Gửi ý kiến đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, cử tri tỉnh Tây Ninh đề nghị sớm ban hành quy định hướng dẫn cụ thể việc xây dựng thang, bảng lương theo hướng quy định số bậc lương tối thiểu trong thang lương và thời gian tối đa giữ một bậc lương để tránh những bất cập như hiện nay.
Theo ý kiến của cử tri tỉnh Tây Ninh, nguyên tắc xây dựng thang lương, bảng lương đã được quy định tại Điều 7 Nghị định số 49/2013/NĐ-CP ngày 14/5/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động. Tuy nhiên, quy định này vẫn chưa bảo đảm quyền lợi cho người lao động khi không quy định về số bậc lương tối thiểu và thời gian tối đa giữ bậc lương của người lao động.
Điều này dẫn đến việc các DN xây dựng thang lương có rất ít bậc (2 hoặc 3 bậc), kéo dài thời gian giữ bậc lương của người lao động (có DN kéo dài thời gian giữ bậc lên đến 5 năm mới tăng bậc lương).
Về vấn đề này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời cử tri như sau:
Ngày 21/5/2018, Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII đã thông qua Nghị quyết số 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong DN.
Theo đó, Nghị quyết đã xác định, từ năm 2021, DN được tự quyết định chính sách tiền lương (trong đó có thang lương, bảng lương, định mức lao động); Nhà nước công bố tiền lương tối thiểu vùng, tiền lương bình quân, hỗ trợ cung cấp thông tin thị trường lao động, không can thiệp trực tiếp vào chính sách tiền lương của DN.
Các DN thực hiện chính sách tiền lương trên cơ sở thương lượng, thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động.
Vì vậy, việc ban hành quy định hướng dẫn cụ thể về việc xây dựng số bậc trong thang lương, bảng lương là không phù hợp với tinh thần Nghị quyết.
Chinhphu.vn