![]() |
Học viên trung tâm Nhị Xuân trong giờ học. Ảnh: VGP/Phan Hoàng |
Người thầy áo xanh
Với tất cả học viên nơi đây, hình ảnh người thầy khoác trên mình màu đồng phục xanh cỏ úa đã trở nên thân quen.
Học viên Mạnh Hải cho biết những ngày đầu khi được gia đình đưa đến Trung tâm Nhị Xuân, em luôn cảm thấy bất an và lo lắng. Dù cơ thể đã vơi bớt cơn thèm ma túy nhưng cảm giác bị quản lý khiến Hải cảm thấy vô cùng bức bối, nỗi nhớ gia đình theo đó lại càng dâng cao. Thậm chí có những lúc học viên này nảy sinh nhiều ý nghĩ tiêu cực.
Bằng nhiều cách khác nhau các thầy đã động viên, chia sẻ, hướng Hải tham gia vào các hoạt động vui chơi, giải trí, tham gia các lớp học chuyên đề. Lúc rảnh rỗi, các thầy cũng thường xuyên tâm sự với Hải về những giá trị của cuộc sống, hỏi han chuyện gia đình, khuyên bảo Hải phải thật cố gắng chịu đựng để làm người có ích. Chính sự quan tâm, lo lắng, giúp đỡ tận tình của các thầy đã giúp Hải loại bỏ hết những ý nghĩ tiêu cực trong đầu, dần tỉnh ngộ để tập trung học tập.
Minh Nguyệt - một học viên nữ tại Trung tâm cho biết, trước đây thường theo đám bạn tụ tập ăn chơi đua đòi rồi mắc nghiện. Từ khi đến Trung tâm và được các thầy cô hướng dẫn, dìu dắt tham gia các hoạt động của đội như: phụ bán căn tin, quản lý phòng game…, nhận thấy Nguyệt có khả năng ăn nói lưu loát, các thầy cô hướng dẫn Nguyệt trở thành tình nguyện viên giáo dục. Từ đó đến nay, Nguyệt luôn chủ động chia sẻ, giúp đỡ với những học viên có hoàn cảnh khó khăn.
Với Nguyệt, những lời nói, cử chỉ ân cần của các thầy cô giáo còn ẩn chứa cả tình cảm của những thành viên trong một gia đình thực sự.
![]() |
Học viên Trung tâm tham gia thi kéo co. Ảnh: VGP/Phan Hoàng |
Gần gũi, chia sẻ, giúp đỡ học viên
Gần 20 năm làm công tác cai nghiện ma túy, ấy cũng là khoảng thời gian tập thể cán bộ nhân viên Trung tâm trăn trở, không ngừng nỗ lực tìm tòi những giải pháp tốt nhất cho công tác quản lý, giáo dục học viên cai nghiện. Những nỗ lực của họ được học viên và gia đình học viên ghi nhận, gọi Nhị Xuân là “mảnh đất tình người”.
Anh Võ Quốc Dũng - Đội trưởng Đội tự nguyện Trung tâm Nhị Xuân cho biết, Trung tâm Nhị Xuân được chia thành 3 khu vực chính là: khu cai nghiện tự nguyện, khu cai nghiện theo nghị định và khu còn lại cho học viên nữ.
Trước khi vào các khu này, học viên phải trải qua giai đoạn cắt cơn từ một đến hai tuần. Đây là giai đoạn khó khăn nhất. Sau khi hoàn thành giai đoạn này, học viên sẽ được chuyển qua khu vực chuyển tiếp để hòa nhập, học nội quy, trật tự nội vụ và phòng chống các bệnh lây nhiễm. Cuối cùng học viên sẽ được bố trí tới các khu vực nói trên và bắt đầu được hướng dẫn dạy nghề, tư vấn tâm lý.
Công việc của giáo dục viên không hề đơn giản. Hàng ngày họ phải theo dõi tâm lý, sinh hoạt của học viên. Theo anh Dũng, để hiểu họ và họ hiểu mình thì gần như phải ăn chung, ngủ chung với học viên. Anh kể, có lần anh khóa cửa vào ngủ cùng phòng với hơn 70 học viên. “Đêm đó, tôi gần như không ngủ được. Thế nhưng một ngày, rồi những ngày tiếp theo họ bắt đầu coi chúng tôi như người thân, bắt đầu tâm sự, đôi khi là những chuyện rất cá nhân. Cũng vì những cách làm này, giáo dục viên được họ gọi thầy, cô mà khi mới vào trường, họ chưa bao giờ dám nghĩ đến”, anh Dũng nhớ lại.
![]() |
Chăm sóc điều trị cắt cơn cho học viên cai nghiện tại Trung tâm Nhị Xuân. Ảnh: VGP/Phan Hoàng |
Phụ trách chính của giai đoạn cắt cơn, bác sĩ Hán Thị Hồng Tuyến - Trưởng phòng Y tế của Trung tâm cho biết, công việc hàng ngày của chị bắt đầu từ sáng sớm. Sau khi học viên ăn sáng xong, chị sẽ cùng các y bác sĩ ở đây khám sức khỏe cho họ. Gian nan nhất là trường hợp những học viên vừa mới vào Trung tâm vì thông thường, họ sẽ được tách riêng ra từng nhóm nhỏ bốn người một phòng.
Ở giai đoạn này, tâm lý học viên không ổn định và rất dễ trở nên nguy hiểm. Có học viên trong cơn “vã” ma túy thậm chí còn gí kéo vào cổ bác sỹ để được về nhà. Chị Tuyến vẫn nhớ hôm đó, khi vừa khám cho một học viên xong thì anh này tự giác đứng dậy về phòng. Đi một đoạn, thấy xe thuốc và dụng cụ y tế gần đó anh ta bèn chụp lấy cây kéo, quay lại khống chế chị. Rất may, anh em có mặt kịp thời giải vây nên không bị thương tích gì. Sau hôm đó về nhà, chị Tuyến vẫn còn run lẩy bẩy nhưng không dám kể với gia đình vì sợ mọi người bắt nghỉ việc.
Từ nhiều năm nay, với rất nhiều người không may “vướng” phải ma túy thì tình cảm chân thành và nhiệt huyết của tập thể cán bộ nhân viên Trung tâm Nhị Xuân đã giúp họ làm lại cuộc đời. Dù công việc vô cùng vất vả và có phần nguy hiểm, nhưng ngày ngày đội ngũ cán bộ Trung tâm vẫn luôn cố gắng khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ, sát cánh cùng những học viên cai nghiện ma túy, tận tình nâng đỡ họ vượt qua khó khăn để chiến thắng “cái chết trắng”.
Phan Hoàng