![]() |
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc. |
Theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc, thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên quan đến cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành (KTCN) đối với hàng hóa xuất nhập khẩu và việc đơn giản hóa, cắt giảm điều kiện kinh doanh (ĐKKD), một số Bộ ngành đã có hành động cụ thể.
Tuy nhiên, thống kê cho thấy kết quả thực tế của các hành động này có lẽ là vẫn chưa được như mong đợi.
Về việc giảm số mặt hàng phải KTCN, trên thực tế, cho đến nay mới chỉ có khoảng 6% các mặt hàng được đưa ra khỏi diện phải KTCN. Về thời gian cho KTCN, mặc dù có nhiều cải cách về thủ tục, tới nay thời gian KTCN trung bình vẫn là 76 giờ/thủ tục, cao hơn xấp xỉ ba lần so với các nước ASEAN-4.
Nhiều hoạt động kiểm tra chuyên ngành còn chưa rõ ràng về các loại hàng hóa phải thực hiện kiểm tra (không có Danh mục hàng hóa cụ thể phải kiểm tra). Điều này sẽ gây bất cập trong thực tế triển khai khi các chủ thể áp dụng sẽ khó khăn trong nhận diện các loại hàng hóa phải được kiểm soát.
Một số biện pháp quản lý về an toàn thực phẩm còn chưa áp dụng theo cơ chế quản lý mới, trong khi Nghị định 15/2018/NĐ-CP, văn bản cơ sở cho vấn đề này, đã có những thay đổi căn bản về cơ chế quản lý.
Một ví dụ khác cho thấy những bất cập là sự chồng lấn và thiếu rõ ràng về cơ chế quản lý về an toàn thực phẩm với hoạt động kiểm dịch động vật, kiểm dịch thực vật. Cụ thể, theo quy định tại các thông tư của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sẽ có nhiều loại hàng hóa có nguồn gốc thực vật sẽ phải thực hiện hai lần kiểm tra chuyên ngành: kiểm tra an toàn thực phẩm và kiểm dịch thực vật, do cùng một cơ quan nhà nước thực hiện.
Nhiều cải cách chưa triệt để
Về cắt giảm các điều kiện kinh doanh, cho đến tháng 6/2018, mới chỉ có Nghị định về cắt giảm các điều kiện kinh doanh thuộc quản lý chuyên ngành của Bộ Công Thương là đã được ban hành, còn các hoạt động cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh của các Bộ khác vẫn đang trong quá trình xây dựng.
“Hiện tại, VCCI biết được thông tin về các Nghị định về điều kiện kinh doanh đang được xây dựng của các Bộ là Nông nghiệp, Xây dựng, Tài chính, Y tế, Tài nguyên và Môi trường, Giáo dục và Đào tạo, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Bộ Tư pháp”, ông Vũ Tiến Lộc cho biết.
Cùng với đó, chất lượng đơn giản hóa, cắt giảm điều kiện kinh doanh thì chưa đồng đều, có tình trạng chạy theo con số, mang tính đối phó, không thực chất. Ví dụ với dịch vụ xếp hạng tín nhiệm, quy định hiện hành về điều kiện là “Có phương án kinh doanh bao gồm các nội dung cơ bản: i) Kế hoạch kinh doanh; ii) Dự kiến doanh thu và chi phí hoạt động; iii) Kế hoạch nhân sự; iv) Dự kiến các nguồn dữ liệu sử dụng”.
Thế nhưng qua rà soát thì cơ quan chức năng chỉ đề xuất bỏ nội dung “dự kiến doanh thu và chi phí hoạt động”, có nghĩa doanh nghiệp vẫn phải có phương án kinh doanh. Trong khi đó, việc yêu cầu doanh nghiệp phải có phương án kinh doanh là chưa hợp lý khi can thiệp vào quyền tự chủ của doanh nghiệp, không có tính khả thi và ít có tính thực tiễn.
Một số điều kiện được đề xuất bãi bỏ, song không đi vào cốt lõi. Tính cải cách trong các phương án rà soát chưa thực sự triệt để. Phần lớn đề xuất trong các phương án mới chỉ dừng lại việc xem xét các điều kiện kinh doanh hiện hành ở trong Nghị định. Các kiến nghị chủ yếu xoay quanh sửa đổi, bổ sung Nghị định mà chưa mở rộng đánh giá các điều kiện kinh doanh chứa đựng trong Luật.
Ví dụ, một trong những điều kiện của “kinh doanh dịch vụ đại lý tàu biển” là phải có bộ phận/cán bộ phụ trách pháp chế, quy định trong Bộ luật Hàng hải, Nghị định 160/2016/NĐ-CP chỉ hướng dẫn chi tiết. Đây được xem là điều kiện chưa phù hợp, can thiệp một cách bất hợp lý vào quyền tự chủ của doanh nghiệp, đã được doanh nghiệp phản ánh rất nhiều lần. Tuy nhiên, vẫn không đề xuất bỏ, bởi vì “vướng” Luật và phải chờ đến khi sửa Luật.
Đáng lưu ý, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng dường như vẫn có sự khác biệt về quan điểm giữa các Bộ trong việc sửa đổi các điều kiện kinh doanh. Trong đợt rà soát lần này, nhiều điều kiện liên quan đến vốn đã được xem xét, trong đó có nhiều điều kiện đã được đề xuất bỏ.
Ví dụ, kinh doanh dịch vụ nhập khẩu pháo hiệu hàng hải, phương án đưa ra đề xuất bỏ điều kiện “khi thành lập phải có số vốn tổi thiểu 2 tỷ đồng và duy trì trong suốt quá trình hoạt động” cũng như các điều kiện kinh doanh khác.
Trong khi đó, nhiều ngành, nghề kinh doanh, mặc dù vốn không phải là yếu tố đặc thù, nhưng vẫn được giữ lại với những đề xuất đơn giản hóa, ví dụ “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vẫn yêu cầu vốn điều lệ hai tỷ đồng.
Thanh Hằng