In bài viết

Nhà bản quyền Toyo Nhật Bản chứng nhận thành tích sáng tạo cho Phân bón Cà Mau

(Chinhphu.vn) - Nhà bản quyền Toyo (Nhật Bản) vừa trao chứng nhận thành tích cho công trình sửa chữa, cải tạo thành công hệ thống tạo hạt xưởng Ure của Công ty CP Phân bón dầu khí Cà Mau (PVCFC).

21/04/2022 13:27

Nhà bản quyền Toyo Nhật Bản chứng nhận thành tích sáng tạo cho Phân bón Cà Mau - Ảnh 1.

Chu kỳ vệ sinh tạo hạt xưởng Ure được cải thiện liên tục trong 10 năm qua - Ảnh: VGP/Lê Nguyễn

Nhà máy Đạm Cà Mau thành lập năm 2011 có công suất thiết kế từ 800.000 tấn/năm. Quá trình vận hành sơ khai và liên tục hơn 10 năm qua không tránh khỏi hao mòn máy móc hoặc sự cố ngoài ý muốn. Nhưng với năng lực quản trị rủi ro cao, sự cẩn trọng tối đa, PVCFC đã nhanh chóng khắc phục các sự cố bất ngờ, duy trì nhà máy hoạt động xuyên suốt, an toàn.

Một trong những thách thức lớn với PVCFC là khắc phục tính phức tạp để tiến đến làm chủ công nghệ Toyo tạo hạt tầng sôi thuộc hệ thống tạo hạt xưởng Ure. Từ bỡ ngỡ và thất bại ban đầu, Công ty đã lập kỷ lục đưa thiết bị vào vận hành ổn định công suất 2.650 tấn/ngày ở tải cao 112%. Hơn nữa, thành tích này kéo dài liên tục trong chu kỳ từ ngày 7/2 đến 23/3/2022 đã tạo lợi ích rất lớn cho Công ty, cho Tập đoàn và trở thành niềm tự hào của PVCFC.

Nhà máy đã có hàng chục phát kiến lớn nhỏ liên tục từ năm 2012 đến 2020, trong đó có 3 sáng kiến cấp tập đoàn tập nhằm trung khắc phục tình trạng của các điểm nghẽn và chất lượng hạt Ure. Cụ thể, giải pháp cải tạo đường hút chân không của thiết bị S06104 giúp duy trì hệ thống chân không vận hành ổn định hơn, dịch Ure sau khi cô đặc được đưa về đúng với giá trị thiết kế của nó.  

Thành công nối tiếp thành công, giải pháp thay kích thước lưới sàng rung từ 4,75 mm xuống 4,5 mm và 3,0 mm lên 3,3 mm giúp tăng lượng mầm quay về, đồng thời giúp tăng sự đồng đều của hạt sản phẩm. Một "chiến tích" nổi bật khác là việc cải tạo 3 vòi phun từ dạng chữ U thành chữ I. Thành quả này được tập đoàn khen thưởng vào năm 2015 do đã mang lại sự linh động trong công tác tăng hoặc giảm tải cụm hạt theo yêu cầu thực tế.

Từ khởi điểm năm 2012, nhà máy duy trì vận hành 7 - 14 ngày, thời gian đã dần tối ưu hơn như năm 2015 là 14 - 21 ngày, đến năm 2020 tăng lên từ 18 - 35 ngày. Thời gian vệ sinh từ 8 giờ (tải 100%) giảm còn 6 giờ (tải 111%).  

Đặc biệt tháng 3/2022 vừa qua, cột mốc 45 ngày vận hành liên tục đã tạo ấn tượng, chinh phục sự hài lòng của các chuyên gia Nhật Bản. Nhờ đó, Phân bón Cà Mau được trao chứng nhận kỷ lục trong số các nhà máy ở khu vực nhiệt đới về sử dụng công nghệ tạo hạt tầng sôi của Toyo.

Hơn một thập kỷ gian khó để trưởng thành hơn, Phân bón Cà Mau hôm nay khẳng định vị thế của một thương hiệu chất lượng cũng như bản sắc văn hóa sáng tạo, đổi mới.

Lê Nguyễn