NHCSXH được thành lập ngày 4/12/2002 theo Quyết định số 131/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với nhiệm vụ cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trong phạm vi cả nước.
Trong 16 năm qua (2002-2018), hoạt động tín dụng chính sách của NHCSXH đã bao phủ đến hơn 11.000 xã trong cả nước, đưa nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ đến với hộ nghèo, giúp người nghèo và đối tượng chính sách có nguồn vốn phát triên sản xuất, cải thiện đời sống để thoát nghèo.
Từ 3 sản phẩm đơn lẻ ban đầu, đến nay, NHCSXH đang dần hoàn thiện để hình thành được một chuỗi các sản phẩm tín dụng gồm 22 chương trình phục vụ người nghèo, hỗ trợ người dân không chỉ giảm nghèo mà còn thoát nghèo bền vững.
Mạng lưới 22 chương trình tín dụng này hướng vào từng nhu cầu của hộ nghèo, đối tượng chính sách giúp họ an cư lập nghiệp, vun đắp tương lai cho con em mình từ cho vay hộ nghèo đến cho vay hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; cho vay con em các gia đình khó khăn có điều kiện học tập; cho vay nhà ở; cho vay giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động…
Bên cạnh đó, NHCSXH còn có các chương trình cho vay mang tính cấp thiết như cho vay xây dựng nhà ở phòng, tránh bão lụt ở miền Trung, làm nhà vượt lũ ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long…
Về những con số cụ thể, NHCSXH cho biết trong 16 năm qua, Nhà nước đã huy động trên 200.000 tỷ đồng để dành cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác tạo ra doanh số cho vay hơn 500.000 tỷ đồng, qua đó đã giúp hơn 34 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh.
Nguồn vốn ưu đãi đã góp phần đắc lực giúp trên 4,5 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho gần 3,6 triệu lao động, hơn 3,6 triệu lượt HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 11 triệu công trình cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.
Cũng từ nguồn vốn này, gần 105.000 căn nhà cho hộ gia đình vượt lũ vùng Đồng bằng sông Cửu Long, gần 540.000 căn nhà cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách và căn nhà phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung được xây dựng; trên 112.000 lao động thuộc gia đình chính sách được vay vốn đi lao động có thời hạn ở nước ngoài…
Tính đến nay, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách của NHCSXH đạt hơn 184.700 tỷ đồng.
Trong quá trình đưa nguồn vốn ưu đãi đến với hộ nghèo, phải kể đên một sản phẩm riêng có của NHCSXH là mô hình hoạt động “Điểm giao dịch xã”.
Tại điểm giao dịch xã (đặt tại trụ sở UBND xã), các chính sách tín dụng của Nhà nước, danh sách hộ vay vốn và các quy trình thủ tục của NHCSXH được niêm yết công khai. Tại đây, người vay giao dịch trực tiếp với NHCSXH vào ngày cố định hằng tháng để vay và trả nợ cũng như thực hiện gửi tiền tiết kiệm, trước sự chứng kiến của cán bộ tổ chức chính trị - xã hội, Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và vay vốn và chính quyền xã.
Đến nay, NHCSXH đã đặt 10.932 điểm giao dịch xã trên tổng số 11.162 xã, phường, thị trấn trong cả nước, đưa nguồn vốn tín dụng chính sách đến với người nghèo một cách thuận tiện nhất, ít phiền hà nhất.
Theo Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng, điều đáng mừng là những sản phẩm dịch vụ của NHCSXH đã giúp người nghèo vượt quá mặc cảm của “người nhận” thụ động tiến tới việc chủ động làm quen với cơ chế kinh tế thị trường, có vay có trả. Qua đó, người nghèo đã mạnh dạn vay vốn để nâng cao năng lực sản xuất, học hỏi cách làm ăn hiệu quả cao hơn, tiến tới chịu được lãi suất tiệm cận thị trường.
Bên cạnh nguồn vốn tín dụng chính sách của NHCSXH, sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền và các hội, đoàn thể địa phương trong việc đưa ra giải pháp, hỗ trợ người dân sản xuất, kinh doanh để thoát nghèo là rất quan trọng. Thực tế cho thấy, ở đâu lãnh đạo địa phương và các cấp ngành quan tâm, ở đó tín dụng chính sách hiệu quả.
Trong vai trò cầu nối các nguồn lực thực hiện tín dụng chính sách, NHCSXH từng bước đề xuất các chính sách kết nối cả hệ thống chính trị tham gia vào công cuộc giảm nghèo. Đó là việc bổ sung Chủ tịch UBND cấp xã tham gia Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện; gắn nguồn vốn tín dụng chính sách với kế hoạch phát triển kinh tế địa phương, kế hoạch giảm nghèo và thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Cùng với đó, việc ra đời của Chỉ thị 40-CT/TW ngày 22/11/2014 về tín dụng chính sách của Ban Bí thư Trung ương Đảng, sự đồng thuận và quan tâm vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với tín dụng chính sách được nâng lên một bước, góp thêm sức mạnh nguồn lực cho công cuộc giảm nghèo./.
Thanh Xuân