Phạm Thế Duyệt ở cương vị gần gũi trực tiếp là Thường trực Bộ Chính trị, ông Phiêu là Tổng Bí thư, ông Duyệt nhớ vào thời điểm ấy, Tổng Bí thư phải gánh vác những trọng trách rất lớn. Đó là thời điểm Việt Nam phải vượt qua khủng hoảng kinh tế tài chính châu Á 1997, đất nước vừa gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), chuẩn bị ký Hiệp định thương mại với Hoa Kỳ.
Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu phải lắng nghe ý kiến của Chính phủ, các bộ, ngành, để có đủ cơ sở đưa ra chủ trương, đường lối. Và kết quả, chỉ trong một thời gian ngắn chúng ta đã vượt qua được khủng hoảng kinh tế. Kinh tế đất nước phát triển nhanh chóng. Công lao của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu trong thời điểm này là rất lớn.
Ông Duyệt phân tích lại một giai đoạn lịch sử của đất nước, khi nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu phải có những quyết định mang tính vận mệnh quốc gia dân tộc vào thời điểm ấy. Đó là vấn đề biên giới, với hơn 1.000 km biên giới của 6 tỉnh biên giới phía bắc.
Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu có quan điểm rất rõ ràng, thái độ xử lý dứt khoát, đưa ra Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương bàn bạc và thống nhất phải sớm ký kết Hiệp định biên giới với Trung Quốc, giải quyết việc cắm mốc biên giới, giữ bình yên, ổn định cho đất nước.
Ông Phạm Thế Duyệt kể lại, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã giao cho ông mời các đồng chí lãnh đạo các tỉnh biên giới về Hà Nội họp để trao đổi thẳng thắn, trình bày rõ với Trung ương, phương án xử lý về các địa danh nhạy cảm giữa hai nước như Thác Bản Giốc hay bãi Tục Lãm. Các phương án mà chúng ta đưa ra phải có cơ sở pháp lý, có đạo lý, trên nguyên tắc độc lập chủ quyền và vẹn toàn lãnh thổ được đặt lên cao nhất.
Theo nguyên Thường trực Bộ Chính trị Phạm Thế Duyệt, một trong những dấu ấn đậm nét nhất của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu là quyết tâm chỉnh đốn Đảng. Tại Đại hội VIII có một nghị quyết về xây dựng chỉnh đốn Đảng, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương với người đứng đầu là Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu quyết tâm, đồng lòng thực hiện nghị quyết quan trọng này.
Đó là Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2), một nghị quyết rất có ý nghĩa, rất có giá trị về nguyên tắc, về vai trò lãnh đạo của Đảng, để giữ vững Đảng. Làm sao phải củng cố lại, không thể để những nguy cơ mà Đại hội VI, Đại hội VII đã chỉ ra. Ông Phạm Thế Duyệt cho biết, sở dĩ gọi là Trung ương 6 (lần 2) vì Hội nghị Trung ương 6 chỉ bàn được một việc về kinh tế, nên phải họp tiếp một phiên, bàn riêng về vấn đề xây dựng chỉnh đốn Đảng, lấy tên là Trung ương 6 (lần 2).
Nghị quyết đã rất quan trọng, nhưng quan trọng hơn cả là vấn đề chỉ đạo tổ chức thực hiện. Với quyết tâm rất lớn từ đồng chí Tổng Bí thư, Trung ương đã thành lập Bộ phận Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương 6 (lần 2) để kịp thời lắng nghe, báo cáo thu thập ý kiến phản ánh các nơi tiến hành chỉnh đốn Đảng, các vụ việc lớn mà Trung ương phải xử lý thì việc gì phải đưa ra Bộ Chính trị, ra Thường vụ, ra Trung ương.
Nguyên Thường trực Bộ Chính trị Phạm Thế Duyệt cho hay, đó là thời gian giải quyết được rất nhiều vụ việc trong Đảng, đã tạo sự chuyển biến từ trên xuống dưới. Ngay cả những vụ việc lớn như xử lý kỷ luật các đồng chí lãnh đạo cấp cao cũng diễn ra thời gian này.
Cũng vào thời điểm đó, với sự lãnh đạo của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, cuộc kiểm điểm phê và tự phê trong Bộ Chính trị được triển khai rất nghiêm túc, quyết liệt, thẳng thắn. Bộ Chính trị kiểm điểm từ đồng chí Tổng Bí thư trở xuống.
Ông Phạm Thế Duyệt phân tích, những cuộc kiểm điểm ấy khác so với các cuộc sinh hoạt Đảng bình thường, từ đó quyết tâm chỉnh đốn Đảng mới lan toả ra toàn thể Ban Chấp hành Trung ương, lan toả ra các cấp uỷ.
Từ đó, không phải chỉ ở Trung ương mà các địa phương đều xử lý được tình trạng mất đoàn kết, mất dân chủ, tham nhũng, tiêu cực. Dù có những địa phương rất phức tạp, như Nghệ An, nhưng đều đã xử lý ổn thỏa.
Nguyên Thường trực Bộ Chính trị Phạm Thế Duyệt khẳng định, có được sự thành công đó một phần lớn nhờ vào sự quyết tâm, quyết đoán, thể hiện nguyên tắc của Đảng, nhưng cũng rất coi trọng dân chủ của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu.
Nhớ về nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, ông Phạm Thế Duyệt nhớ về một vị lãnh đạo đất nước sâu sát, trung thực, quyết đoán với tính Đảng rất cao. Trong cuộc sống, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu là một người tình cảm, chân thành, thẳng thắn, biết lắng nghe. “Không ai có thể hối lộ, mua chuộc được anh Phiêu. Đồng chí là một người rất đáng quý trọng về cái tâm cái tầm của nhà lãnh đạo”, ông Phạm Thế Duyệt nhớ về nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu.
Nhật Nam