Ảnh minh họa |
Quyết định nêu rõ, giữ nguyên phạm vi và ranh giới lập quy hoạch tại Quyết định số 2084/QĐ-TTg ngày 22/11/2011, cụ thể: Toàn bộ ranh giới hành chính thành phố Nam Định; huyện Mỹ Lộc; các xã: Đại An, Thành Lợi và Tân Thành của huyện Vụ Bản và các xã: Nam Mỹ, Nam Toàn, Hồng Quang, Điền Xá và Nghĩa An của huyện Nam Trực. Quy mô lập quy hoạch khoảng 18.799 ha.
Mục tiêu điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Nam Định với những vị thế và xu hướng phát triển mới, trong bối cảnh hội nhập quốc tế và toàn cầu hoá, khai thác có hiệu quả những tiềm năng phát triển của thành phố theo hướng phát triển bền vững. Xây dựng Nam Định thành một thành phố văn minh, thân thiện với môi trường với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại phòng tránh hiệu quả thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Dự báo dân số thành phố Nam Định đến năm 2030 khoảng 520.000 - 547.000 người, đến năm 2040 khoảng 600.000 - 621.000 người.
Xây dựng các chương trình và dự án có tính khả thi cao
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu trọng tâm cần nghiên cứu là rà soát nội dung quy hoạch chung đã được phê duyệt năm 2011 và đối chiếu, rà soát với tình hình thực tiễn phát triển đô thị tại thành phố Nam Định. Nghiên cứu các định hướng từ các quy hoạch cấp trên và các biến động mới về phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, vùng, tỉnh để tìm ra các vấn đề cần điều chỉnh trong quy hoạch chung lần này. Dự báo các nhu cầu phát triển trong giai đoạn mới, trong bối cảnh phát triển mới. Xây dựng tầm nhìn và các chiến lược mới để phát triển thành phố từ nay đến 2040 và tầm nhìn 2050 theo hướng bền vững. Đề xuất các điều chỉnh về cấu trúc đô thị, về phân khu chức năng, bố trí các trung tâm đô thị, quy hoạch về sử dụng đất, quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật, các giải pháp bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu. Đề xuất các giải pháp về thiết kế đô thị và quản lý đô thị theo quy hoạch. Xây dựng các chương trình và các dự án chiến lược ưu tiên đầu tư. Các chương trình và dự án có tính khả thi cao, có tính linh hoạt, đáp ứng các nhu cầu trước mắt về phát triển cũng như có tính ổn định lâu dài là động lực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của thành phố.
Nội dung hồ sơ quy hoạch đáng chú ý là đánh giá hiện trạng. Cụ thể là phân tích đánh giá các đặc điểm tự nhiên về địa hình, khí hậu, thủy văn, địa chất..., đặc điểm cảnh quan sinh thái, tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên văn hóa du lịch thành phố Nam Định và các khu vực phụ cận có ảnh hưởng đến định hướng phát triển thành phố Nam Định. Đánh giá về quỹ đất xây dựng trên cơ sở phân vùng xây dựng thuận lợi, không thuận lợi và cấm xây dựng. Đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội: Thực trạng phát triển các ngành, lĩnh vực chủ yếu: Du lịch, thương mại, dịch vụ, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp... Hiện trạng dân cư, lao động, việc làm. Rà soát các chương trình, dự án, đồ án có liên quan và tình hình thực hiện Quy hoạch chung năm 2011 đến nay. Đánh giá tổng hợp hiện trạng, đề xuất các nội dung trọng tâm cần điều chỉnh trong quy hoạch mới.
Định hướng phát triển không gian, phân khu chức năng, sử dụng đất, kiến trúc cảnh quan và thiết kế đô thị cần lựa chọn phương án điều chỉnh về cấu trúc đô thị đảm bảo khai thác tối đa các lợi thế về điều kiện tự nhiên, đất đai và hạ tầng. Lưu ý khai thác các yếu tố về cảnh quan tự nhiên, mặt nước (sông Đào, sông Hồng, sông Vĩnh Giang) vào khai thác trong không gian đô thị. Xác định phạm vi, quy mô các khu chức năng của đô thị cần điều chỉnh. Điều chỉnh, phân bố lại các đơn vị ở; hệ thống các trung tâm đô thị; hệ thống công viên cây xanh, thể dục thể thao; các khu, cụm công nghiệp tiểu thủ công nghệ, kho tàng, bến bãi... và các khu chức năng khác. Đề xuất điều chỉnh các trung tâm đô thị, các khu chức năng phải phù hợp với tình hình hiện trạng, nhu cầu đầu tư và phát triển của thành phố để đảm bảo tính khả thi khi triển khai…