In bài viết

Nhiều địa phương và doanh nghiệp hướng đến mô hình tăng trưởng xanh

(Chinhphu.vn) - Nhiều địa phương và doanh nghiệp đã xây dựng và ban hành chiến lược, kế hoạch hành động để tìm kiếm các mô hình đổi mới sản xuất theo hướng xanh, bền vững.

08/04/2022 19:43
Nhiều địa phương và DN hướng đến các mô hình tăng trưởng xanh - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc phát biểu tại Diễn đàn nhịp cầu phát triển Việt Nam 2022 - Ảnh: VGP/Lê Anh

Phát biểu tại Diễn đàn nhịp cầu phát triển Việt Nam 2022 với chủ đề: "Hội tụ nguồn lực, thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững" diễn ra chiều 8/4 tại TPHCM, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc nhấn mạnh, quan điểm phát triển của Việt Nam trong giai đoạn 10 năm tới là "phát triển nhanh và bền vững", đồng thời "phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường và thích ứng với biển đổi khí hậu".

Ngày 1/10/2021, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, với mục tiêu tổng quát là thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội.

Theo Thứ trưởng Hà Kim Ngọc, để thực hiện các mục tiêu này cần ba đột phá chiến lược về thể chế, nguồn nhân lực và kết cấu hạ tầng, với trọng tâm là đổi mới sáng tạo, phát triển khoa học – công nghệ. Đây là cơ sở để Việt Nam sử dụng hiệu quả nguồn lực, tăng cường khả năng quản lý, điều phối về tài chính và kỹ thuật, thúc đẩy quá trình tham gia của cộng đồng, khối doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Thứ trưởng Hà Kim Ngọc đánh giá cao và hoan nghênh nhiều địa phương đã xây dựng và ban hành chiến lược, kế hoạch hành động tăng trưởng xanh cũng như các doanh nghiệp đã tìm kiếm các mô hình đổi mới sản xuất theo hướng xanh, bền vững.

Nhiều địa phương và DN hướng đến các mô hình tăng trưởng xanh - Ảnh 2.

Các chuyên gia cho rằng, đổi mới sản xuất theo hướng xanh, bền vững là xu thế tất yếu - Ảnh: VGP/Lê Anh

Nghiên cứu xây dựng gói hỗ trợ tài chính xanh

Ở phương diện địa phương, bà Nguyễn Thị Hoàng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai khẳng định: Nghị quyết đại hội đảng bộ tỉnh Đồng Nai lần thứ 10 và 11 đều đặt ra mục tiêu là tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Chính vì lẽ đó mà 31 khu công nghiệp đi vào hoạt động thì bắt buộc phải xử lý nước thải tập trung. Một số doanh nghiệp gần đây đã theo xu hướng đổi mới công nghệ, đối với công đoạn có ảnh hưởng đến sức khỏe của người lao động thì doanh nghiệp bắt đầu chuyển sang dùng robot. 

Ông Alain Cany, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam đánh giá cao về nỗ lực của Việt Nam trong các cam kết mạnh mẽ về môi trường cũng như định hướng phát triển kinh tế xanh, bền vững.

Theo ông Alain Cany, mặc dù đạt nhiều kết quả nhưng Việt Nam còn nhiều việc phải làm, cần thúc đẩy sử dụng năng lượng hiệu quả, tiết kiệm, đặc biệt là việc biến rác thải thành năng lượng. 

"Các DN thuộc EuroCham đang có một số dự án để thúc đẩy mục tiêu carbon bằng 0, ví dụ như nhà máy sản xuất Lego tại Bình Dương đã đưa ra cam kết xây dựng nhà máy không carbon. Họ dùng điện áp mái và các nguồn năng lượng sạch", ông Alain Cany cho biết.

Theo tính toán sơ bộ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Thế giới, để thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam đến năm 2030 dự kiến cần khoảng 30 tỷ USD, trong đó, Ngân sách Nhà nước chỉ có thể đáp ứng tối đa khoảng 30% nguồn lực và cần tới 70% từ các nguồn lực khác, trong đó chủ yếu được xác định là khu vực tư nhân.

Liên quan vấn đề này, ông Tạ Đình Thi, Phó Chủ tịch Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đề xuất: Việt Nam phải cải cách, hoàn thiện thể chế, chính sách, môi trường đầu tư kinh doanh, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi và thông thoáng cho doanh nghiệp và người dân trong tiếp cận nguồn vốn, thúc đẩy đầu tư, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi công nghệ, mô hình sản xuất, kinh doanh theo hướng xanh, bền vững.

Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát, sớm hoàn chỉnh và phê duyệt quy hoạch cấp trung ương, địa phương và nghiên cứu, xây dựng các chương trình, gói hỗ trợ tài chính xanh để phục vụ đầu tư xanh, chuyển đổi xanh ở các cấp độ khác nhau, tạo điều kiện đấu nối và hợp nhất giữa các hệ sinh thái xanh của ngành, địa phương và quốc gia.

Lê Anh