Nền kinh tế nông thôn từng bước chuyển dịch theo chiều hướng tiến bộ, đó là tỷ trọng về cơ cấu hộ, lao động, ngành nghề và tổng thu từ sản xuất kinh doanh của nhóm ngành công nghiệp, dịch vụ theo hướng tăng dần; nông lâm thủy sản giảm dần. Kết quả Tổng điều tra cho thấy vào thời điểm 01/7/2011, số hộ nông lâm nghiệp và thủy sản 80,3 nghìn hộ, chiếm tỷ lệ 53,7%; công nghiệp xây dựng 22,7 nghìn hộ, chiếm 15,2%; dịch vụ 31,4 nghìn hộ chiếm 21%; hộ khác 15,2 nghìn hộ, chiếm 10,1%.
Cùng với những thành tựu phát triển về sản xuất nông nghiệp, sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề và các hoạt động dịch vụ ở khu vực nông thôn đang được khôi phục và phát triển, thu hút ngày càng nhiều hộ, nhiều lao động tham gia. Trong những năm qua, qui mô, tốc độ và hình thức chuyển đổi cơ cấu ngành nghề của hộ và lao động nông thôn ở các vùng, các địa phương rất đa dạng nhưng đều có chung xu hướng tích cực: giảm tỷ trọng nhóm hộ nông, lâm nghiệp, thủy sản; tăng tỷ trọng nhóm hộ công nghiệp xây dựng và dịch vụ; thực hiện từng bước phân công lại lao động nông thôn theo hướng đa ngành, nhằm tăng thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân.
Bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới và khang trang, kết cấu hạ tầng được nâng cấp và hoàn thiện
Thực hiện đường lối công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn, nông nghiệp, những năm qua nhà nước đã chú trọng đầu tư xây dựng mới và nâng cấp cơ sở hạ tầng, nhất là các công trình điện, đường, trường, trạm; mạng lưới điện đã được xây dựng đến tận các thôn xã vùng sâu, vùng xa. Số hộ dùng điện vào sản xuất và sinh hoạt tăng nhanh, đời sống vật chất, văn hóa được cải thiện rõ rệt. Đến nay, toàn tỉnh có 100% số xã có điện với chất lượng cung cấp điện nông thôn ngày càng ổn định. Đường giao thông nông thôn được xây dựng mới và nâng cấp ở hầu hết ở các địa phương trong tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho đi lại và lưu thông hàng hóa phát triển với 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã. 99,51% số thôn có đường ô tô đến.
Hệ thống trường học, giáo dục các cấp ở nông thôn tiếp tục được mở rộng và phát triển, năm 2011 có 111/111 xã có trường tiểu học đạt tỷ lệ 100% (năm 2006 có 1 xã Hương Phong ở huyện miền núi A Lưới chưa có trường tiểu học). Số xã có trường trung học cơ sở đạt 75,7% (năm 2006: 66,9%); 16,2% số xã có trường trung học phổ thông (năm 2006: 13,2%). Hiện nay 111/111 xã có trường mẫu giáo, mầm non (năm 2006: 92,6%). Việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe và giữ gìn vệ sinh môi trường ở nông thôn được quan tâm chú trọng và đạt được những kết quả đáng khích lệ. Mạng lưới y tế đã phủ kín trên phạm vi toàn tỉnh với 100% số xã có trạm y tế; trong đó có 103/111 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế, chiếm tỷ lệ 92,8%. Điều này góp phần phục vụ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng nông thôn tốt hơn, hệ thống y tế đã được chú ý và mở rộng đến cấp thôn. Điều đáng lưu ý là cùng với việc mở rộng mạng lưới y tế của Nhà nước, hệ thống khám chữa bệnh tư nhân đã hình thành và góp phần quan trọng vào việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Đến nay, 30% số xã có cơ sở khám chữa bệnh tư nhân (năm 2006: 19%), 50% số xã có cửa hàng dược phẩm trên địa bàn (năm 2006: 41,3%). Điều kiện phương tiện sinh hoạt văn hóa khu vực nông thôn ngày càng tiến bộ, 100% số xã có điểm phục vụ bưu chính viễn thông, 108/111 xã có điểm bưu điện văn hóa, đạt 97,3%. Số thôn có nhà văn hóa sinh hoạt đạt 60,3% (năm 2006: 31,7%).
Nhìn chung, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới, ngày càng khởi sắc, kết cấu hạ tầng đã được nâng cấp, hoàn thiện. Đó là kết quả đáng khích lệ trong việc tổ chức thực hiện chủ trương đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời là tiền đề hết sức quan trọng góp phần xây dựng nông thôn mới trên địa bàn toàn tỉnh.
Cơ cấu khu vực nông lâm nghiệp thủy sản và kinh tế nông thôn chuyển dịch theo hướng tích cực
Cơ cấu ngành nghề trong nông thôn, nông nghiệp có những thay đổi cơ bản, lao động được sắp xếp hợp lý, giảm lao động trồng trọt, tăng lao động ngành nghề, tạo điều kiện nâng cao năng suất lao động và hiệu quả kinh tế trong nông thôn, nông nghiệp. Hạ tầng giao thông nông thôn được đầu tư nâng cấp, mở rộng. Trong nội bộ khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản trong 5 năm trở lại đây thì ngành lâm nghiệp có tốc độ tăng nhanh nhất, tốc độ tăng bình quân giá trị sản xuất đạt 4,6%/năm (thời kỳ 2001-2005 là 2,5%). Số hộ sản xuất lâm nghiệp tăng thêm 1.758 hộ. Lĩnh vực lâm nghiệp phát triển khá, nhất là sản phẩm gỗ khai thác từ rừng trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao; đóng góp của lâm nghiệp trong tăng trưởng kinh tế tăng khá;cung cấp nguyên liệu đầu vào cho việc chế biến dăm gỗ xuất khẩu. Trong trồng trọt, giai đoạn 2006-2011 diện tích gieo trồng lúa hàng năm vẫn giữ ổn định trên 52 nghìn ha; trong khi đó diện tích các cây công nghiệp, rau màu và cây ăn quả tiếp tục duy trì và phát triển theo hướng nâng cao chất lượng và hiệu quả kinh tế. Cao su đang trở thành thế mạnh trong cây công nghiệp lâu năm, đóng góp giá trị cao trong lĩnh vực trồng trọt. Trong chăn nuôi, hình thức chăn nuôi gia trại đang thay thế dần mô hình chăn nuôi tận dụng nhỏ lẻ ở gia đình.
Đến nay, tổng số tàu thuyền khai thác có động cơ 2055 chiếc với tổng công suất69,2 nghìn CV. Trong đó tầu thuyền có công suất 90 CV trở lên có 186 chiếc. Hoạt động khai thác đang có xu hướng chuyển dần ra xa bờ, sử dụng các phương tiện, máy móc hiện đại như máy tầm ngư, định vị nhằm tăng sản lượng đánh bắt; dịch vụ nghề cá phát triển đáp ứng nhu cầu cung cấp nhiên liệu, lương thực thực phẩm và tiêu thụ thủy sản kịp thời. Diện tích nuôi trồng thủy sản năm 2006 đến 2011 duy trì ổn định, bình quân hàng năm trên 5.500 ha. Nuôi trồng thủy sản tiếp tục có những mô hình xen ghép đa dạng, nhiều hình thức nuôi hiệu quả theo hướng thân thiện với môi trường, hạn chế dịch bệnh.
Sản xuất nông nghiệp phát triển từng bước đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường trên địa bàn |
Nền kinh tế ở nông thôn chuyển dịch tích cực, số hộ có nguồn thu nhập lớn nhất có sự chuyển biến tích cực theo xu hướng chuyển dịch cơ cấu lao động, phát triển ngành nghề. Theo kết quả điều tra trong 12 tháng gần đây có 75,7 nghìn hộ có nguồn thu nhập lớn nhất từ nông lâm nghiệp thủy sản, chiếm tỷ lệ 50,6% toàn bộ số hộ khu vực nông thôn, giảm 2,2% so với năm 2006; công nghiệp xây dựng 24,7 nghìn hộ, chiếm 16,5%, tăng 0,5%; dịch vụ 32,1 nghìn hộ, chiếm 21,5%, tăng 0,4%; hộ có nguồn thu khác 17,2 nghìn hộ, chiếm 11,4%, tăng 1,7% so với năm 2006.
Đời sống vật chất và tinh thần của dân cư nông thôn đã được cải thiện rõ rệt
Những năm qua, nền kinh tế tỉnh nhà tăng trưởng với tốc độ khá cao, cùng với nhiều chương trình tạo việc làm, phát triển nông nghiệp và nông thôn, xóa đói giảm nghèo nên đời sống các tầng lớp dân cư tiếp tục được cải thiện; sự nghiệp văn hóa giáo dục, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân và một số lĩnh vực khác có những tiến bộ đáng kể.
Sản xuất nông nghiệp phát triển từng bước đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường trên địa bàn. Hiện nay, đời sống người dân khu vực nông thôn ngày càng được cải thiện, nên mức tiêu dùng lương thực giảm xuống; ngược lại, tiêu dùng thực phẩm tăng lên. Trong hơn 5 năm qua, vượt qua biến động thị trường, thiên tai, dịch bệnh, sản xuất lương thực thực phẩm tiếp tục phát triển, nhờ đó bình quân lương thực đầu người tăng từ 241 kg năm 2006 lên 277 kg năm 2011, tăng thêm 36 kg/người/năm. Kinh tế nông thôn phát triển nên tỷ lệ hộ nghèo ngày càng giảm. Năm 2011 tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới khu vực nông thôn là 10,77% (năm 2006 theo chuẩn cũ 20,7%). Tốc độ xóa đói giảm nghèo nhanh, về cơ bản đã xóa được đói. Công tác giảm nghèo được tập trung đẩy mạnh, hướng vào các đối tượng khó khăn vùng sâu vùng xa, đồng bào dân tộc.
Theo điều tra khảo sát mức sống hộ gia đình năm 2011, thu nhập bình quân 1 người 1 tháng toàn tỉnh giá hiện hành đạt 1.356 nghìn đồng, tăng gần 2,6 lần so năm 2006, bình quân mỗi năm tăng 21%. Trong đó khu vực nông thôn năm 2011 đạt 1214 nghìn đồng/tháng, tăng 2,9 lần so năm 2006, bình quân mỗi năm tăng 23,6%. Nếu loại trừ yếu tố tăng giá thì thu nhập thực tế của khu vực nông thôn giai đoạn 2006-2011 tăng bình quân mỗi năm 9,6%; đạt gần tương đương với mức tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm toàn tỉnh 11,7%./.