![]() |
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu kết thúc nội dung thảo luận dự án Luật Cư trú (sửa đổi) sáng 21/10. Ảnh: VGP Nhật Bắc |
Phát biểu kết thúc nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết nhìn chung ý kiến của các đại biểu Quốc hội nhất trí với nhiều nội dung của dự thảo luật đã được chỉnh lý.
Về điều kiện đăng ký thường trú. Đa số ý kiến các vị đại biểu Quốc hội tán thành với việc không quy định điều kiện riêng về đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương như đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9.
Về điều kiện đăng ký thường trú tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nói chung đối với người có chỗ ở hợp pháp là do đi thuê, mượn, ở nhờ, đa số ý kiến tán thành quy định một trong các điều kiện để đăng ký thường trú là phải bảo đảm diện tích nhà ở tối thiểu do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định nhưng không thấp hơn 8 m2 sàn/người. Chính phủ cũng ủng hộ phương án này.
Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị lựa chọn tiêu chí có thời hạn tạm trú từ 1 năm trở lên tại địa bàn là điều kiện xem xét đối với các trường hợp đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ. Cũng có ý kiến đại biểu Quốc hội nêu vấn đề cần tích hợp cả phương án 1 và phương án 2 để làm điều kiện đăng ký thường trú.
Về điều kiện đăng ký tạm trú đối với người có nhà ở cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ. Qua thảo luận, đa số ý kiến tán thành quy định của dự thảo luật là không quy định điều kiện đăng ký tạm trú là phải được người có nhà ở cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý.
Về thời hạn tạm trú, vấn đề này hiện đang có 2 loại ý kiến, loại ý kiến thứ nhất đề nghị tiếp tục quy định về thời hạn đăng ký tạm trú là 2 năm, để phân biệt với đăng ký thường trú, Chính phủ cũng đề nghị theo phương án này. Loại ý kiến thứ hai tán thành với quy định như trong dự thảo luật đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 là không quy định về thời hạn tạm trú để giảm bớt các thủ tục hành chính.
Về quy định chuyển tiếp trong dự án luật, qua thảo luận, có 2 loại ý kiến. Nhiều ý kiến tán thành phương án 1, cho phép người dân được tiếp tục sử dụng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp cho đến hết ngày 31/12/2022 để chứng minh thông tin về nơi cư trú thay thế cho giấy tờ xác nhận về cư trú theo quy định của luật này, khi thực hiện các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự có yêu cầu thông tin về nơi cư trú. Có ý kiến tán thành phương án 2, đề nghị không cần có quy định chuyển tiếp sổ hộ khẩu, sổ tạm trú hết giá trị kể từ thời điểm luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2021.
“Bộ trưởng Bộ Công an đề nghị nên chuyển phương án 2 thành phương án 1, với những lý lẽ như đã báo cáo giải trình trước Quốc hội. Chúng tôi nghĩ đây là những vấn đề đang còn ý kiến khác nhau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin phép sẽ làm phiếu để gửi đến các vị đại biểu Quốc hội, trước khi trình Quốc hội xem xét, biểu quyết về những nội dung đang còn ý kiến khác nhau”, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho hay.
Dự án Luật Cư trú (sửa đổi) hiện được với bố cục gồm 7 chương với 38 điều, quy định về việc thực hiện quyền tự do cư trú của công dân Việt Nam trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; việc đăng ký, quản lý cư trú; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của công dân, hộ gia đình, cơ quan, tổ chức về đăng ký, quản lý cư trú.
Nguyễn Hoàng