In bài viết

Nhiều giải pháp đồng bộ để vực dậy chuỗi sản xuất cá tra

(Chinhphu.vn) – Giá thành sản xuất cá tra tăng trong lúc tiêu thụ đang gặp khó khăn vì dịch bệnh. Nhiều người nuôi cá tra đang lo lắng sẽ không có đủ giống để tái đàn trong thời gian tới đây.

25/09/2021 20:26

Cá tra là sản phẩm thuỷ sản được yêu thích tại thị trường châu Âu - Ảnh minh hoạ

Chiều ngày 25/9, Bộ NN&PTNT đã tổ chức Hội nghị trực tuyến về giải pháp phát triển chuỗi cá tra sau giãn cách xã hội với các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Tại hội nghị, bà Tô Thị Tường Lan, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho biết, từ giữa tháng 7/2021 đến nay, việc áp dụng kiểm soát dịch bệnh trên tất cả các tỉnh ĐBSCL đã ảnh hưởng nặng nề đến ngành thủy sản nói chung, trong đó ngành cá tra thiệt hại rất lớn.

Hiện chỉ có khoảng 14 nhà máy cá tra vẫn đang hoạt động “3 tại chỗ”, tại 6 tỉnh nuôi cá tra trọng điểm với công suất sản xuất 20% đến 30%. Bước vào tháng 10/2021, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa lên được kế hoạch mở lại sản xuất. Kim ngạch xuất khẩu cá tra trong tháng 8/2021 đã giảm 28,5% so với cùng kỳ năm trước.

Với tình hình hiện nay, khả năng xuất khẩu cá tra tháng 9/2021 có thể giảm trên 30%, nhiều doanh nghiệp sẽ mất những đơn hàng cuối năm và không dám nhận những đơn hàng mới.

Ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội cá tra Việt Nam đề xuất cho phép các nhà máy có số lượng công nhân được tiêm 2 mũi vacine trên 60% và có năng lực quản lý kiếm soát dịch tốt trong 3 tháng qua, thực hiện tốt y tế tại chỗ đảm bảo các biện pháp chống dich và điều kiện nhà xưởng đảm bảo quy định ủa Bộ Y tế được mở rộng quy mô tối đa (không khống chế số lượng).

Ông Lê Quốc Phong, Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Đồng Tháp chia sẻ: “Chuỗi ngành hàng cá tra tại Đồng Tháp đang dần hồi phục vì cần ưu tiên tiêm vacine cho người lao động trong chuỗi ngành hàng này”.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đề nghị các địa phương áp dụng đúng quy định đã đề ra về việc phân loại các vùng nguy cơ ngay trên địa bàn từng huyện, làm cơ sở để phục hổi các hoạt động sản xuất một cách an toàn.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cũng cho biết trong tháng 9 và tháng 10 tới sẽ có lượng vacine bổ sung lớn nên sẽ đỡ khó khăn hơn trong phân bổ vacine cho các địa phương. Bộ NN&PTNT cần sớm có tổng hợp cụ thể về nhu cầu vacine của các doanh nghiệp trong ngành, gửi Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch COVID-19 để xem xét phân bổ sớm đến địa phương.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nâng cao nhận thức về việc tiêm vacine không có nghĩa là loại bỏ toàn bộ nguy cơ mắc bệnh, vì vậy, cần xây dựng các tổ thẩm định cộng đồng để luôn đảm bảo an toàn cho công nhân, dây chuyền sản xuất, nơi ăn nghỉ…

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan kêu gọi doanh nghiệp và chính quyền 13 tỉnh ĐBSCL sớm ngồi lại với nhau để không chỉ xây dựng ngành hàng cá tra mà cả những sản phẩm khác của ĐBSCL được phục hồi vững vàng trong và sau mùa dịch.

"Không gian giao thoa giữa an toàn dịch bệnh và tổ chức lại sản xuất có thể rất hẹp, nếu chúng ta không ngồi lại trực tiếp nói chuyện với nhau thì không thể đi qua ‘khe cửa hẹp’ này được. Trước khi nghĩ đến hỗ trợ tiền điện hay thuế, vốn… cho doanh nghiệp thì việc tạo điều kiện lưu thông và sản xuất cũng chính là hành động tháo gỡ khó khăn thiết thực cho doanh nghiệp”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.

Bộ NN&PTNT sẽ sớm có văn bản tổng hợp về nhu cầu của vacine của các doanh nghiệp nông nghiệp trong tuần tới.

Đỗ Hương