Theo đó, Việt Nam đứng thứ 20 thế giới về độ mở của nền kinh tế, với 62,1% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Tuy nhiên, DN Việt chưa định hướng rõ ràng và chưa có sự chuẩn bị tốt khi tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Trong 500 công ty xuất nhập khẩu thuộc lĩnh vực chế biến chế tạo được khảo sát thì có tới 53,3% DN cho biết không đặt mục tiêu gì khi tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Điều này có nghĩa là các DN thiếu sự định hướng rõ ràng. Không những thế, mục tiêu mà DN đặt ra chỉ nằm ở ý tưởng, mong muốn chứ chưa đi vào thực thi.
Chỉ có 10,2% DN đã xây dựng kế hoạch thực hiện trong dài hạn và 15,3% có chiến lược, định hướng tổng thể trong dài hạn. Ngoài ra, có tới 64,7% cho biết chưa có sự chuẩn bị gì khi tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Đáng chú ý, khảo sát chỉ ra rằng các DN Việt Nam đang tập trung vào "phần ngọn" hơn là giải quyết các vấn đề "phần gốc" mang tính dài hạn, như: Xây dựng và đào tạo nguồn nhân lực, làm chủ công nghệ, đổi mới sáng tạo, mở rộng kết nối mạng lưới, tăng cường đáp ứng quy chuẩn và quản trị rủi ro,...
Theo đánh giá của nhóm nghiên cứu, với độ mở cửa lớn và hội nhập sâu rộng của nền kinh tế, tình trạng thiếu chủ động, thiếu sự chuẩn bị của DN như hiện nay chứng tỏ việc tận dụng cơ hội để gia nhập chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu là rất khó khăn.
Trước thực trạng này, báo cáo khuyến nghị, đối với Nhà nước, cần có sự phối kết hợp đồng bộ giữa các bên trong việc xây dựng và triển khai chính sách hỗ trợ DN tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Thực thi một cách đầy đủ và kịp thời các các giải pháp về nâng cao năng lực, hỗ trợ DN tham gia hiệu quả hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Làm tốt hơn công tác đánh giá tác động của chính sách, từ đó xác định và điều chỉnh các nội dung chính sách cũng như đề xuất các chương trình cải cách trong tương lai. Cùng với đó, xây dựng nền tảng để giúp các DN tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, gồm: Công nghiệp hỗ trợ, nguồn nhân lực, khoa học công nghệ.
Một số ý kiến đề xuất, Chính phủ xem xét thành lập Ban Chỉ đạo cấp Nhà nước về phát triển công nghiệp hỗ trợ, với sự tham gia của một số bộ, ngành và các địa phương cùng đại diện các DN để thống nhất chỉ đạo giải quyết khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ phát triển.
NT