Về vấn đề này, Cục Hải quan Đồng Nai trả lời như sau:
Căn cứ Điều 13 Thông tư số 12/2015/TT-BCT ngày 12/06/2015 của Bộ Công Thương quy định:
“Điều 13. Quy định về nhập khẩu sản phẩm thép để trực tiếp phục vụ sản xuất, gia công
Thương nhân nhập khẩu sản phẩm thép để trực tiếp phục vụ sản xuất, gia công (kể cả hàng nhập khẩu để lắp ráp, sửa chữa, bảo hành) có thể lựa chọn giữa hai hình thức: (i) đăng ký Giấy phép nhập khẩu tự động quy định tại Điều 5 và Điều 12; (ii) không phải làm thủ tục xin Giấy phép nhập khẩu tự động quy định tại Điều 5 và Điều 12 nhưng phải xuất trình Bản cam kết có xác nhận của Sở Công Thương nơi doanh nghiệp đăng ký hoạt động sản xuất cho cơ quan hải quan khi làm thủ tục nhập khẩu cùng với bộ hồ sơ nhập khẩu theo quy định hiện hành.
Trong trường hợp lựa chọn hình thức xác nhận Bản cam kết của Sở Công Thương, Bản cam kết của thương nhân gồm các nội dung sau:
1. Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư.
2. Dây chuyền, thiết bị sản xuất, gia công phù hợp để sản xuất, gia công các nguyên liệu nhập khẩu.
3. Sản phẩm thép nhập khẩu chỉ được sử dụng cho mục đích sản xuất, gia công không nhằm mục đích kinh doanh, số lượng nhập khẩu phù hợp với công suất của dây chuyền sản xuất, gia công trong một thời gian nhất định theo khai báo của doanh nghiệp.
4. Việc gia công, sản xuất không phải là những hoạt động gia công đơn giản như uốn, cắt, mài, cuộn đơn giản hoặc những hoạt động gia công đơn giản khác”.
Căn cứ quy định nêu trên, trường hợp Công ty nhập khẩu sản phẩm thép quy định tại Phụ lục 01 kèm theo Thông tư số 12/2015/TT-BCT để trực tiếp phục vụ gia công có thể lựa chọn giữa hai hình thức: xin Giấy phép nhập khẩu tự động hoặc xuất trình Bản cam kết có xác nhận của Sở Công Thương nơi doanh nghiệp đăng ký hoạt động sản xuất cho cơ quan hải quan khi làm thủ tục nhập khẩu.
Thanh Thủy