Ông Lăng hỏi, ông có thể bổ sung bằng thạc sĩ vào hồ sơ trước khi có quyết định tuyển dụng và có được hưởng lương bậc 2 không?
Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng - Đoàn luật sư Hà Nội trả lời vấn đề ông Lăng hỏi như sau:
Việc tuyển dụng, bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp, ký hợp đồng làm việc và xếp lương đối với những người trúng tuyển vào viên chức làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập được thực hiện theo quy định của Luật Viên chức; Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức; Thông tư số 15/2012/TT-BNV ngày 25/12/2012 đã được sửa đổi bởi Thông tư số 04/2015/TT-BNV ngày 31/8/2015 của Bộ Nội vụ hướng dẫn về tuyển dụng, ký kết hợp đồng làm việc và đền bù chi phí đào tạo, bồi dưỡng đối với viên chức.
Theo quy định tại Khoản 3, Điều 2 Thông tư số 15/2012/TT-BNV, trong thành phần của bộ hồ sơ đăng ký dự tuyển viên chức có bản sao các văn bằng, chứng chỉ và kết quả học tập theo yêu cầu của vị trí dự tuyển, được cơ quan có thẩm quyền chứng thực. Trường hợp có văn bằng do cơ sở đào tạo nước ngoài cấp phải được công chứng dịch thuật sang tiếng Việt.
Như vậy, vào thời điểm nộp hồ sơ đăng ký dự tuyển viên chức, cùng với đơn đăng ký dự tuyển viên chức, bản sơ yếu lý lịch tự thuật, giấy chứng nhận sức khỏe, giấy chứng nhận đối tượng ưu tiên (nếu có) thì, người dự tuyển phải nộp bản sao các văn bằng, chứng chỉ và kết quả học tập của mình đã có trước thời điểm nộp hồ sơ.
Hồ sơ nộp khi đăng ký dự tuyển là căn cứ để cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng viên chức xét đưa đúng đối tượng cần tuyển vào danh sách dự thi; đồng thời là căn cứ xác định trường hợp được miễn thi ngoại ngữ, tin học; áp dụng cách tính điểm phù hợp với trường hợp miễn thi ngoại ngữ, tin học; xác định người trúng tuyển trong kỳ thi tuyển viên chức (theo quy định tại Điều 8, Điều 9 và Điều 10 Nghị định số 29/2010/NĐ-CP).
Tại Điều 6 Thông tư số 15/2012/TT-BNV đã được sửa đổi bởi Điều 1 Thông tư số 04/2015/TT-BNV hướng dẫn về quyết định tuyển dụng và nhận việc đối với người trúng tuyển viên chức như sau:
Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày có quyết định phê duyệt kết quả tuyển dụng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng viên chức phải gửi thông báo công nhận kết quả trúng tuyển bằng văn bản tới người dự tuyển qua đường bưu điện theo địa chỉ mà người dự tuyển đã đăng ký và thông báo công khai tại trụ sở làm việc và trên trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng viên chức.
Người trúng tuyển viên chức phải đến ký hợp đồng làm việc và nhận việc theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2, Điều 19 Nghị định số 29/2012/NĐ-CP. Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập có trách nhiệm thẩm tra, xác minh văn bằng, chứng chỉ của người trúng tuyển bảo đảm chính xác theo quy định của pháp luật trước khi ký hợp đồng làm việc với người trúng tuyển viên chức.
Trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập phát hiện người trúng tuyển viên chức sử dụng văn bằng, chứng chỉ không hợp pháp thì người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập không thực hiện việc ký hợp đồng làm việc và có văn bản gửi người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng viên chức để hủy bỏ kết quả trúng tuyển.
Theo đó, việc thẩm tra, kiểm tra, xác minh văn bằng chứng chỉ của người trúng tuyển đã nộp, là văn bằng, chứng chỉ đã có trong hồ sơ đăng ký dự tuyển.
Trường hợp ông Phạm Quang Lăng, ngày 20/6/2018 đã đăng ký tuyển dụng, nộp hồ sơ đăng ký dự tuyển viên chức tại một đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND huyện Quảng Trạch, theo văn bằng đại học, phù hợp với chuyên môn nghiệp vụ, chức danh nghề nghiệp cần tuyển. Ngày 27/8/2018, cơ quan quản lý viên chức đã tổ chức thi tuyển. Ngày 17/9/2018, UBND huyện niêm yết kết quả thi tuyển. Ngày 20/9/2018, ông Lăng mới có văn bằng thạc sĩ cùng chuyên ngành với bằng đại học đã nộp trong hồ sơ dự tuyển. Ông Lăng mong muốn được nộp bổ sung văn bằng thạc sĩ trước khi có quyết định tuyển dụng, để được hưởng lương bậc 2 của chức danh nghề nghiệp.
Tại Khoản 1, Điều 22 Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức quy định, trong thời gian tập sự, người tập sự được hưởng 85% mức lương của chức danh nghề nghiệp tương ứng với vị trí việc làm tuyển dụng. Trường hợp người tập sự có trình độ thạc sĩ hoặc tiến sĩ và chuyên ngành đào tạo phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm tuyển dụng thì người tập sự có trình độ thạc sĩ được hưởng 85% mức lương bậc 2, người tập sự có trình độ tiến sĩ được hưởng 85% mức lương bậc 3 của chức danh nghề nghiệp tương ứng với vị trí việc làm tuyển dụng.
Tại các văn bản quy phạm pháp luật về việc tuyển dụng viên chức nêu trên, không thấy có quy định và hướng dẫn nào về việc được nộp bổ sung, hay không được nộp bổ sung văn bằng, chứng chỉ có trình độ cao hơn mà người đăng ký dự tuyển được cấp sau khi đã có kết quả thi tuyển, đang chờ cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng viên chức ra quyết định tuyển dụng.
Trường hợp ông Phạm Quang Lăng có văn bằng thạc sĩ sau khi đã nộp hồ sơ đăng ký dự tuyển, sau khi đã thi tuyển và có thông báo trúng tuyển, thì có thể nộp bổ sung trước khi cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng viên chức ban hành quyết định tuyển dụng, hoặc nộp bổ sung khi đến nhận việc, ký hợp đồng làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập, để cơ quan quản lý viên chức lưu trữ trong hồ sơ viên chức phục vụ cho công tác sử dụng viên chức...
Theo luật sư, căn cứ quy định và hướng dẫn việc tuyển dụng viên chức hiện nay, đối tượng được hưởng mức lương thạc sĩ, tiến sĩ khi tuyển dụng quy định tại Khoản 1, Điều 22 Nghị định số 29/2012/NĐ-CP phải có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ trước khi tham gia dự tuyển viên chức; văn bằng thạc sĩ, tiến sĩ phải phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm tuyển dụng và phải nộp cùng lúc với đơn đăng ký dự tuyển và các giấy tờ khác có trong hồ sơ đăng ký dự tuyển viên chức.
Trường hợp ông Lăng có văn bằng thạc sĩ sau khi tham gia dự tuyển viên chức thì, quyết định tuyển dụng và mức lương áp dụng khi tuyển dụng được căn cứ vào văn bằng đại học có trong hồ sơ đăng ký dự tuyển.
Nhưng, nếu đơn vị có yêu cầu vị trí việc làm trình độ thạc sĩ, bản thân ông Lãng có nguyện vọng được làm việc với mức lương trình độ thạc sĩ khi tuyển dụng, được người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng đồng ý, ra quyết định tuyển dụng theo trình độ thạc sĩ, thì ông Lăng được xếp lương bậc 2 của chức danh nghề nghiệp tương ứng với vị trí việc làm tuyển dụng.
Luật sư Trần Văn Toàn
VPLS Khánh Hưng, Đoàn luật sư Hà Nội