Từ ngày 22 đến 24/6, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol có chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam. Với 205 doanh nghiệp lớn tháp tùng Tổng thống Yoon, các MOU ký kết với phía Việt Nam sẽ tiếp tục thúc đẩy và làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước.
Sau hơn 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (từ 1992), trở thành "Đối tác hợp tác chiến lược" vào tháng 10/2009 và tiếp tục nâng cấp quan hệ lên "Đối tác chiến lược toàn diện" vào tháng 12/2022, Hàn Quốc trở thành một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam, đứng thứ nhất về đầu tư, thứ hai về ODA, thứ ba về thương mại.
Trong chiều sâu nền tảng hợp tác và đầu tư đó, một nét mới từ Hàn Quốc đang có những khởi đầu trong hệ thống ngân hàng Việt Nam.
Tính đến tháng 4/2023, Hàn Quốc có hơn 9.500 dự án đầu tư còn hiệu lực, với gần 82 tỷ USD tổng vốn đăng ký tại Việt Nam. Có khoảng 9.000 doanh nghiệp Hàn Quốc đã đầu tư vào Việt Nam, với nhiều tên tuổi lớn đóng vai trò quan trọng trong kết nối, mở rộng và thúc đẩy chuỗi cung ứng toàn cầu.
Giá trị thương mại giữa hai nước đã tăng tới 175 lần trong 30 năm kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1992 và kim ngạch thương mại năm 2022 đạt mức cao nhất trong lịch sử với 87,7 tỷ USD.
Tại Việt Nam, dòng vốn đầu tư gián tiếp và M&A từ Hàn Quốc có mặt khá sớm, từ năm 2005, và đã có hơn 70 thương vụ M&A đã được thực hiện, theo Mirae Asset Securities. Cũng theo tổ chức này, tổng các thương vụ M&A có sự kết nối của nhà đầu tư Hàn Quốc tại Việt Nam hiện đạt hơn 5 tỷ USD.
Qua M&A, các mối quan hệ hợp tác giữa các nhà đầu tư đến từ xứ sở kim chi với các doanh nghiệp Việt Nam được thiết lập. Điểm ngắm nổi bật của dòng vốn này tập trung ở các lĩnh vực thực phẩm, nhiên liệu, fintech, chứng khoán…
Trên thị trường chứng khoán Việt Nam, các nhà đầu tư Hàn Quốc đã sớm có mặt và chiếm một vị trí danh dự. Điển hình như quỹ KIM Vietnam đã hiện diện từ năm 2006, đến nay đã trở thành một trong 2 quỹ lớn nhất tại thị trường Việt Nam tính theo số lượng tài sản quản lý, khoảng 1,5 tỷ USD.
Cũng tại quỹ KIM, tài chính là lĩnh vực chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu danh mục, với gần 44%; trong đó tập trung các cổ phiếu ngân hàng như VCB, CTG, BID, HDB, ACB, TCB, VPB…
Trong khi đó, ở hoạt động M&A, thương vụ nổi bật nhất đến nay thuộc về khoản đầu tư gần 1 tỷ USD mà KEB Hana Bank mua 15% cổ phần BIDV. Chính thương vụ này liên quan đến một nét mới và thú vị đến từ Hàn Quốc trong hệ thống ngân hàng Việt.
Ngay sau thương vụ trên, KEB Hana Bank nhanh chóng cử người vào tham gia HĐQT BIDV, từ cuối năm 2019. Ba năm sau, một nhân vật nổi tiếng đứng sau thương vụ trên, ông Kim Byoungho, người từng đảm nhiệm vị trí Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Hana Bank, trở thành tân Chủ tịch HĐQT HDBank.
Như vậy, không chỉ nguồn vốn đầu tư, những đại diện từ Hàn Quốc bắt đầu trực tiếp tham gia quản trị cấp cao tại một số NHTM Việt Nam, đặc biệt ở vị trí cao nhất và chưa từng có trước đây.
Thương vụ KEB Hana Bank nắm 15% cổ phần BIDV cũng là một trích dẫn trong lý lịch "khủng" của tân Chủ tịch HDBank. Ông Kim Byoungho là một banker nổi tiếng trong khu vực, với hơn 30 năm kinh qua nhiều vị trí cấp cao tại các định chế tài chính lớn ở thị trường Mỹ và Hàn Quốc.
Trước đó, ông Kim Byoungho cũng chính là người dẫn dắt các chương trình hợp nhất Ngân hàng Seoul năm 2002, nhận chuyển giao Ngân hàng Korea Exchange Bank (KEB) từ quỹ Lone Star (Hoa Kỳ) năm 2015 giúp Hana Bank nâng quy mô tổng tài sản lên hơn 240 tỷ USD và trở thành ngân hàng số 1 Hàn Quốc về mạng lưới quốc tế với 137 chi nhánh tại 24 quốc gia.
Vậy vì sao vị doanh nhân Hàn Quốc này lại chọn Việt Nam là điểm đến, cụ thể tại HDBank? Trong buổi chia sẻ mới đây với hàng chục nghìn CBNV nhân dịp sinh nhật nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo (Phó chủ tịch Thương trực HĐQT HDBank), ông Kim Byoungho nói về tiềm năng tăng trưởng của ngân hàng ông gia nhập, cũng như hoạt động ngân hàng tại Việt Nam, đang rộng mở phía trước.
"Điều tôi thực sự đánh giá cao là môi trường trao đổi tự do và thẳng thắn tại HDBank, cho phép chúng tôi chia sẻ mọi ý kiến, nhận xét và đề xuất giữa tất cả nhân viên ở mọi cấp độ. Tôi nghĩ rằng sự cởi mở này là một phần của văn hóa doanh nghiệp, cho phép tổ chức linh hoạt trong việc thích ứng với những thay đổi mới và những ý tưởng đổi mới. Theo tôi, đổi mới và cởi mở là cực kỳ quan trọng đối với văn hóa doanh nghiệp, vì nó giúp tăng cường sự linh hoạt của ngân hàng để thích ứng với những thay đổi và vượt qua khó khăn trong một môi trường luôn thay đổi ngày nay", ông Kim Byoungho chia sẻ.
Cũng tại buổi chia sẻ trên, Madam Nguyễn Thị Phương Thảo cho biết, sự tham gia của vị banker nổi tiếng đến từ Hàn Quốc ở vị trí cấp cao là một bước đi cụ thể trong chiến lược quốc tế hóa các chuẩn mực hoạt động và quản trị điều hành của HDBank, cũng như trong hội nhập.
Và trong khuôn khổ chuyến thăm của Tổng thống Hàn Quốc tại Việt Nam lần này, HDBank chính thức triển khai bộ phận khách hàng Hàn Quốc - Korea Desk, bộ phận cung cấp các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng và tư vấn hỗ trợ chuyên biệt cho các khách hàng doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam. Trước đó, HDBank cũng đã triển khai thành công Japan Desk, dành riêng cho khách hàng doanh nghiệp Nhật Bản. Trong kế hoạch tới đây, HDBank dự kiến sẽ thiết lập văn phòng đại diện trực tiếp tại Hàn Quốc - bước đi cụ thể nối tiếp của chiến lược quốc tế hóa trong hoạt động.
PD