Về vấn đề này, Bộ Tài chính trả lời cử tri tỉnh Long An như sau:
Hiện nay, Chính phủ đang có chương trình hỗ trợ cho cá nhân, tổ chức sản xuất nông nghiệp thông qua bảo hiểm nông nghiệp tại Nghị định số 58/2018/NĐ-CP ngày 18/4/2018 của Chính phủ và Quyết định số 22/2019/QĐ-TTg ngày 26/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo quy định tại Nghị định số 58/2018/NĐ-CP, bảo hiểm nông nghiệp được thực hiện theo nguyên tắc tự nguyện thỏa thuận, không giới hạn tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm, đối tượng bảo hiểm, rủi ro được bảo hiểm và phạm vi địa bàn.
Chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp được thực hiện phù hợp với khả năng cân đối ngân sách trong từng thời kỳ, thông qua việc hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp cho một số tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp, đối tượng bảo hiểm, rủi ro được bảo hiểm và trong phạm vi địa bàn nhất định nhằm thực hiện chính sách an sinh xã hội và thực hiện các chương trình mục tiêu phát triển sản xuất nông nghiệp của Chính phủ.
Trên cơ sở quy định khung về đối tượng bảo hiểm được hỗ trợ, mức hỗ trợ, rủi ro bảo hiểm được hỗ trợ, địa bàn được hỗ trợ, ngày 26/6/2019 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 22/2019/QĐ-TTg về thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm cho giai đoạn từ ngày 26/6/2019 đến hết ngày 31/12/2020.
Theo đó, cá nhân, tổ chức sản xuất nông nghiệp tại một số tỉnh, thành phố được hỗ trợ về phí bảo hiểm đối với một số cây trồng, vật nuôi và nuôi trồng thủy sản (gồm cây lúa, trâu, bò, tôm sú, tôm thẻ chân trắng) khi gặp phải thiên tai và một số dịch bệnh.
Như vậy, để giảm bớt rủi ro thiệt hại trong quá trình trồng mía và chanh, tổ chức, cá nhân có thể tham gia bảo hiểm cho 2 loại cây trồng này tại các doanh nghiệp bảo hiểm có cung cấp bảo hiểm nông nghiệp theo quy định tại Nghị định số 58/2018/NĐ-CP của Chính phủ.
Đối với chương trình hỗ trợ về phí bảo hiểm nông nghiệp cho cây mía và cây chanh, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các Bộ, ngành liên quan để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét sau khi chương trình hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp theo Quyết định số 22/2019/QĐ-TTg kết thúc.
Ngoài chương trình về bảo hiểm nông nghiệp nêu trên, Chính phủ đã ban hành các chính sách hỗ trợ trong nông nghiệp, cụ thể:
- Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 9/1/2017 về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh. Theo đó, đã có chính sách hỗ trợ diện tích cây công nghiệp và cây ăn quả lâu năm bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.
- Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Theo đó, đã quy định cụ thể các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp như: Miễn, giảm tiền sử dụng đất; miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước của Nhà nước; hỗ trợ tập trung đất đai; tiếp cận, hỗ trợ tín dụng; hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, phát triển thị trường; hỗ trợ đầu tư cơ sở...
- Nghị định số 109/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 về nông nghiệp hữu cơ, theo đó, quy định cụ thể chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp hữu cơ.
Cơ sở sản xuất kinh doanh sản phẩm hữu cơ hoặc vật tư đầu vào phục vụ cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ được ưu tiên hưởng các chính sách khuyến khích đầu tư đối với nông nghiệp, nông thôn đã được ban hành như: Chính sách hỗ trợ hợp tác xã nông nghiệp; chính sách liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, xây dựng cánh đồng lớn; chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn; chính sách cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch... Nghị định cũng quy định một số chính sách đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, hợp tác xã, trang trại, hộ gia đình, nhóm hộ sản xuất sản phẩm hữu cơ. Theo đó, hỗ trợ 100% kinh phí xác định các vùng, khu vực đủ điều kiện sản xuất hữu cơ...