Đặc biệt, Thủ tướng Abe đề xuất bỏ 2 đoạn trong Điều 9 của Hiến pháp 1947, trong đó có đoạn "Thành thật mong muốn một nền hòa bình quốc tế dựa trên chính nghĩa và trật tự, người dân Nhật Bản vĩnh viễn từ bỏ chiến tranh như một quyền chủ quyền của đất nước cũng như đe dọa hoặc sử dụng vũ lực như những phương tiện để giải quyết các tranh chấp quốc tế", và đoạn thứ 2 viết: "Các lực lượng trên bộ, trên biển và trên không cũng như các tiềm lực chiến tranh khác sẽ không bao giờ được duy trì. Quyền tham chiến của đất nước sẽ không được công nhận".
Hiện việc xem xét lại Điều 9 trong Hiến pháp đang gây tranh cãi trong dư luận Nhật Bản. Theo một cuộc thăm dò dư luận gần đây do hãng tin Kyodo thực hiện, 49% số người được hỏi ủng hộ việc sửa đổi Điều 9 trong Hiến pháp, so với 47% phản đối. Về sự cần thiết xem xét lại toàn bộ Hiến pháp trong tương lai, 60% người được hỏi cho rằng điều này là "cần thiết" hoặc "phần nào đó cần thiết" trong khi số người ủng hộ duy trì Hiến pháp hiện hành là 37%.
Cũng trong đoạn video trên, Thủ tướng Abe nêu rõ mong muốn năm 2020 - năm Nhật Bản đăng cai Thế vận hội mùa Hè sẽ là năm Hiến pháp mới có hiệu lực.
Ông cho biết các nghị sĩ sẽ sớm bắt đầu các cuộc thảo luận cụ thể nhằm đưa ra một kế hoạch sửa đổi Hiến pháp. Trong số các vấn đề có thể được sửa đổi, Thủ tướng Abe cho rằng giáo dục là một vấn đề vô cùng quan trọng, do đó cần thảo luận nhiều hơn về việc miễn học phí công.
Trước đó, trong buổi họp của các nghị sĩ liên đảng ủng hộ cải cách Hiến pháp tại thủ đô Tokyo hôm 1/5, Thủ tướng Abe khẳng định năm 2017 là thời điểm thích hợp để thực hiện "một bước đi lịch sử" hướng tới cải cách Hiến pháp.
Ông Abe cho rằng tình hình an ninh đang ngày càng trở nên nghiêm trọng hiện nay là một trong những nhân tố dẫn đến việc sửa đổi lần đầu tiên bản Hiến pháp hòa bình của Nhật Bản, đồng thời những người coi Hiến pháp hiện hành là văn bản không thể sửa đổi giờ chỉ còn là nhóm thiểu số.
Hiến pháp Nhật Bản có 3 nguyên tắc cơ bản là: Chủ quyền của quốc dân, tôn trọng nhân quyền cơ bản và chủ nghĩa hòa bình. Bản Hiến pháp này chưa từng thay đổi kể từ khi có hiệu lực từ ngày 3/5/1947.
Theo quy định, để thực hiện đề xuất sửa đổi Hiến pháp và kêu gọi trưng cầu ý dân, cần sự chấp thuận của 2/3 số nghị sĩ ở cả hai viện Quốc hội Nhật Bản. Hiện liên minh cầm quyền của Thủ tướng Abe và các đảng đối lập ủng hộ sửa đổi Hiến pháp đã có được 2/3 sự ủng hộ, song có thể họ sẽ tìm kiếm thêm sự đồng thuận từ phe còn lại trong Quốc hội.
Huyền Anh