Đã thành thông lệ, mùa đông năm nay, đoàn công tác xã hội của Cổng TTĐT Chính phủ-Báo điện tử Chính phủ do Phó Tổng giám đốc Lê Việt Đông dẫn đầu mang theo hàng hóa (chăn ấm, quần áo rét, thực phẩm khô, sách vở, đồ dùng học tập), tiền mặt… với tổng trị giá hàng trăm triệu đồng lên tỉnh biên giới Lai Châu.
Mang quà là những tấm chăn ấm đến với đồng bào nghèo vùng cao - Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Số hàng này được quyên từ tiền lương của hàng trăm công chức, viên chức, người lao động các cơ quan, đơn vị: Cổng TTĐT Chính phủ, Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Bản Việt, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia, Công ty Mai Linh Miền Bắc, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam - chi nhánh Bắc Hà Nội, Công ty TNHH Giao nhận Đệ Nhất, Công ty Thép Thành Long, nhóm Bác sĩ 24, Ban Thời sự Đài truyền hình Kỹ thuật số VTC… với tâm nguyện mang chút hơi ấm để góp phần giúp các em nhỏ, cụ già ở Khun Há (huyện Tam Đường) và Phúc Khoa (Tân Uyên) xua tan cái lạnh của ngày đông tháng giá vùng sơn cước.
7 giờ sáng trời vẫn còn mịt mờ, gió mùa Đông Bắc rít từng hồi dài tê tái, đoàn xuất phát từ trụ sở 16 Lê Hồng Phong, từ Thủ đô theo đường cao tốc Hà Nội–Lào Cai vừa mới khánh thành lên miền Tây Bắc.
Đến Lào Cai cũng gần chính ngọ. Ăn vội bữa trưa trong một quán cơm ngay tại “nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt”, đoàn tiếp tục hành trình vượt qua “Vua đèo Tây Bắc”–Ô Quy Hồ. Trời mưa rả rích, sương mù dày đặc, đường lại tắc ngang lưng núi, nên đến Lai Châu cũng vừa chạng vạng.
Vui mừng đón đoàn tại trụ sở UBND tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Tống Thanh Hải, cùng đại diện Văn phòng UBND tỉnh, Sở KHĐT, Báo Lai Châu, Cổng TTĐT, Trung tâm Tin học&Công báo cảm ơn tâm ý của đoàn dành cho địa phương, cho đồng bào nơi đây.
Ông Hải bày tỏ, dù những năm qua, Trung ương và tỉnh nhà đã có nhiều cố gắng nhưng điều kiện vật chất của cô trò, đồng bào vùng sâu vùng xa, nhất là ở các bản tái định cư trong tỉnh vẫn còn không ít khó khăn.
Khám chữa bệnh miễn phí cho các em nhỏ xã Phúc Khoa - Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Thiếu thốn vật chất thì phải bù đắp bằng việc xây dựng đời sống bằng nghĩa, bằng tình. Ông Hải xúc động: Nghĩa cử “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, tấm lòng thơm thảo của công chức, viên chức, người lao động của đoàn dành cho các em nhỏ, các cụ già ở bản nghèo của Lai Châu là sự động viên thiết thực, kịp thời, sẽ tiếp thêm nghị lực để các em nhỏ vượt núi tới trường học chữ để nên người; các thầy, các cô yên tâm bám lớp, bám bản; đồng bào dân tộc thiểu số nghèo ở bản tái định cư thêm niềm tin với các chính sách của Đảng, Nhà nước”.
Nghỉ lấy lại sức sau 1 ngày hành trình, sớm hôm sau, đoàn đến Khun Há (Tam Đường). Điểm trường chính của Trường Tiểu học Khun Há nằm chon von trên đỉnh quả đồi ở bản Sín Chải, cách trung tâm xã (bản Bình Lư) 5km. Đường lên dựng đứng, liên tục các khúc cua tay áo, một bên là vách núi, một bên là vực sâu, nhiều đoạn taluy sạt lở, chi chít ổ trâu, ổ gà.
Trống ngực anh em trong đoàn đập thình thịch mỗi khi xe lên dốc, xuống đèo. Trưởng đoàn Lê Việt Đông thốt lên: Đúng là “ngàn thước lên cao ngàn thước xuống” như “Tây Tiến” thuở nào!
Đoàn xe chở nặng hàng hóa nhất loạt cài số 1, gầm gừ vượt dốc, đánh vật mãi cũng “bò” lên được điểm trường. Anh em trong đoàn “thở phào” nhẹ nhõm.
Tại điểm trường chính Sín Chải vẫn còn tới 3 lớp học tạm - Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Tranh thủ lúc mọi người chuyển quà, PV trao đổi với cô giáo Cấn Thị Thu (quê Thạch Thất, Hà Nội, đã tròn 10 năm bám lớp, bám bản). Cô Thu cho biết Trường Tiểu học Khun Há có 11 điểm trường, đóng tại 11 bản (10 bản Mông, 1 bản Thái). Năm trước, Nhà nước đầu tư xây trường bán trú 3 tầng, cô trò phấn khởi lắm. Những mong sang năm học mới sẽ được học trong ngôi trường mới khang trang sạch sẽ, nhưng trời chẳng chiều lòng người. Tháng 6 vừa qua mưa lớn, trường bị sạt vách, buộc phải di dời khẩn cấp. Đến nay, khoảng 40% cô trò phải học trong các lớp tạm nền đất, vách gỗ. Ngay tại điểm trường chính Sín Chải thì cũng còn tới 3 lớp tạm. Mùa đông, sương mù, gió lạnh ùa vào. Nhà trường phải mua bạt quây trong phòng để ngăn bớt sương gió, nhưng cũng chẳng thấm vào đâu.
Theo cô Thu, dẫu gì thì ở Sín Chải vẫn còn “sướng chán”. Vì điểm này vẫn “gần xã” (cách 5km) lại có đường bê tông vào đến tận nơi, chứ ở các điểm trường Nậm Pha, Ma Seo Phìn chót vót trên đỉnh núi, sương mù bao phủ quanh năm vất vả hơn nhiều. Mấy năm trước chưa làm được đường, suốt 25km nối Bình Lư với Nậm Pha lổn nhổn đường đất và đá hộc. Trời mưa chỉ có một cách là đi bộ vào bản.
Điều kiện trường lớp thì vậy, còn nhà công vụ cũng chẳng hơn gì. Các thầy, cô giáo đa phần còn trẻ. Trong số 76 thầy cô trong trường có 12 thầy cô là người Thái, 1 thầy người Mông, 1 cô người Giáy, 3 cô người Mường, còn lại đều ở dưới xuôi lên. Mấy năm trước nhà công vụ chưa xây được. Thầy cô nào chưa xây dựng gia đình ở nhờ nhà dân đã đành, nhưng những người đã có đôi, có lứa mới nan giải. Có thời kỳ 3 đôi vợ chồng giáo viên phải ở chung 1 căn nhà gỗ, vách ngăn bạt… “nín thở”… thông cảm với nhau! Thỉnh thoảng thầy cô nào có vợ hoặc chồng lên thăm, họ đành phải mượn lớp học làm… phòng “hạnh phúc”.
Khó khăn là thế nhưng cô trò vẫn nỗ lực học tốt, dạy tốt. Sĩ số luôn duy trì ở mức 98%. Nhìn những cuốn vở nét chữ đẹp như in, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng.
Thầy Đặng Mạnh Trường, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Khun Há bày tỏ: Nhận được tin có đoàn lên thăm, cả tuần thầy trò hồi hộp đợi. Hôm nay, được đón đoàn, quả thực chúng tôi chẳng biết nói gì vì mọi lời nói đều là khách sáo. Nhưng tôi tin rằng những cuốn vở, tấm áo ấm… mà đoàn dành tặng sẽ là nguồn động viên thật lớn đối với thầy trò chúng tôi, sẽ tiếp thêm động lực cho thầy trò chúng tôi vượt khó, để cố gắng dạy tốt hơn, học tốt hơn trong những ngày tới…
Rời Sín Chải, đoàn muốn ghé thăm 1 điểm trường chỉ cách đó khoảng 5km, nhưng rồi tình trạng sạt lở đất đã ngăn ô tô qua lại. Thời gian lại chẳng còn nhiều để đoàn lội bộ, đành phải đi thẳng sang Phúc Khoa.
Tại địa điểm này, đoàn cùng với đại diện UBND huyện và toàn thể các thầy cô giáo của Trường Mầm non Phúc Khoa đã tổ chức cất nóc phòng học ở điểm trường mầm non bản Hô Bon. Phòng học rộng 50m2 cao ráo, được Báo Điện tử Chính phủ cùng các nhà hảo tâm đóng góp xây dựng theo tiêu chí "ba cứng" và hy vọng sẽ giúp các cháu nhỏ “đương đầu” được với gió rét, mưa lạnh.
Phòng học ở điểm trường mầm non bản Hô Bon do Báo Điện tử Chính phủ cùng các nhà hảo tâm đóng góp xây dựng - Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Cô Vũ Thị Loan, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, cả trường có 341 học sinh với 15 lớp. Tuy nhiên, điều kiện vật chất còn rất hạn chế, nhiều điểm vẫn phải dạy nhờ ở nhà dân, nhà văn hóa thôn. Tại điểm trường Hô Bon có tất cả 65 cháu nhỏ người Mông theo học, nhưng không đủ phòng, nên các cô đành phải dành 1 gian nhà công vụ (rộng 15m2) làm phòng học cho các cháu.
Phó Chủ tịch huyện Tân Uyên Nguyễn Thanh Văn bày tỏ, trong lĩnh vực giáo dục, Tân Uyên là một trong những đơn vị dẫn đầu toàn tỉnh. Tuy nhiên do điều kiện khó khăn chung, nên cơ sở vật chất các trường, nhất là ở bậc học mầm non còn rất thiếu thốn. Chính vì vậy, phòng học mới mà đoàn trao tặng là món quà thiết thực để các em nhỏ người dân tộc Mông trong bản được học ở nơi rộng rãi hơn, ấm áp hơn.
Trao quà tận tay cho các em nhỏ, Phó Tổng giám đốc Cổng TTĐT Chính phủ Lê Việt Đông xúc động chia sẻ, trong điều kiện khó khăn thiếu thốn vật chất, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, các thầy cô với tình cảm yêu trẻ, yêu trường vô bờ đã vượt qua mọi trở ngại “cõng chữ lên núi” để vun trồng những mầm non. Món quà chúng tôi mang lên đây giá trị không lớn về vật chất, nhưng đó là tấm lòng của những người miền xuôi với mong muốn được chia sẻ 1 phần khó khăn, góp thêm động lực để các thầy cô làm tốt sự nghiệp trồng người…
Ba ngày công tác qua thật nhanh. Đoàn trở về Hà Nội mang theo hình ảnh những ánh mắt trong veo của các em nhỏ miền sơn cước và nụ cười ấm áp của các thầy các cô, những người để lại tuổi xuân nơi phố thị, cõng chữ lên non… Những hình ảnh ấy sẽ còn đọng mãi.
Một thành viên trong đoàn chia sẻ trên facebook: “Những ngôi trường thưng ván gỗ không ngăn nổi gió lạnh cắt thịt của miền núi đá cheo leo, những thầy cô hy sinh tuổi xuân mang con chữ lên vùng cao, những em học sinh vượt cả trăm thước "dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm" vì một ngày mai tươi sáng hơn. Thương nhiều lắm các thầy cô, các em. Mong ngày gặp lại”…
Nhìn lại những năm qua, không khó để nhận thấy rằng, dù Đảng, Nhà nước luôn đau đáu với sự nghiệp giáo dục nước nhà, nhưng do điều kiện ngân sách có hạn, việc đầu tư xây dựng trường học ở vùng cao, vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn, nơi biên giới, hải đảo vẫn chưa thể đáp ứng hết được nhu cầu thực tế. Chung sức với Nhà nước, mỗi năm, hàng trăm, hàng ngàn cơ quan, đơn vị, cá nhân, doanh nghiệp với tình cảm của mình, với những điều kiện, phương thức khác nhau đã quyên góp tiền bạc, hiện vật, chia sẻ khó khăn, cùng nhau tiếp sức “nhen lửa sưởi ấm” nơi biên viễn. Nhưng với thầy trò ở những mảnh đất xa xôi nghèo khó ấy, thế vẫn là chưa đủ.
Cần lắm những tấm lòng!
Bình Minh