Trong những năm gần đây, ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) tại Việt Nam đã và đang có những bước "chuyển mình" tích cực với khoảng 2.000 DN sản xuất phụ tùng, linh kiện, trong đó có khoảng 300 DN tham gia vào chuỗi cung ứng đa quốc gia, tạo việc làm cho hơn 600.000 lao động. Ước tính số DN đang hoạt động trong lĩnh vực CNHT hiện đã chiếm gần 4,5% tổng số DN của ngành công nghiệp chế biến-chế tạo.
Thời gian qua, Chính phủ đã luôn khuyến khích và tạo điều kiện, cơ chế tốt nhất để phát triển CNHT. Nghị quyết 115/NQ-CP cũng đã đặt ra mục tiêu, năm 2025, DN Việt Nam phải đảm bảo khả năng sản xuất các sản phẩm CNHT có tính cạnh tranh cao, đáp ứng được 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng nội địa, chiếm 11% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp.
TPHCM với vai trò là trung tâm kinh tế lớn của phía nam và cả nước, nơi tập trung rất đông các DN công nghiệp và CNHT của cả nước, thời gian qua đã có nhiều chương trình, chính sách nhằm hỗ trợ các DN công nghiệp phát triển.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cho biết, những năm gần đây, TPHCM đã tạo điều kiện cho DN sản xuất công nghiệp trên địa bàn Thành phố liên kết cung ứng cho các tập đoàn đa quốc gia, để tiếp nhận chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm quản trị sản xuất và từng bước hiện đại hóa sản xuất trong nước tiến tới tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu; đồng hành cùng DN trong quá trình đổi mới công nghệ mở rộng sản xuất.
TPHCM cũng hỗ trợ các DN CNHT, công nghiệp chủ lực thông qua việc kích cầu đầu tư. Theo thống kê, đến tháng 8/2022, Sở Công Thương đã phối hợp với các sở, ban, ngành tham mưu UBND Thành phố phê duyệt 32 dự án đầu tư của 28 DN CNHT trên địa bàn với tổng mức đầu tư là hơn 2.336 tỷ đồng. Trong đó số vốn vay được ngân sách hỗ trợ lãi vay là hơn 1.312 tỷ đồng; bình quân số vốn đầu tư một dự án là 73 tỷ đồng, bình quân số vốn vay được ngân sách hỗ trợ lãi vay mỗi dự án là hơn 41 tỷ đồng. Mức hỗ trợ lãi vay cho các dự án lĩnh vực CNHT trợ là 100% trong thời gian tối đa 7 năm.
Vào cuối tháng 8 vừa qua, UBND TPHCM đã ban hành kế hoạch thực hiện chương trình phát triển CNHT trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2022-2023.
Theo đó, TPHCM hỗ trợ DN CNHT đầu tư phát triển, mở rộng thị trường; kết nối cung cầu sản phẩm CNHT. Cụ thể, Thành phố xây dựng, tham mưu ban hành các chính sách hỗ trợ DN hoạt động trong lĩnh vực CNHT; triển khai chính sách hỗ trợ DN đầu tư sản xuất lĩnh vực CNHT theo chương trình kích cầu đầu tư Thành phố; xây dựng, tham mưu ban hành quy chế quản lý và sử dụng kinh phí chương trình phát triển CNHT Thành phố.
Bên cạnh việc hỗ trợ DN về chính sách đầu tư, vốn và công nghệ, trong những năm qua, UBND Thành phố giao cho Trung tâm Phát triển CNHT ( Sở Công Thương) và Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư Thành phố (ITPC) hỗ trợ DN CNHT đẩy mạnh xúc tiến thương mại, thực hiện hàng trăm cuộc kết nối giao thương với các DN đầu cuối, nhất là các tập đoàn FDI lớn như Samsung, TTi, Panasonic… Trong đó, nổi bật và hiệu quả nhất là tổ chức hội nghị tìm kiếm nhà cung cấp CNHT hằng năm.
Hội nghị được tổ chức bởi Sở Công Thương TPHCM, Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Thành phố (HEPZA) và Ban Quản lý khu công nghệ cao (SHTP), cùng với sự hỗ trợ của các tổ chức như Hiệp hội CNHT Việt Nam, Dự án Thúc đẩy tiếp cận tài chính cho DN nhỏ và vừa ngành CNHT (LinkSME/USAID), Dự án Chương trình thí điểm phát triển nhà cung cấp (SDP) của Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC). Qua đó tạo nên "ngày hội" cho các DN CNHT có thể kết nối giao thương, tìm kiếm được nhà cung ứng và đối tác cũng như nhận được các tư vấn, hỗ trợ về cách tiếp cận các chính sách hỗ trợ cho DN từ các tổ chức.
Ông Daniel Fitzpatrick, Giám đốc dự án USAID LinkSME cho biết, mục tiêu của dự án là hỗ trợ kết nối giữa các DN đầu chuỗi lớn và các DN sản xuất nhỏ và vừa: "Chúng tôi hỗ trợ cho các DN sản xuất, vì rõ ràng là nhiều DN sản xuất, trong đó có các DN CNHT cần nâng cao hiệu quả hoạt động để đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của các DN đầu cuối".
Để hỗ trợ các DN, USAID và Cục Phát triển doanh nghiệp đã bổ sung thêm nội dung "tiếp cận tài chính" vào danh mục hoạt động của dự án LinkSME vào cuối năm 2020. Kể từ đó, dự án và các đối tác đã xây dựng các bộ công cụ, tổ chức các khóa đào tạo, các sự kiện kết nối và tư vấn chuyên sâu cho các DN về cách tiếp cận nguồn tài chính mà họ cần.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TPHCM cho biết, trải qua 4 năm tổ chức, hội nghị tìm kiếm nhà cung cấp CNHT đã thu hút 96 DN FDI và sản xuất sản phẩm công nghiệp đầu cuối, kết nối 370 DN CNHT Thành phố và các tỉnh, thành phố có sản phẩm cung ứng phù hợp và có 1.320 cuộc tiếp xúc trực tiếp.
Năm nay, hội nghị tìm kiếm nhà cung cấp CNHT năm 2022 có sự tham gia của 20 DN FDI và DN sản xuất công nghiệp đầu cuối thuộc lĩnh vực điện tử, cơ khí chế tạo và ngành y tế kỹ thuật cao tham gia kết nối với 130 DN CNHT của Việt Nam với hơn 300 cuộc kết nối trực tiếp tại hội nghị, được kỳ vọng sẽ giúp các DN CNHT của Việt Nam tìm kiếm được thêm các đối tác mới.
Nhiều DN đầu cuối cho biết, việc tham gia hội nghị tìm kiếm nhà cung cấp CNHT hằng năm giúp DN tìm kiếm thêm được nhiều đối tác để nâng cao tỉ lệ nội địa hóa tại Việt Nam, qua đó giúp tiết giảm chi phi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN.
Bà Sabrina Ánh Trần, Giám đốc Bộ phận mua hàng của Công ty TNHH Techtronic Tools Việt Nam (TTi) cho biết, DN đang đẩy mạnh sản xuất các thiết bị điện tử dân dụng, công cụ sử dụng ngoài trời, với danh mục hàng nghìn sản phẩm hàng năm.
Với mục tiêu nâng tỉ lệ nội địa hóa tại Việt Nam lên 80%, TTi rất mong muốn tìm kiếm được các DN Việt Nam có đủ năng lực để tham gia vào chuỗi cung ứng. với khoảng 300 chuyên gia, TTi cho biết sẽ hỗ trợ các DN đối tác, nhà cung ứng trong vận hành kỹ thuật, sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Lê Anh