Công ty của ông Triệu Quang Cường (TP. Hà Nội) được bên mời thầu thông báo cho phép ký hợp đồng mở rộng gói thầu mà bên công ty của ông Cường đã thực hiện trước đó. Công ty ông cũng đã đáp ứng đầy đủ các điều kiện về áp dụng hình thức mua sắm trực tiếp theo quy định tại Điều 24 Luật Đấu thầu. Tuy nhiên, loại hàng hóa mà công ty ông Cường cung cấp trong gói thầu trước hiện nay đã không còn được sản xuất và nhà sản xuất đã cho ra đời một mẫu mới hơn.
Ông Cường hỏi, công ty ông có được phép tham gia ký kết hợp đồng mở rộng này với một loại hàng hóa tương tự (chỉ khác về tên mã hàng và vẫn đáp ứng hoàn toàn về các tiêu chuẩn kỹ thuật và giá cả) không?
Về vấn đề này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trả lời như sau:
Việc áp dụng hình thức mua sắm trực tiếp phải tuân thủ theo quy định tại Điều 24 Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 và Điều 60 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP.
Trường hợp hàng hóa cung cấp cho gói thầu trước đó đã hết hàng do không sản xuất nữa thì nhà thầu có thể cung cấp hàng hóa tương tự có tính năng, tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng tương đương hoặc tốt hơn với hàng hóa đã trúng thầu trước đó.
Bên mời thầu phải bảo đảm đơn giá của hàng hóa mới không được vượt đơn giá của hàng hóa trúng thầu trước đó, đồng thời phù hợp với giá cả thị trường tại thời điểm thương thảo hợp đồng và giá đề nghị trúng thầu không được vượt giá gói thầu hoặc dự toán được duyệt.
Trường hợp gói thầu mua sắm thỏa mãn các điều kiện nêu trên nhưng không mang lại hiệu quả kinh tế hoặc hàng hóa có xu hướng giảm giá theo thời gian hoặc có tính năng kỹ thuật được đổi mới theo chiều hướng tốt hơn thì người có thẩm quyền quyết định không áp dụng hình thức mua sắm trực tiếp mà áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu khác phù hợp hơn theo quy định của pháp luật đấu thầu nhằm bảo đảm các mục tiêu của công tác đấu thầu.