Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài chủ trì Hội thảo.
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, ông Phạm Tất Thắng, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Dân vận Trung ương nêu rõ, từ khi tiến hành công cuộc Đổi mới đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, với việc vận dụng có hiệu quả bài học “Dân là gốc”, “Dân là trung tâm”, phát huy sức mạnh nhân dân, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc đất nước ta đã đạt được những thành tựu hết sức quan trọng, đóng góp to lớn cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Qua các giai đoạn phát triển của đất nước, việc vận dụng bài học “Dân là gốc”, “Dân là trung tâm”, phát huy sức mạnh nhân dân, đại đoàn kết toàn dân tộc luôn có đổi mới để đáp ứng yêu cầu, đỏi hỏi của thực tiễn, nhất là phát huy quyền làm chủ của nhân dân đã được cụ thể hóa với nhiều nội dung, hình thức phong phú, đáp ứng yêu cầu phát triển mới của đất nước.
Ông Phạm Tất Thắng cũng chỉ rõ một số hạn chế, bất cập trong việc vận dụng bài học “Dân là gốc”, “Dân là trung tâm”, phát huy sức mạnh nhân dân, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc thời gian qua, nhất là trước những cơ hội và thách thức của tình hình mới, càng ý thức được tầm quan trọng của bài học “Dân là gốc”, “Dân là trung tâm”, “Ý Đảng, Lòng Dân”, vai trò to lớn của sức mạnh của nhân dân, của toàn dân tộc và trách nhiệm xây dựng Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lãnh đạo sự nghiệp chấn hưng, phát triển đất nước mà nhân dân giao phó.
Trên cơ sở đó, Ban tổ chức Hội thảo đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, làm rõ những vấn đề chủ yếu như: tiếp tục làm rõ giá trị tư tưởng, lý luận của bài học “Dân là gốc”, “Dân là trung tâm” và quan điểm của Đảng ta về phát huy sức mạnh nhân dân, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới. Hệ thống hóa, bổ sung những vấn đề lý luận và bài học kinh nghiệm trong vận dụng có hiệu quả bài học “Dân là gốc”, “Dân là trung tâm” về phát huy vai trò của các giai tầng xã hội trong công cuộc đổi mới đất nước.
Theo đó, cần tiếp tục làm rõ vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong chiến lược phát triển đất nước, trong toàn bộ quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; phát huy tinh thần yêu nước, ý thức dân tộc, ý chí tự lực tự cường trong việc phát huy sức mạnh nhân dân, sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Đồng thời, nhận diện những nhân tố ảnh hưởng tới việc vận dụng bài học “Dân là gốc”, “Dân là trung tâm” và phát huy sức mạnh nhân dân, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới. Những vấn đề lý luận mới và kinh nghiệm phát huy quyền làm chủ của nhân dân, “Nhân dân làm chủ” trong cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” và thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, trong công cuộc đổi mới đất nước.
Liên quan đến sự phát triển nhận thức về vai trò, trách nhiệm của nhân dân trong tham gia giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh nêu rõ, giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội có vai trò và ảnh hưởng rất quan trọng trong việc phát huy dân chủ của nhân dân, góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước, xây dựng các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Tuy nhiên, để đi đến nhận thức nêu trên là cả một quá trình dài nhiều năm không ngừng nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn của Đảng, nhất là trong quá trình đổi mới từ Đại hội Đảng lần thứ VI (1986) đến nay. Những quan điểm và chủ trương lớn của Đảng thể hiện bước phát triển quan trọng về tư duy chính trị và về phương thức lãnh đạo đối với công tác Mặt trận, đối với việc củng cố, mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; phát huy quyền dân chủ của nhân dân; nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước.
Đó là những điều kiện mới về chính trị rất thuận lợi, đồng thời cũng đặt ra những yêu cầu cao đối với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân để tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và có hiệu quả tổ chức và hoạt động của mình tương ứng với chức năng, trách nhiệm, vị trí ngày càng được nâng cao trong giai đoạn mới.
TS. Nguyễn Văn Hùng, Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương, đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể cần chăm lo, phát huy và bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân; bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Đại đoàn kết toàn dân tộc phải dựa trên cơ sở giải quyết hài hòa quan hệ lợi ích giữa các thành viên trong xã hội; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Cần đầu tư, quan tâm giáo dục, đào tạo; đoàn kết các dân tộc trong cộng đồng dân tộc Việt Nam, tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, bảo đảm các dân tộc bình đẳng, tôn trọng, đoàn kết, giải quyết hài hòa quan hệ giữa các dân tộc, giúp nhau cùng phát triển.
Tiếp tục hoàn thiện và thực thi quy định về đạo đức công vụ trong công tác dân vận, phát huy vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng trong sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc...
Về phát huy sức mạnh nhân dân trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong tình hình mới, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Văn Hồi cho biết, Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh luôn vận dụng sáng tạo các chủ trương, nghị quyết của Đảng, lãnh đạo thực hiện tốt các quy định của Đảng về tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân, dựa vào Nhân dân để xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Tỉnh luôn xác định phải đặc biệt coi trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân.
Đồng thời, xây dựng chính quyền liêm chính, phục vụ, thực sự “của dân, do dân, vì dân”; hoạt động hiệu lực, hiệu quả; phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ của Nhân dân, sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân và vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội… Nhờ đó, tỉnh Quảng Ninh đạt được những thành tựu ấn tượng về kinh tế - xã hội.
Phát biểu kết luận Hội thảo, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài, Chủ nhiệm Đề tài trọng điểm quốc gia KX.04.11 đánh giá cao tinh thần, trách nhiệm của các đại biểu dự và tham luận tại Hội thảo. Đồng chí Bùi Thị Minh Hoài nhấn mạnh: Qua Hội thảo cho thấy từ thực tế nghiên cứu khoa học, chỉ đạo, lãnh đạo, tham mưu triển khai thực hiện nhiệm vụ theo vị trí, vai trò, chức năng của từng cơ quan, đơn vị, các đại biểu đã bổ sung, khẳng định, tiếp tục làm rõ giá trị tư tưởng, lý luận của bài học “dân là gốc”, “dân là trung tâm” và xây dựng, phát huy sức mạnh nhân dân, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc qua các thời kỳ cách mạng.
Tiếp thu đầy đủ các tham luận, ý kiến phát biểu tại Hội thảo, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài mong muốn lãnh đạo các ban, bộ, ngành, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, các tỉnh, thành ủy tiếp tục phối hợp Ban Dân vận Trung ương hoàn thành nghiên cứu, giúp Đảng giải quyết vấn đề lý luận về vận dụng bài học “Dân là gốc”, “Dân là trung tâm”, phát huy sức mạnh nhân dân, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; góp phần thực hiện tốt Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/11/2023, Hội nghị lần thứ tám BCH Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.
Lê Sơn