Ảnh minh họa |
Năm 2020 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, năm cuối của nhiệm kỳ, của kế hoạch 5 năm 2016 - 2020, chuẩn bị, tạo đà cho kế hoạch 5 năm 2021 - 2025, Chiến lược 10 năm 2021 - 2030, là năm tổ chức nhiều sự kiện, kỷ niệm những ngày lễ lớn, 90 năm thành lập Đảng, 75 năm thành lập Nước, 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 90 năm ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp và Quốc hội khóa XV.
6 trọng tâm chỉ đạo điều hành
Kế thừa những kết quả quan trọng và toàn diện đã đạt được, phát huy mạnh mẽ tinh thần đổi mới, thành tựu tích cực trong công tác chỉ đạo, điều hành từ đầu nhiệm kỳ, với quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ, mục tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2020, góp phần hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 – 2020 và Chiến lược 10 năm 2011 – 2020, Chính phủ xác định phương châm hành động của năm 2020 là “Kỷ cương, liêm chính, hành động, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả” với 6 trọng tâm chỉ đạo, điều hành như sau:
Một là, tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, khơi thông nguồn lực, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi; nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành và thực thi pháp luật.
Hai là, tập trung ổn định kinh tế vĩ mô; kiểm soát lạm phát; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế. Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng thực chất, hiệu quả hơn; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án quan trọng quốc gia, công trình trọng điểm; phát huy vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn.
Ba là, phát triển kinh tế nhanh và bền vững, thực chất hơn gắn với phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân. Phát triển, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Tăng cường quản lý đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Bốn là, thực hiện nghiêm việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế; cải cách hành chính. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, quyết liệt phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Năm là, củng cố quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế; giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển; nâng cao uy tín và vị thế quốc gia trên trường quốc tế. Triển khai và tổ chức thực hiện có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên; thực hiện tốt vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020, Chủ tịch AIPA 41, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 – 2021.
Sáu là, chủ động thực hiện tốt công tác thông tin, truyền thông, tạo đồng thuận xã hội, lan tỏa khát vọng xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường; phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể các cấp; phát huy tinh thần thi đua yêu nước, đổi mới sáng tạo ở tất cả các ngành, các cấp; tổ chức tốt các sự kiện, lễ kỷ niệm lớn của đất nước.
10 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu
Nghị quyết đưa ra 10 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu năm 2020 gồm: 1- Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng đồng bộ, hiện đại, hội nhập, bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu đổi mới sáng tạo và phát triển; tổ chức thi hành pháp luật nghiêm minh; 2- Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, tạo nền tảng cho phát triển nhanh và bền vững; 3- Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh một cách thực chất, hiệu quả hơn; 4- Huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, đẩy mạnh xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, phát huy vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn; 5- Tập trung nâng cao chất lượng nguồn lực gắn với đổi mới sáng tạo và phát triển, ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại, đáp ứng nhu cầu thị trường với số lượng lớn, cơ cấu ngành, nghề hợp lý, có cơ chế phù hợp thu hút, trọng dụng nhân tài; 6- Chú trọng phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; 7- Tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai; 8- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh cải cách hành chính, thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và quyết liệt đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; 9- Củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, kết hợp chặt chẽ, hiệu quả nhiệm vụ quốc phòng, an ninh với phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế; 10- Đẩy mạnh công tác thông tin, báo chí, truyền thông, tranh thủ sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể các cấp.
Ban hành Chương trình, Kế hoạch hành động trước 20/1/2020
Nghị quyết nêu rõ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quán triệt phương châm phát huy tối đa các mặt tích cực, kết quả đạt được trong năm 2019 và từ đầu nhiệm kỳ, khẩn trương khắc phục hiệu quả các hạn chế, bất cập; theo chức năng, nhiệm vụ được giao, nghiêm túc triển khai thực hiện nhanh, hiệu quả, thiết thực và toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp đã được đề ra tại Kết luận số 63-KL/TW ngày 18/10/2019 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Nghị quyết số 85/2019/NQ14 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, các Nghị quyết khác của Đảng, Quốc hội và các nhiệm vụ, giải pháp nêu tại Nghị quyết này, chủ động triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể của bộ, ngành, địa phương mình, kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh, tạo chuyển biến rõ nét ngay từ đầu năm; chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện của Bộ, ngành, địa phương mình.
Trước ngày 20/1/2020, xây dựng, ban hành Chương trình, Kế hoạch hành động, các văn bản cụ thể triển khai thực hiện Nghị quyết; trong đó xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, tiến độ thực hiện và phân công đơn vị chủ trì, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2020.
Thường xuyên kiểm tra, giám sát tiến độ và kết quả thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao; định kỳ hằng quý, tổng hợp, đánh giá tình hình thực hiện các nhiệm vụ cụ thể cho các ngành, lĩnh vực năm 2020, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 20 tháng cuối quý để tổng hợp, báo cáo Chính phủ.
Thường xuyên theo dõi, đánh giá, cập nhật kịch bản tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2020 theo giá so sánh 2010; việc thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020; phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu được giao.
Tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đồng gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 20/11/2020 để tổng hợp, báo cáo Chính phủ tại Phiên họp Chính phủ tháng 12/2020.
Các bộ, ngành tổng hợp, phụ trách theo dõi các lĩnh vực kinh tế vĩ mô có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ, hiệu quả trong tham mưu, đề xuất các giải pháp, biện pháp cụ thể điều hành kinh tế vĩ mô, kịp thời báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và cơ quan liên quan đôn đốc, theo dõi, kiểm tra tình hình thực hiện Nghị quyết này.
Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, các cơ quan thông tấn, báo chí, các bộ, ngành trung ương và địa phương tổ chức phổ biến, tuyên truyền rộng rãi Nghị quyết này.
Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6,8%
Nghị quyết nêu rõ, đối với các chỉ tiêu chủ yếu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, mục tiêu phấn đấu năm 2020 của Chính phủ như sau: 1- Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6,8%; 2- Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân < 4%; 3- Tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu khoảng 8%; 4- Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu < 2%; 5- Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so GDP từ 33 – 34%; 6- Mức giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều từ 1 – 1,5%, trong đó, giảm tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo 4%; 7- Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị < 4%; 8- Tỷ lệ lao động qua đào tạo 65%, trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ 25%; 9- Số giường bệnh trên 1 vạn dân (không tính giường trạm y tế xã) 28 giường bệnh; 10- Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế 90,7%; 11- Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường 90%; 12- Tỷ lệ che phủ rừng 42%.
Kịch bản tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2020 theo giá so sánh 2010 được nêu rõ như sau: GDP Quý I (6,52 – 6,77%); Quý II (6,65 – 6,87%); 6 tháng (6,59 – 6,83%); Quý III (7,11 – 7,37%); 9 tháng (6,79 – 7,03%); Quý IV (6,81 – 6,93%); cả năm (6,8 – 7%).
Nông, lâm nghiệp và thủy sản Quý I (2,55 – 2,84%); Quý II (2,63 – 2,99%); 6 tháng (2,61 – 2,94%); Quý III (2,99 – 3,12%); 9 tháng (2,74 – 3,01%); Quý IV (3 – 3,3%); cả năm (2,91 – 3%).
Công nghiệp và xây dựng Quý I (7,9%); Quý II (8,72%); 6 tháng (8,36%); Quý III (9,3%); 9 tháng (8,72%); Quý IV (8,08%); cả năm (8,5%).
Dịch vụ Quý I (6,46 – 6,98%); Quý II (6,66 – 7,11%); 6 tháng (6,57 – 7,05%); Quý III (6,71 – 7,31%); 9 tháng (6,62 – 7,15%); Quý IV (6,99 – 7,41%); cả năm (6,74 – 7,24%).
Thuế sản phẩm trừ Trợ cấp Quý I (6,1%); Quý II (6,4%); 6 tháng (6,26%); Quý III (6,3%); 9 tháng (6,28%); Quý IV (6,03%); cả năm (6,2%).
Một số chỉ tiêu cụ thể cho các ngành, lĩnh vực năm 2020 được nêu rõ như sau: Tỷ lệ nợ xấu nội bảng < 2%; tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ xấu đã bán cho Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và nợ đã thực hiện các biện pháp phân loại nợ (không bao gồm nợ xấu của các ngân hàng thương mại yếu kém) < 3%; tỷ lệ động viên vào ngân sách nhà nước (NSNN) 22,2%; tỷ lệ nợ đọng thuế < 5%; tăng thu so với dự toán NSNN 3 %; tỷ trọng chi thường xuyên (không bao gồm chi cải cách tiền lương và tinh giản biên chế) 60,5%; tỷ trọng chi đầu tư phát triển 27 – 27,5%; bội chi NSNN so GDP 3,44%; dư nợ công trên GDP 54,3%; nợ Chính phủ trên GDP 48,5%; nợ nước ngoài trên GDP 45,5%.
Bên cạnh đó, tỷ lệ về số gói thầu thực hiện đấu thầu qua mạng 60%; tỷ lệ về giá trị gói thầu thực hiện đầu thầu qua mạng 25%; tăng trưởng thị trường thương mại điện tử B2C 25%; tỷ lệ doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử 50%; điện sản xuất và mua năm 2020 là 265,4 tỷ Kwh, diện tích nhà ở bình quân cả nước 24 m2 sàn/người; tỷ lệ đô thị hóa 40%.
Tỷ số giới tính của trẻ em mới sinh là 114,6 số bé trai/100 bé gái; số bác sỹ/ 1 vạn dân là 9 bác sĩ; tỷ lệ trạm y tế xã, phường, thị trấn có bác sỹ làm việc 94%; tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi được tham gia bảo hiểm xã hội 33,5%; tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới 59%.
Về cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến của Bộ Y tế đạt mức 4 là 100%; tỷ lệ các bộ, ngành, địa phương kết nối với Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia 90%; tinh giản biên chế công chức 2%; tinh giản biên chế viên chức (hưởng lương từ ngân sách nhà nước) 2,5%; tỷ lệ tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của các bộ, ngành, địa phương trên Cổng Dịch vụ công quốc gia 30%; tỷ lệ gửi nhận văn bản điện tử 4 cấp chính quyền 100%.
Ngăn chặn, xử lý nghiêm, kịp thời các thông tin xấu, độc, sai sự thật mà phát hiện và xã minh được trên mạng xã hội từ 70 – 80%.
Một số nhiệm vụ cụ thể cho các ngành, lĩnh vực
Một số nhiệm vụ cụ thể cho các ngành, lĩnh vực năm 2020 được Nghị quyết nêu rõ như sau: Về xây dựng hệ thống pháp luật, theo dõi thi hành pháp luật, tổ chức xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm giai đoạn 2021 – 2025 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, thời hạn hoàn thành năm 2020; ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, Bộ Công Thương chủ trì, hoàn thành tháng 2/2020; Bộ Công Thương cũng chủ trì sửa đổi Biểu giá bán lẻ điện cho khách hàng sinh hoạt trong Quý I/2020; ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật quản lý thuế trong tháng 1/2020; ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để quy định chi tiết Luật chứng khoán (sửa đổi) năm 2020; Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23/8/2016 quy định chi tiết và hướng dẫn thị hành một số điều của Luật phí và lệ phí trong tháng 5/2020; hoàn thiện hành lang pháp lý về quản lý đầu tư, xây dựng và phát triển đô thị; ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 06/2016/NĐ-CP quy định quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình; ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 181/2013/NĐ-CP hướng dẫn Luật quảng cáo…
Về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, thúc đấy tăng trưởng, trong năm 2020, Bộ Công Thương chủ trì xây dựng Đề án Tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn 2021 – 2030; ban hành và triển khai thực hiện Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; ban hành và triển khai thực hiện Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021 – 2025…
Về cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử, trong năm 2020, bộ Tư pháp chủ trì xây dựng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử gắn với tổ chức thực hiện đề án Tổng thế đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013 – 2020; xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính, phấn đấu đưa vào vận hành từ năm 2021; Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng chiến lược phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến 2030, thời gian hoàn thành là tháng 12/2020; trong năm 2020, xây dựng Đề án Chính phủ điện tử giai đoạn 2021 – 2025…