In bài viết

Nhận diện hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại

(Chinhphu.vn) - Hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại đã có đóng góp lớn và việc tiêu thụ hàng hoá, dịch vụ tiêu dùng. Nhờ đó mà quy mô tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (TMBL) tính theo giá thực tế đã tăng lên qua các năm, góp phần thúc đẩy tiêu thụ nội địa, thúc đẩy tăng trưởng.

07/06/2013 08:51

Chợ là nơi diễn ra các hoạt động mua bán, trao đổi hàng hoá, dịch vụ của nhiều người, được hình thành do yêu cầu của sản xuất, đời sống xã hội và hoạt động thường xuyên theo nhu cầu nhất định, có ít nhất 50 điểm kinh doanh đối với khu vực thành thị và 30 điểm kinh doanh đối với khu vực nông thôn.

Hệ thống chợ

Mật độ chợ/xã/phường/thị trấn. Nguồn: Niên giám thống kê 2011

Cả nước có 8.550 chợ nhưng tỷ lệ bình quân 1 xã/phường/thị trấn có 1 chợ còn ở mức thấp. Trong cả nước, chỉ có vùng đồng bằng sông Cửu Long là đạt mỗi xã/phường/thị trấn có hơn 1 chợ; các vùng khác mỗi xã/phường/thị trấn không đạt được 1 chợ, trong đó Tây Nguyên, trung du và miền núi phía Bắc đạt thấp hơn mức bình quân chung của cả nước.

Trong 63 tỉnh/thành phố của cả nước có 29 tỉnh/thành phố có mật độ chợ đạt thấp, như Lai Châu 0,25 chợ/xã, Kon Tum 0,28, Điện Biên 0,34, Lạng Sơn 0,37, Gia Lai 0,38, Cao Bằng 0,4, Vĩnh Phúc 0,43... Điều đó lý giải một phần vì sao quy mô TMBL bình quân đầu người ở những nơi này  thường thấp.

Mặc dù số lượng chợ đã tăng lên trong mấy năm nay (năm 2011 đã tăng 679 chợ so với 2008), cơ sở vật chất các chợ, tính đa dạng, phong phú của chợ khá lên và phù hợp với mức sống còn thấp và thói quen mua sắm của số đông người tiêu dùng ở nông thôn, thành thị…, nhưng nhìn chung chợ của nước ta quy mô nhỏ còn là chủ yếu. Cơ sở vật chất còn nghèo nàn. Văn minh thương nghiệp còn hạn chế, từ việc niêm yết giá, bán theo giá niêm yết, cân đong đo đếm, việc sắp xếp hàng hoá, vệ sinh an toàn thực phẩm.

Trong các loại chợ, loại chợ hạng 1 (trên 400 điểm kinh doanh) trên cả nước có 232 chợ, chỉ chiếm 2,7% tổng số chợ. Đây là các con số khá thấp, khi cả nước có tới 698 huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; chợ hạng 2 (từ 200- 400 điểm kinh doanh) có 936 chợ hạng 2, chiếm 10,9% tổng số chợ, cũng là các con số thấp. Còn lại là chợ hạng 3 (dưới 200 điểm kinh doanh)  có 7382 chợ hạng 3, chiếm 86,3% tổng số.

Điều đáng chú ý là tỷ trọng TMBL do các chợ cung ứng còn chiếm tỷ trọng khá lớn (trên 50%), phần lớn là kinh tế cá thể, còn khu vực kinh tế tư nhân, kinh tế tập thể, kinh tế nhà nước chỉ góp một phần rất nhỏ.

Số lượng siêu thị có đến 31/12 các năm. Nguồn: Niên giám thống kê 2011

Hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại

Hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại (TTTM) mới xuất hiện từ khoảng 15 năm nay cùng với sự ra đời của kinh tế tư nhân, sự nâng cấp của một số HTX và kinh tế nhà nước. Ước tính, tỷ trọng của hệ thống siêu thị, TTTM trong TMBL hiện đạt gần 1/3.

Siêu thị là loại hình cửa hàng hiện đại, kinh doanh tổng hợp hoặc chuyên doanh; cơ cấu chủng loại hàng hoá phong phú, đa dạng, bảo đảm chất lượng, đáp ứng các tiêu chuẩn về diện tích kinh doanh, trang bị kỹ thuật và trình độ quản lý, tổ chức kinh doanh; có các phương thức phục vụ văn minh, thuận tiện nhằm thoả mãn nhu cầu mua sắm hàng hoá của khách hàng có mức sống đã cao lên.

Ở nước ta, số lượng siêu thị đã tăng lên tương đối nhanh qua mấy năm gần đây cùng với việc phát triển kinh tế thị trường, mở cửa hội nhập. Những địa bàn có nhiều siêu thị là TP Hồ Chí Minh 152, Hà Nội 88, Đà Nẵng 29, Nghệ An 28, Khánh Hoà 22, Quảng Bình 16, Đồng Tháp 14, Quảng Ninh 14, Thái Nguyên 14, Lào Cai 12, Thanh Hoá 12, Gia Lai 12, Hải Phòng 11, Phú Thọ 11, Bình Dương 10,…

Số lượng TTTM đến 31/12

Về trung tâm thương mại, đây là loại hình kinh doanh hiện đại, đa chức năng, bao gồm tổ  hợp các loại hình cửa hàng, cơ sở hoạt động dịch vụ; hội trường, phòng họp, văn phòng cho thuê… được bố trí tập trung, liên hoàn trong một hoặc một số công trình kiến trúc liền kế, đáp ứng các tiêu chuẩn về diện tích kinh doanh, trang bị kỹ thuật và trình độ quản lý, tổ chức kinh doanh; có các phương thức phục vụ văn minh, thuận tiện, đáp ứng nhu cầu phát triển hoạt động kinh doanh của thương nhân và thoả mãn nhu cầu về hàng hoá, dịch vụ của khách hàng.

Số TTTM cũng đã tăng khá trong 4 năm qua. Theo đó, tất cả các vùng đều có TTTM. Tuy nhiên, việc phân bố còn tập trung vào các vùng Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung. Còn gần một nửa số tỉnh/thành phố của cả nước chưa có TTTM.

Xu hướng tỷ trọng trong TMBL của siêu thị, TTTM sẽ tăng lên cùng với sự tăng lên của thu nhập, cùng với sự làm quen với văn minh thương mại của người tiêu dùng, sự mở cửa hội nhập quốc tế với sự đầu tư của nước ngoài…

Tuy nhiên, các thành phần kinh tế trong nước cần tăng mối liên kết để tránh nguy cơ các cơ sở vật chất, địa điểm kinh doanh “rơi vào tay” các tập đoàn nước ngoài, hiện tượng đã xảy ra ở một số nước…

Minh Ngọc