In bài viết

Nhập khẩu vào thành phố theo hộ khẩu vợ hoặc chồng

(Chinhphu.vn) - Ông Nguyễn Đức Thụ có hộ khẩu tại Nam Định, vợ ông có hộ khẩu tại Hà Nội. Hai vợ chồng mua 1 căn hộ chung cư trả góp, vợ ông đứng tên hợp đồng mua. Ông Thụ hỏi, khi nhận nhà, vợ chồng ông có được chuyển về một hộ khẩu không? Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà đứng tên cả hai vợ chồng có được không?

26/07/2016 10:20

Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng - Đoàn luật sư Hà Nội trả lời vấn đề này như sau:

Có thể nhập hộ khẩu theo vợ

Theo Khoản 1; Điểm a, Khoản 2, Điều 20 Luật Cư trú số 81/2006/QH11 được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại Khoản 2, Điều 1 Luật số 36/2013/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú, công dân thuộc một trong những trường hợp sau đây thì được đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương:

- Có chỗ ở hợp pháp, trường hợp đăng ký thường trú vào huyện, thị xã thuộc thành phố trực thuộc Trung ương thì phải có thời gian tạm trú tại thành phố đó từ một năm trở lên, trường hợp đăng ký thường trú vào quận thuộc thành phố trực thuộc Trung ương thì phải có thời gian tạm trú tại thành phố đó từ hai năm trở lên;

- Được người có sổ hộ khẩu đồng ý cho nhập vào sổ hộ khẩu của mình nếu thuộc một trong các trường hợp vợ về ở với chồng; chồng về ở với vợ; con về ở với cha, mẹ; cha, mẹ về ở với con.

Trường hợp sổ đỏ phải ghi tên cả hai vợ chồng

Theo Khoản 1, Điều 33 và Khoản 1, Điều 34 Luật Hôn nhân và Gia đình số 52/2014/QH13, tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân.

Trong trường hợp tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng thì giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng phải ghi tên cả hai vợ chồng, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác.

Trường hợp ông Nguyễn Đức Thụ có vợ đã đăng ký hộ khẩu thường trú tại TP. Hà Nội, được chủ hộ đồng ý cho nhập hộ khẩu về với vợ thì để được đăng ký thường trú tại TP. Hà Nội ông cần làm thủ tục đăng ký thường trú theo quy định tại Điều 21 Luật Cư trú. Hồ sơ đăng ký thường trú nộp tại Công an quận huyện nơi chuyển đến, bao gồm:

- Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu; bản khai nhân khẩu.

- Giấy chuyển hộ khẩu (do Công an cấp huyện nơi chuyển đi cấp).

- Giấy tờ và tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp. Đối với trường hợp chuyển đến thành phố trực thuộc trung ương phải có thêm tài liệu chứng minh thuộc một trong các trường hợp được đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương.

Về tài sản, căn hộ chung cư vợ ông Thụ đứng tên trên hợp đồng mua nhà ở trả góp bằng tiền do vợ, chồng thu nhập từ lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh trong thời kỳ hôn nhân được xác định là tài sản chung của vợ chồng.

Nhà ở, đất ở là tài sản được pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng. Căn hộ là tài sản chung của vợ chồng, vì vậy khi đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở ông Thụ cần kê khai tên cả hai vợ chồng, để khi Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở được cấp ghi tên cả hai vợ chồng. Hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận gồm:

- Đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận (theo mẫu).

- Hợp đồng mua bán nhà ở (bản gốc).

- Biên bản bàn giao nhà (bản gốc).

- Hóa đơn giá trị gia tăng hoặc phiếu thu nộp tiền các đợt và xác nhận nộp đủ tiền (bản gốc).

- Chứng minh nhân dân, Sổ hộ khẩu, Giấy đăng ký kết hôn (bản sao có chứng thực).

- Trường hợp người mua nhà theo chương trình hỗ trợ cho vay mua nhà ở lãi suất ưu đãi phải có cam kết 3 bên giữa người mua nhà, ngân hàng, chủ đầu tư.

Luật sư Trần Văn Toàn

VPLS Khánh Hưng, Đoàn luật sư Hà Nội

* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.