Theo quy định tại Điều 1 Thông tư 50/2014/TT-BNNPTNT ngày 24/12/2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thức ăn chăn nuôi được phép lưu hành tại Việt Nam là thức ăn chăn nuôi được Tổng cục Thủy sản hoặc Cục Chăn nuôi công nhận đủ điều kiện lưu hành tại Việt Nam sau khi đã được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chấp thuận. Tổng cục Thủy sản, Cục Chăn nuôi có trách nhiệm định kỳ hàng tháng tổng hợp, công bố Danh mục thức ăn chăn nuôi được phép lưu hành tại Việt Nam và đăng tải trên website của Tổng cục Thủy sản, Cục Chăn nuôi và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để các tổ chức, cá nhân có liên quan truy cập, thực hiện.
Tuy nhiên, theo phản ánh của Công ty CP Đầu tư và Phát triển Sunmax Việt Nam (Hà Nội), hiện nay, các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do quy định phải đăng ký danh mục thức ăn chăn nuôi, mà đang được coi là một loại giấy phép con từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Với các doanh nghiệp FDI, họ có thể chỉ cần một danh mục thức ăn chăn nuôi cho tất cả các nhà máy khắp cả nước. Nhưng các doanh nghiệp Việt Nam phải cần mỗi danh mục thức ăn chăn nuôi cho từng địa điểm nhà máy, đặc biệt cho các nhà máy thuê gia công.
Các doanh nghiệp nhỏ và vừa sức cạnh tranh đã yếu, lại thêm ràng buộc bởi quy định phải làm danh mục thức ăn chăn nuôi, chi phí nhiều trăm triệu đồng nên doanh nghiệp không thể đáp ứng yêu cầu cung cấp sản phẩm giá rẻ, phù hợp với nhu cầu của người nông dân khi giá thịt lợn, các vật nuôi khác giảm.
Công ty Sunmax nêu ví dụ, Công ty phải làm 3 danh mục cho 3 thương hiệu sản phẩm, mỗi danh mục là mấy chục mã sản phẩm, chi phí 3 triệu đồng cho việc làm test mỗi sản phẩm, chưa kể các chi phí khác.
Đồng quan điểm, Chi nhánh Công ty CP Sản xuất và Thương mại Hà Lan (Hưng Yên) cho rằng, các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi đã và đang tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia về chất lượng thức ăn chăn nuôi, nên việc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu doanh nghiệp phải đăng ký danh mục thức ăn chăn nuôi là thêm thủ tục hành chính, thêm phiền toái, phát sinh chi phí, tiêu cực phí.
Công ty CP Dinh dưỡng Việt Tín (Hà Nội) và Công ty TNHH MTV Nông sản Nasaco Việt Nam (Hà Nội) thì cho biết, Công ty đã hoàn thành tiêu chuẩn cơ sở, hợp quy hợp chuẩn sản phẩm theo đúng yêu cầu luật pháp. Tuy nhiên sau đó lại phải nộp toàn bộ hồ sơ chờ phê duyệt vào danh mục. Thời gian chờ phê duyệt từ 6 tháng đến 1 năm, 2 năm và thậm chí có doanh nghiệp chờ vô thời hạn. Nếu không có trong danh mục thì sẽ không được tiến hành sản xuất.
Vì thế, theo ý kiến của các doanh nghiệp, việc Bộ chậm trễ trong phê duyệt danh mục đang gây khó cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Do vậy, loại bỏ yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi phải làm thủ tục đăng ký vào danh mục sản phẩm thức ăn chăn nuôi là cần thiết.
Một sản phẩm muốn ra đời phải đi qua “một rừng" thủ tục hành chính gây lãng phí và phiền nhiễu cho doanh nghiệp, là ý kiến của Công ty CP Đầu tư và Phát triển Lộc Phát (Hà Nội). Theo Công ty, thủ tục này khiến mỗi năm doanh nghiệp phải tốn một khoản tiền rất lớn và người chăn nuôi sẽ phải gánh thêm chi phí cồng kềnh đó lên sản phẩm chăn nuôi của họ. Do vậy, Công ty đề nghị hủy bỏ quy định bắt buộc phải đăng ký danh mục thức ăn chăn nuôi.
Tiếp nhận các kiến nghị nêu trên của các doanh nghiệp qua Hệ thống tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản chuyển đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để xem xét, xử lý và trả lời doanh nghiệp theo thẩm quyền, gửi Văn phòng Chính phủ để công khai trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ trước ngày 21/6/2017.
Thúy An