Chính phủ Nhật Bản kéo dài tình trạng khẩn cấp đối với các địa phương trên, ngoại trừ tỉnh Tochigi, phía Bắc Tokyo, do số ca nhiễm tại đây đã giảm và tình hình y tế đang cải thiện, trong khi đó giữ nguyên tình trạng khẩn cấp đối với 10 tỉnh còn lại đến hết ngày 7/3.
10 tỉnh này là Tokyo, Kanagawa, Chiba, Saitama, Osaka, Kyoto, Hyogo, Aichi, Gifu và Fukuoka.
Trả lời họp báo sau khi công bố quyết định gia hạn ban bố tình trạng khẩn cấp đối với 10 địa phương, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide cho biết mặc dù tình hình lây lan của dịch COVID-19 đang có xu hướng giảm nhưng chính phủ cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa, đặc biệt là cải thiện hệ thống cung cấp dịch vụ y tế. Đây sẽ là điều kiện quan trọng để có thể dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp trước thời hạn. Đối với Tokyo, điều kiện đặt ra không chỉ là giảm số ca nhiễm mới xuống dưới 500 ca/ngày mà tỷ lệ lấp đầy giường bệnh phải giảm xuống dưới 50%. Theo NHK, cho đến nay, tổng số ca nhiễm tại Tokyo là 100.790 ca.
Thủ tướng Suga nêu rõ chính phủ sẽ cố gắng bảo đảm một hệ thống y tế chủ động cần thiết, kể cả những ca nguy kịch cũng có thể được điều trị kịp thời. Ngoài ra, chính phủ cũng sẽ hỗ trợ tối đa để các cơ sở y tế không bị thiệt hại kinh tế và nhân viên hoạt động trong lĩnh vực này không phải đắn đo về thu nhập.
Xúc tiến phê duyệt vaccine Pfizer
Theo Đài NHK, Bộ Y tế Nhật Bản đang lên kế hoạch thảo luận với ban chuyên gia vào tuần sau để xem có phê duyệt vaccine ngừa virus SARS-CoV-2 do công ty dược phẩm Pfizer của Mỹ phát triển hay không.
Pfizer đã ký hợp đồng với Chính phủ Nhật Bản để cung cấp đủ vaccine cho 72 triệu người trong năm nay. Tuần trước, công ty đã đệ trình lên Bộ Y tế dữ liệu thử nghiệm lâm sàng vaccine tại Nhật Bản, Bộ này đang xem xét hiệu quả và độ an toàn của vaccine dựa trên dữ liệu được đệ trình cùng kết quả thử nghiệm lâm sàng ở nước ngoài.
Giới chức cho biết nếu được phê duyệt, trước mắt, vaccine sẽ chỉ được tiêm cho người từ 16 tuổi trở lên. Họ cũng dự kiến sẽ không tiêm vaccine cho những người có tiền sử dị ứng nặng với bất kỳ thành phần nào của vaccine.
Nếu ban chuyên gia chấp thuận, Bộ Y tế dự kiến sẽ chính thức phê duyệt vaccine trong một vài ngày sau đó.
Chính phủ Nhật Bản hy vọng sẽ bắt đầu triển khai tiêm chủng cho nhân viên y tế sớm nhất là cuối tháng 2.
Tính đến hết ngày 2/2, Nhật Bản đã phát hiện thêm 2.324 ca nhiễm COVID-19 mới, trong đó có 937 ca nghiêm trọng, giảm 38 ca so với trước đó 1 ngày nhưng số ca tử vong lên đến 119 ca, cao nhất từ trước đến nay. Thủ đô Tokyo vẫn là địa phương ghi nhận số ca nhiễm COVID-19 mới cao nhất với 556 ca, qua đó đạt tỷ lệ trung bình trong 7 ngày qua dưới 1.000 ca/ngày, tuy nhiên hệ thống y tế vẫn đang quá tải và đã nhiều trường hợp tử vong khi tự điều trị tại nhà. 23 ca tử vong cũng là con số tử vong cao nhất trong ngày tại thủ đô Tokyo tính đến thời điểm hiện tại./.
BT