Ông Nam đã đưa vấn đề trên tới hội nghị người lao động thì được cho biết, thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi của nhân viên hàng không thực hiện theo Thông tư số 42/2011/TT-BGTVT ngày 1/6/2011 của Bộ Giao thông vận tải. Theo đó, thời gian làm việc trong ngày Lễ, Tết của nhân viên hàng không không phải là thời gian làm thêm giờ nên chỉ được bố trí nghỉ bù theo Khoản c, Mục 2, Điều 6 của Thông tư 42/2011/TT-BGTVT mà không được tính theo quy định làm thêm giờ trong ngày Lễ, Tết.
Ông Nam đề nghị cơ quan chức năng giải đáp, cơ quan ông không coi việc người lao động đi làm ngày Lễ, Tết là đi làm thêm giờ có đúng không, và việc quy định thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi quy định trong Thông tư 42/2011/TT-BGTVT đối với nhân viên hàng không có trái với quy định của Bộ luật Lao động không?
Về vấn đề này, Bộ Giao thông vận tải trả lời như sau:
Thực hiện quy định của Bộ luật Lao động năm 1994, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động năm 2007, Luật Hàng không dân dụng Việt Nam 2006, Nghị định số 195/CP ngày 31/12/1994 và Nghị định số 109/2002/NĐ-CP ngày 27/2/2002 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, Bộ Giao thông vận tải đã xây dựng và ban hành Thông tư số 42/2011/TT-BGTVT ngày 1/6/2011 hướng dẫn thực hiện chế độ thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi đối với người lao động làm các công việc có tính chất đặc thù trong ngành Hàng không (sau khi có ý kiến thỏa thuận của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tại Văn bản số 590/LĐTBXH-ATLĐ ngày 3/3/2011).
Theo quy định tại Điều 117 của Bộ luật Lao động năm 2012, thời giờ làm việc và thời giờ nghỉ ngơi đối với người làm công việc có tính chất đặc biệt được quy định như sau:
"Đối với các công việc có tính chất đặc biệt trong lĩnh vực vận tải đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không, thăm dò khai thác dầu khí trên biển; làm việc trên biển; trong lĩnh vực nghệ thuật; sử dụng kỹ thuật bức xạ và hạt nhân; ứng dụng kỹ thuật sóng cao tần; công việc của thợ lặn, công việc trong hầm lò; công việc sản xuất có tính thời vụ và công việc gia công hàng theo đơn đặt hàng; công việc phải thường trực 24/24 giờ thì các bộ, ngành quản lý quy định cụ thể thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi sau khi thống nhất với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và phải tuân thủ quy định tại Điều 108 Bộ luật này".
Các nội dung được quy định trong Thông tư này không trái với quy định của Bộ luật Lao động năm 1994 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động năm 2007.
Tuy nhiên, tại Điểm c, Khoản 2, Điều 6 Thông tư số 42/2011/TT-BGTVT chỉ quy định về thời giờ làm việc và thời giờ nghỉ ngơi, không quy định về tiền lương làm thêm giờ, tiền lương làm thêm giờ được thực hiện theo quy định của Bộ luật Lao động.
Do đó, đối với trường hợp người lao động đi làm trong ngày nghỉ thì việc hưởng lương sẽ được thực hiện theo quy định tại Khoản 1, Điều 115 và tại Điều 97 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định về tiền lương làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm.