In bài viết

Nhiều chuyển biến rất tích cực sau khi thực hiện Nghị quyết 128

(Chinhphu.vn) - Sau gần 1 tháng triển khai thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ, tình hình kinh tế-xã hội đã có nhiều chuyển biến rất tích cực, với nhiều điểm sáng, củng cố được niềm tin của người dân, doanh nghiệp, của nhà đầu tư về khả năng phục hồi của nền kinh tế.

09/11/2021 19:13

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng giải trình một số lý do đặc thù chậm giải ngân vốn đầu tư công. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng ghi nhận ý kiến của hầu hết các đại biểu đã thống nhất với báo cáo và đánh giá cao báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch của năm 2021 cũng như dự kiến kế hoạch kinh tế-xã hội năm 2022. Nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng, chống dịch COVID-19; hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp khắc phục khó khăn, duy trì và phục hồi phát triển sản xuất, kinh doanh; các nhiệm vụ, giải pháp về phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội, giải ngân vốn đầu tư công để giải quyết các vấn đề xã hội do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và đặc biệt là hỗ trợ cho người lao động quay trở lại làm việc; công tác quản lý nhà nước về xây dựng và hoàn thiện thể chế.

Đồng thời, các đại biểu cũng nêu ra rất nhiều các điểm đang còn tồn tại, hạn chế và gợi mở, đề xuất những giải pháp hết sức hữu ích để giúp Chính phủ có cách nhìn nhận cũng như điều chỉnh trong chỉ đạo, điều hành trong thời gian sắp tới. “Thay mặt Chính phủ, tôi xin phép được trân trọng cảm ơn những ý kiến tâm huyết, sâu sắc và trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội và xin tiếp thu, nghiên cứu, xây dựng các giải pháp trong thời gian tới. Các ý kiến xác đáng của các đại biểu giúp cho trong công tác chỉ đạo điều hành cho cuối năm 2021 và cả năm 2022”, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng phát biểu.

Các đại biểu Quốc hội đều có chung đánh giá là tình hình kinh tế-xã hội của năm 2021 gặp rất nhiều khó khăn và thách thức, nhất là tác động của đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ tư ở nhiều địa phương đã xâm nhập vào các trung tâm kinh tế, đô thị lớn, khu công nghiệp, khu chế xuất với diễn biến rất phức tạp và biến thể Delta có tốc độ lây lan nhanh hơn và nguy hiểm hơn, do vậy buộc chúng ta phải áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch chưa có tiền lệ, quyết liệt hơn để bảo vệ sức khỏe và tính mạng của nhân dân. Do đó, đời sống của nhân dân cũng như các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tăng trưởng kinh tế đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng, sức chống chịu của doanh nghiệp, người dân, nhất là những người có thu nhập thấp giảm mạnh.

Việc đạt được 8/12 chỉ tiêu do Quốc hội giao và có 4/12 chỉ tiêu không đạt, trong đó có chỉ tiêu về tốc độ tăng trưởng GDP, đã phản ánh sát tình hình thực tế của kinh tế-xã hội năm 2021 trong bối cảnh hết sức khó khăn của quý III/2021.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cũng cho biết, từ công tác phòng, chống dịch và phát triển kinh tế-xã hội vừa qua đã cho chúng ta rất nhiều bài học quý báu được nêu trong báo cáo đầy đủ, đặc biệt đã cho chúng ta thấy những bấp cập cần phải điều chỉnh kịp thời để bảo đảm phát triển an toàn hơn và bền vững hơn như nhiều đại biểu Quốc hội đã nêu.

3 bài học sâu sắc

Trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh 3 bài học sâu sắc. Thứ nhất, đại dịch xuất hiện cho thấy năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng đang còn thiếu và yếu, dẫn tới lúng túng trước những diễn biến nhanh và phức tạp của dịch bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người dân, hoạt động kinh tế, việc làm, đời sống nhân dân.

Thứ hai, thực tế cũng cho thấy năng lực quản trị xã hội, quản lý nhà nước, xử lý tình huống của chúng ta chưa đáp ứng được yêu cầu, dẫn đến lúng túng, thiếu thống nhất, thiếu đồng bộ, cục bộ địa phương làm đứt gãy quá trình lưu thông hàng hóa, chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất và tiêu thụ.

Thứ ba, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng khẳng định sức mạnh, vai trò của hệ thống chính trị và của người dân là rất lớn. Theo đó, cần phải có sự kết hợp và hỗ trợ của Trung ương, cộng đồng doanh nghiệp và bạn bè quốc tế.

Đến nay tình hình dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc. Tuy vậy, trong giai đoạn đầu mở cửa trở lại nền kinh tế, số ca nhiễm mới có thể tăng lên, nhất là tại một số địa phương có độ bao phủ vaccine còn thấp. Trong bối cảnh đó, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, các bộ, cơ quan, địa phương cần phải tiếp tục thực hiện nghiêm Nghị quyết 128 của Chính phủ, kiên định và giữ vững lập trường, quan điểm là thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, không e ngại, hoang mang, lo sợ trước diễn biến của dịch bệnh nhưng cũng tuyệt đối không lơ là, chủ quan.

Năm 2021 có một số lý do đặc thù chậm giải ngân vốn đầu tư công

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đã giải trình làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm. Thứ nhất, về đánh giá tác động của Nghị quyết 128, sau gần 1 tháng triển khai thực hiện Nghị quyết này, tình hình kinh tế-xã hội của tháng 10/2021 đã có nhiều chuyển biến rất tích cực, như trong báo cáo đã nêu, với nhiều điểm sáng và nhất là đã củng cố được niềm tin của người dân, doanh nghiệp, của nhà đầu tư về xu hướng, khả năng phục hồi của nền kinh tế. Hoạt động sản xuất, kinh doanh, di chuyển của người dân, người lao động đang dần trở lại trạng thái bình thường mới.

Thứ hai, các đại biểu Quốc hội cũng đề cập nhiều đến vấn đề giải ngân vốn đầu tư công năm 2021. Về vấn đề chậm giao kế hoạch vốn, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT  cho biết, theo quy định của Luật Đầu tư công và thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về phân bổ kế hoạch ngân sách Trung ương 2021, Chính phủ đã triển khai giao kế hoạch đầu tư công năm 2021 một lần trước ngày 31/12/2020, tức là ngay cuối năm 2020 đã giao đầy đủ. Theo đó, các bộ, ngành và địa phương phải chịu trách nhiệm phân bổ chi tiết kế hoạch vốn của các chương trình, dự án cụ thể và việc chậm phân bổ vốn kế hoạch đầu tư công tập trung ở 2 nội dung chính.

Việc giao kế hoạch vốn của 3 chương trình mục tiêu quốc gia đang trong giai đoạn phải thực hiện các thủ tục theo quy định của pháp luật và vẫn chưa xong, Chính phủ đang chỉ đạo trong tháng 11, tháng 12 phải hoàn thành toàn bộ các thủ tục để có thể giao được vốn và thực hiện được ngay vào đầu năm 2022. Riêng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội của đồng bào dân tộc, miền núi, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cho biết “trong tuần tới sẽ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét thông qua tiêu chí, nguyên tắc, định mức phân bổ, trên cơ sở đó có thể giao vốn chi tiết được ngay và có thể triển khai vào đầu tháng 12 năm nay, sớm hơn một đoạn. Còn 2 chương trình kia sẽ cố gắng hoàn thành trong tháng 12 để đầu năm 2022 chúng ta có thể triển khai được ngay”.

Việc phân bổ chi tiết của các bộ, ngành, địa phương cho các dự án cụ thể còn một phần vốn chưa thể bổ sung cho các dự án khởi công mới của năm 2021. Chính phủ cũng đang chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khẩn trương hoàn thiện thủ tục phê duyệt quyết định đầu tư theo thẩm quyền, bảo đảm đủ căn cứ để giao kế hoạch chi tiết theo quy định của Luật Đầu tư công.

Đối với phần vốn chưa phân bổ, Chính phủ đang chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khẩn trương thực hiện các thủ tục đầy đủ và sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi phân bổ theo quy định tại Nghị quyết 29 của Quốc hội.

Về giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021, báo cáo Chính phủ đã nêu rõ các nguyên nhân chậm giải ngân. Bên cạnh các nguyên nhân đã tồn tại từ lâu như chuẩn bị dự án chưa tốt, công tác giải phóng mặt bằng, thời gian điều chỉnh dự án, điều chỉnh năng lực của Ban Quản lý, năng lực nhà thầu..., Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cho biết riêng năm 2021 còn có một số lý do đặc thù.

Đó là, năm 2021 chúng ta tổ chức Đại hội Đảng và bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, kiện toàn bộ máy tổ chức nhân sự mới. Năm đầu chúng ta thực hiện kế hoạch đầu tư công của giai đoạn 2021-2025. Năm đầu chúng ta cũng thực hiện Luật Đầu tư công năm 2019, do vậy đang tập trung vào các dự án chuyển tiếp và đang chuẩn bị đầu tư vào các dự án năm 2022 mới thực hiện được.

Bên cạnh đó còn do tác động của COVID-19, giãn cách xã hội, dẫn đến ảnh hưởng tiến độ và giá cả nguyên vật liệu tăng rất cao.

Liên quan đến sửa đổi các luật mà các đại biểu Quốc hội đã nêu, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cho biết, được phép của Quốc hội, Chính phủ đang hoàn thiện dự án luật để sửa đổi 10 luật, trong đó sẽ giải quyết tất cả những vấn đề đang còn vướng mắc trong Luật Đầu tư công để đẩy nhanh phân cấp, phân quyền, đẩy nhanh tiến độ hơn theo ý kiến của các đại biểu.

Về giải phóng mặt bằng, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cho hay Chính phủ cũng đang trình Quốc hội một đề án trong thời gian tới là tách giải phóng mặt bằng và tái định cư thành một đề án riêng để cho phép thực hiện trước, đảm bảo rút ngắn thời gian, tiến độ thực hiện dự án.

Hải Liên