In bài viết

Nhạc sỹ Thuận Yến - Ánh hoàng hôn không tắt

(Chinhphu.vn) - Nền âm nhạc Việt Nam, công chúng yêu nhạc vừa chịu một tổn thất lớn khi nhạc sĩ Thuận Yến, con người tài hoa mà những bản tình ca lắng đọng lòng người đã ra đi mãi mãi…

27/05/2014 10:39
Gia đình nhạc sỹ Thuận Yến (trong ảnh từ trái sang: con trai Trí Minh; người vợ NSƯT Hồ Thanh Hương; con gái Thanh Lam). Ảnh tư liệu

Cái tên Thuận Yến đã đi vào lòng công chúng yêu nhạc với nhiều ca khúc thành công: Từ những tác phẩm ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh, đến những ca khúc viết về người lính hay những bản tình ca da diết.

Nhắc tới nhạc sĩ Thuận Yến, người ta nhớ ngay tới những bài hát hay ông viết về Bác Hồ. Ông là nhạc sĩ đang giữ kỷ lục: “Có nhiều sáng tác về Bác Hồ nhất” với 26 ca khúc từng khiến trái tim bao thế hệ người Việt Nam xúc động. Trong đó, đáng nhớ nhất là các bài hát: “Mỗi dòng thư Bác sáng ngời niềm tin”, “Bác Hồ một tình yêu bao la”, “Miền Trung nhớ Bác”, “Vầng trăng Ba Đình”, “Người về thăm quê”…

Trong số các tác phẩm giúp ông được nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học- nghệ thuật năm 2001 có 2 bài hát về đề tài này: "Bác Hồ một tình yêu bao la" và "Miền Trung nhớ Bác".

Nhạc sĩ Thuận Yến tên khai sinh là Đoàn Hữu Công, sinh năm 1932, quê ở Duy Xuyên, Quảng Nam. Ông tham gia kháng chiến từ năm 1949, là cán bộ văn nghệ của Đoàn Văn công Khu ủy Liên khu V, sau đó theo học lớp Trung cấp sáng tác tại Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam). Ông có một thời gian dài công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam và giữ cương vị Trưởng ban Âm nhạc.

Dù ở vị trí nào, nhạc sĩ Thuận Yến cũng đi nhiều, viết nhiều, tiếp cận nhiều mặt đời sống và kết quả của những chuyến đi ấy là những ca khúc khiến ta còn nhớ đến nhiều.

Ngoài đề tài về Bác Hồ, ông còn viết nhiều ca khúc về người lính, người mẹ và nhiều bản tình ca, trong đó, nổi bất là những bài hát: "Chia tay hoàng hôn", "Gửi em ở cuối sông Hồng", "Tình yêu không lời"… được nhiều người yêu thích.

Nói về ông, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân (Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam) đánh giá nhạc sĩ Thuận Yến là người con miền Trung nên những giai điệu, hơi thở âm nhạc cũng luôn luôn lấy từ âm hưởng dân ca, âm hưởng của những làn điệu hò, ví, bài chòi ở Liên khu 5. Ông là một trong những người viết ca khúc với phong cách một người lính, một người làm công tác nghệ thuật chuyên nghiệp.

Còn theo nhạc sĩ Cát Vận, người làm việc lâu năm với nhạc sĩ Thuận Yến tại Đài Tiếng nói Việt Nam, nhạc sĩ Thuận Yến luôn luôn nhiệt huyết, luôn trăn trở với nền âm nhạc nước nhà. Dẫu bộn bề với công việc quản lý, sáng tác bề bộn nhưng nhạc sĩ luôn dành thời gian quan tâm tới lớp nhạc sĩ trẻ. Mỗi tác phẩm gửi đến nhờ góp ý, ông đều dành thời gian, tâm huyết góp ý, xây dựng và tạo điều kiện đưa tác phẩm đó đến với công chúng.

Nghệ sĩ Nhân dân Thu Hiền vẫn nhớ ơn nhạc sĩ Thuận Yến khi ông tận tình dạy cho bà những giai điệu dân ca Liên khu 5, từng xin cho bà vào chiến trường miền Nam từ năm bà mới 15 tuổi. Bà luôn tự hào vì là người đầu tiên được cầm trên tay rất nhiều bài hát mà nhạc sĩ Thuận Yến sáng tác và được ông chỉ dạy cho cách hát.

Nhạc sĩ Thuận Yến không chỉ nổi tiếng trong lĩnh vực ca khúc mà ông còn rất thành công với những tác phẩm khí nhạc như: "Bản sô-nát Tự nguyện", bản giao hưởng "Khúc ruột miền Trung"… Đây là những tác phẩm không lời thể hiện trình độ, tài năng âm nhạc của người nghệ sĩ.

Cả cuộc đời gắn bó với âm nhạc, cống hiến cho nghệ thuật nhưng trong mắt NSƯT Hồ Thanh Hương, vợ ông và hai người con Thanh Lam và Trí Minh, nhạc sĩ Thuận Yến là một người chồng yêu vợ, một người cha đau đáu vì con và luôn hy sinh vì con cái.

Nhạc sĩ Thuận Yến đã đi xa, nhưng gia tài âm nhạc giàu có mà ông sáng tạo đã, đang và mãi ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng người yêu nhạc Việt Nam.

Nhạc sỹ Thuận Yến mất ngày 24/5/2014 nhưng những ca khúc của ông vẫn sống với thời gian.

                                      Mai Hồng