Nhân dân Đồng Nai trong phong trào đấu tranh cách mạng từ đầu thế kỷ XX đến tháng tám năm 1945. Bài 2:Giai đoạn từ năm 1930 đến cách mạng tháng tám thành công
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào cách mạng ở Đồng Nai đi vào hoạt động tự giác, có tổ chức, hướng đến mục tiêu trước mắt và lâu dài, xác định từng bước đi thích hợp. Giai đoạn 1935 đến trước tháng 8 năm 1945, chủ yếu là đấu tranh dân sinh dân chủ kết hợp đấu tranh chính trị và nuôi dưỡng lực lượng vũ trang để chuẩn bị tổng khởi nghĩa. Nhiều cuộc đấu tranh chính trị liên tục của các tầng lớp nhân dân chứng tỏ sự trưởng thành của các lực lượng cách mạng: Liên đoàn học sinh trường tiểu học Bình Hòa được Đảng lãnh đạo rải truyền đơn kêu gọi tinh thần cách mạng ngày 1 tháng 5 năm 1935; mítting trọng thể tại Gò Dê (Bình Ý) tháng 9 năm 1936; Cuộc đấu tranh đòi giảm sưu thuế của nhân dân Long Thành và cuộc đấu tranh đòi tăng lương giảm giờ làm của công nhân Nhà máy BIF thắng lợi. Đầu năm 1937, các cơ sở Đảng phát triển, thành lập Tỉnh ủy lâm thời do đồng chí Trương Văn Bang làm bí thư, đến giữa năm có thêm các chi bộ Đảng: Bình Ý, Bình Phước, Tân Triều, Thiện Tân, Bình Hòa, Mỹ Lộc, Mỹ Quớ
Cùng với nhân dân cả nước, nhân dân Đồng Nai đã vùng lên giành chính quyền trong tháng 8 lịch sử. Năm 1940, kế hoạch chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa Nam kỳ được tiến hành ráo riết nhưng bị lộ, địch bao vây và đàn áp các điểm khởi nghĩa gây nhiều tổn thất; một số đảng viên bị bắt, bị giết hoặc tù đày; một bộ phận có vũ trang thô sơ rút vào rừng (là một trong số các bộ phận hình thành Chi đội 10 sau Cách mạng Tháng tám).
Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, ngày 27 tháng 9 năm 1941 thực dân Pháp chấp nhận cho phát xít Nhật đem quân chiếm đóng Nam Kỳ. Nhân dân Biên Hòa thêm một tròng áp bức. Rút kinh nghiệm của những thất bại trước đó, dưới sự lãnh đạo của các đảng viên cộng sản, phong trào đấu tranh của công nhân cao su ở các đồn điền trong tỉnh vẫn tiếp tục phát triển như: cuộc đình công của hơn 500 công nhân ở cơ sở Cuộc-tơ-nay, cuộc bãi công của hơn 600 công nhân tại hai phân sở A và B của đồn điền Bình Lộc đấu tranh với chủ sở đòi: không được bắt công nhân đi điểm quá sớm, không được đánh đập cúp phạt công nhân, đòi được phát gạo trắng, đòi tống cổ bọn cai, xu ác ôn, đòi trả công nhân mãn hạn về xứ…
Ngày 9 tháng 3 năm 1945, Nhật đảo chính Pháp, lập chính quyền và các tổ chức thân Nhật; lãnh đạo Đảng nhận định tình hình, chọn thời cơ cách mạng; địa phương Biên Hòa cùng cả nước thực hiện lệnh tổng khởi nghĩa; buộc tỉnh trưởng ngụy Nguyễn Văn Quý phải chuyển giao chính quyền cho đại diện nhân dân lúc 11h30 ngày 26 tháng 8 năm 1945.
Sáng ngày 27/ 8/ 1945, tại Quảng trường Sông Phố, một cuộc mít tinh lớn được tổ chức. Gần một vạn người từ các nơi kéo về đây tham dự. Trong không khí trào dâng của thắng lợi cách mạng, đồng chí Dương Bạch Mai – cán bộ Xứ ủy Nam kỳ đại diện mặt trận Việt Minh ở Nam Bộ diễn thuyết về đường lối cách mạng, của Đảng được quần chúng nhiệt liệt hoan nghênh. Đồng chí Hoàng Minh Châu, trưởng ban khởi nghĩa, tuyên bố chính quyền về tay nhân dân và công bố Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Biên Hòa gồm các đồng chí : Hoàng Minh Châu – Chủ tịch; Huỳnh Văn Hớn – Phó chủ tịch kiêm Trưởng ban tuyên truyền; Nguyễn Văn Long – phụ trách Cảnh sát tỉnh; Ngô Hà Thành – phụ trách Quốc gia tự vệ cuộc (công an tỉnh); Ông Nguyễn Văn Tàng – phụ trách Ban quản trị tài sản quốc gia.
Đồng bào phấn khởi hô vang các khẩu hiệu : “Việt Nam độc lập muôn năm”, “Việt Minh muôn năm”... Cuộc mít tinh kết thúc, đoàn người tuần hành biểu dương lực lượng qua các phố xen lẫn trong cờ hoa, biễu ngữ hào hùng, đầy khí thế như hòa chung với niềm vui của nhân dân cả nước. Cả thị xã Biên Hòa như bừng tỉnh hồi sinh sau 80 năm dài sống trong nô lệ, xiềng xích của chế độ thực dân phong kiến.
N.L (tổng hợp)