![]() |
Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam Thuận Hữu, phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: VGP/Thiện Tâm |
Với ý nghĩa đó, tiếp theo các cuộc tọa đàm về các nhà báo nguyên lãnh đạo cấp cao của Hội Nhà báo Việt Nam được tổ chức mỗi năm một lần, sáng nay 11/11 Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức tọa đàm với chủ đề “Nhà báo Phan Quang với báo chí cách mạng Việt Nam”.
Tọa đàm này nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (1925-2020), 70 năm thành lập Hội Nhà báo Việt Nam (1950-2020), 75 năm thành lập Đài Tiếng Nói Việt Nam (1945-2020) và chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI Hội Nhà báo Việt Nam (12/2020).
Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam Thuận Hữu nhấn mạnh, thông qua việc tổ chức tọa đàm, Ban Tổ chức mong muốn tạo điều kiện để các nhà báo, các nhân chứng, các nhà khoa học thuộc các lĩnh vực khác nhau có cơ hội gặp gỡ, trao đổi những vấn đề về lịch sử báo chí Việt Nam, lịch sử Hội Nhà báo Việt Nam; coi đây là một hình thức hoạt động tri ân và học tập các bậc nhà báo có nhiều đóng góp cho sự nghiệp báo chí cách mạng.
Đây cũng là những bước đi để góp phần thực hiện việc nghiên cứu, khảo sát, sưu tầm tài liệu, hiện vật lịch sử về truyền thống báo chí, về các nhà báo Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh xây dựng và bảo vệ đất nước, đóng góp tư liệu, tài liệu cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam.
PGS.TS. Nguyễn Thế Kỷ, Tổng Giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam cho biết, nhà báo Phan Quang là một tên tuổi lớn và rất đáng kính trọng của nền báo chí và văn học cách mạng Việt Nam.
Nhà báo sinh ra trong một gia đình có truyền thống yêu nước và khoa bảng, vì vậy ông đã sớm trở thành một chiến sĩ cách mạng, là một trong những thanh niên xuất sắc được đồng chí Nguyễn Chí Thanh lựa chọn để đào tạo cán bộ cho nhiệm vụ lâu dài. Nhà báo Phan Quang viết báo từ năm 20 tuổi, kinh qua các Báo Cứu quốc Liên khu Bốn, Nhân dân, Vụ Báo chí, Ban Tuyên huấn Trung ương, Bộ Thông tin, Đài Tiếng nói Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam... Ông được bầu làm đại biểu chính thức Đại hội VI của Đảng.
![]() |
Nhà báo Phan Quang tham dự buổi tọa đàm. Ảnh: VGP/Thiện Tâm |
Trong những bước chuyển quan trọng của lịch sử, nhà báo Phan Quang là chứng nhân, là nhà báo, nhà văn, nhà văn hóa góp phần làm nên những đổi thay to lớn và quan trọng của báo chí, văn hóa, văn nghệ nước ta thời kỳ đầu công cuộc đổi mới và nhiều năm sau đó.
92 năm qua, dù ở bất cứ cương vị nào, nhà báo Phan Quang luôn lao động sáng tạo, viết hàng nghìn bài phóng sự, phóng sự điều tra, bút ký, tùy bút, truyện ngắn, truyện vừa tản văn, chuyên luận, xã luận... góp sức làm rạng danh giới báo chí, văn nghệ Việt Nam. Đây là điểm cốt yếu để nhiều người quý mến, nể trọng, ngưỡng mộ và biết ơn ông.
Nhà báo Phan Quang tâm niệm: "Cuộc đời viết lách của tôi giống như một cuộc hôn nhân cha mẹ đặt đâu con ngồi đó, dù đang yêu người khác. Tôi yêu văn học, nhưng lại làm báo chí, và cuối cùng trong cuộc hôn nhân lý trí này dần dà tôi cũng tìm thấy tình yêu chân thực và tôi đã sống hết mình, suốt đời chung thủy với nghề báo".
Tại tọa đàm, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cũng bày tỏ quan điểm với nhiều cảm xúc về nhà báo Phan Quang: Với một người có nhiều trải nghiệm xã hội, vừa có tài vừa có tầm, lại luôn cần mẫn ghi chép, viết bền bỉ như nhà báo Phan Quang, ông viết về đề tài, lĩnh vực nào, thời kỳ nào của tuổi tác cũng hấp dẫn, cho người đọc có thêm nhiều kiến thức…
Hay như GS. Hà Minh Đức nhận định, sự nghiệp báo chí và văn nghệ của Phan Quang đã để lại nhiều dấu ấn sâu sắc và được đánh giá cao trên tư cách là nhà báo, nhà văn: “Anh là nhà báo lão thành, nhà báo gạo cội, nhà báo uyên bác, nhà báo nhà văn. Anh là con nước chảy giữa hai dòng báo chí và văn chương!”.
Thiện Tâm