Trong quá trình thương thảo hợp đồng, công ty ông Cường phát hiện đề cương nhiệm vụ khảo sát, thiết kế mà chủ đầu tư phê duyệt chỉ có các công tác chính như: Đo vẽ bình đồ, đo trắc dọc, trắc ngang, công tác khảo sát địa chất thủy văn, và chi phí lập báo cáo nghiên cứu khả thi hoặc chi phí lập thiết kế bản vẽ thi công, mà không hề có công tác thủy chuẩn kỹ thuật (là công tác đo cao theo Tiêu chuẩn ngành 22 TCN 263:2000).
Căn cứ Tiêu chuẩn ngành 22 TCN 263:2000 về quy trình khảo sát đường ô tô do Bộ Giao thông vận tải ban hành, công ty ông Cường liên hệ với chủ đầu tư để đề nghị bổ sung thêm công tác thủy chuẩn kỹ thuật vào trong đề cương nhiệm vụ khảo sát, thiết kế để có cơ sở ký kết và thực hiện hợp đồng tư vấn khảo sát thiết kế công trình. Hiện chủ đầu tư vẫn lúng túng và chưa có câu trả lời cho công ty ông Cường.
Ông Cường hỏi, công tác thủy chuẩn kỹ thuật có bắt buộc phải áp dụng trong quy trình khảo sát đường ô tô hay không? Nếu bắt buộc phải thực hiện công tác thủy chuẩn kỹ thuật trong quy trình khảo sát đường ô tô thì có phải phê duyệt bổ sung công tác này trong đề cương nhiệm vụ khảo sát, thiết kế không?
Về vấn đề này, Bộ Giao thông vận tải trả lời như sau:
Quy trình khảo sát đường ô tô (ký hiệu 22 TCN 263-2000) được ban hành theo Quyết định số 1398/QĐ-BGTVT ngày 1/6/2000 của Bộ Giao thông vận tải, trong đó quy định:
“Điều 1.1. Quy trình này quy định các nội dung và yêu cầu cần phải đạt được khi tiến hành khảo sát phục vụ cho việc chuẩn bị đầu tư và thực hiện đầu tư các dự án xây dựng đường mới, nâng cấp và cải tạo đường hiện hữu thuộc mạng lưới đường ô tô công cộng của nước CHXHCN Việt Nam”.
Như vậy, công ty cần xem lại công trình chuẩn bị thực hiện nêu trên có nằm trong phạm vi điều chỉnh của Điều 1.1 của Tiêu chuẩn 22 TCN 263-2000 để áp dụng hay không?
Nếu tuyến đường khảo sát áp dụng Tiêu chuẩn 22 TCN 263-2000, thì:
- Tại Điều 7.29 (thuộc Phần III - Khảo sát để lập báo cáo nghiên cứu khả thi) quy định: “Để lập bình đồ cao độ của tuyến cần tiến hành các công việc sau: Định đỉnh, đo góc, rải cọc chi tiết, đo dài, đo cao, đo cắt ngang”. Yêu cầu về đo cao được quy định chi tiết tại Điều 7.30 và 7.31.
- Tại Điều 12.3 (thuộc Phần IV - Khảo sát để lập thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế kỹ thuật thi công) có quy định về công tác khảo sát kỹ thuật chi tiết tuyến cần làm công việc đo cao tổng quát và đo cao chi tiết. Yêu cầu về đo cao được quy định chi tiết tại Điều 12.9.
Do đó, công tác xây dựng mốc độ cao và công tác đo cao trong khảo sát công trình giao thông cần phải thực hiện để tiến hành các công việc có liên quan như đo bình đồ, trắc dọc, trắc ngang, khảo sát thủy văn, khảo sát địa chất để bảo đảm tính thống nhất trong một hồ sơ khảo sát, thiết kế công trình.
Mặt khác, việc xây dựng mốc độ cao còn là căn cứ để phục vụ cho công tác kiểm tra; nghiệm thu công việc ẩn dấu, hạng mục công trình hay nghiệm thu toàn bộ công trình trong quá trình thi công, bảo trì công trình của các bên liên quan.
Ngoài ra, phía công ty cũng cần làm rõ với chủ đầu tư về nội dung công việc xây dựng mốc độ cao và đo cao (có thể chủ đầu tư đã xây dựng hệ thống mốc độ cao trước đó và tận dụng lại, nên trong nhiệm vụ khảo sát không đề cập đến nội dung công việc này).
Căn cứ vào Điểm d Khoản 1 Điều 76 và Điểm b Khoản 2 Điều 77 của Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 ngày 18/6/2014 và căn cứ vào Khoản 4 Điều 12 của Nghị định số 46/2015/NĐ-CP ngày 12/5/2015 của Chính phủ về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng thì nhà thầu có quyền đề xuất, bổ sung nhiệm vụ khảo sát xây dựng khi phát hiện yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến giải pháp thiết kế; chủ đầu tư có quyền điều chỉnh nhiệm vụ khảo sát xây dựng theo yêu cầu hợp lý của tư vấn thiết kế xây dựng.