In bài viết

Nhiều giải pháp góp phần đẩy lùi ‘tín dụng đen’ ở nông thôn

(Chinhphu.vn)- Góp sức ngăn chặn “tín dụng đen” ở khu vực nông thôn, Agribank đã tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn của người dân, qua đó giúp người dân thay đổi nhận thức về tài chính tiêu dùng để đến với các tổ chức tài chính ngân hàng thay vì vay “tín dụng đen”.

06/07/2019 10:05
Dịch vụ ngân hàng lưu độngtrên xe ô tô  của Agribank mang nhiều tiện ích đến cho người dân 

Trong thời gian qua, trước hiện tượng “tín dụng đen” lộng hành, các cấp, các ngành đặc biệt là ngành ngân hàng đã triển khai những giải pháp cụ thể nhằm hạn chế hiện tượng trên.

Triển khai mạnh kênh dẫn vốn

Agribank là ngân hàng chủ lực đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn và cũng là ngân hàng tiên phong hành động đẩy lùi “tín dụng đen”. Từ trước khi có văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (gần đây nhất là chỉ thị 12/CT-TTg ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về hạn chế “tín dụng đen”), Agribank đã tích cực cung ứng vốn kịp thời cho người dân, đặc biệt là khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa…

Trong năm 2019, Agribank tiếp tục ưu tiên dành nguốn vốn tối thiểu 5.000 tỷ đồng trong cơ cấu tín dụng để cho vay đáp ứng các mục đích tiêu dùng cá nhân, hộ gia đình trong thời gian ngắn hạn, rút ngắn thời gian thẩm định, xét duyệt cho vay.

Đặc biệt, đối với các mục đích tiêu dùng hợp pháp và cấp thiết, có nhu cầu vốn không quá 30 triệu đồng, thời gian sử dụng vốn ngắn hạn (như mua đồ dùng gia đình, chi phí học tập, khám chữa bệnh…) và chứng minh được nguồn trả nợ, đáp ứng đầy đủ các điều kiện tín dụng theo quy định hiện hành của Ngân hàng Nhà nước, Agribank áp dụng phương thức cho vay và giải ngân linh hoạt, áp dụng lãi suất cho vay hợp lý, ưu tiên thực hiện xét duyệt và giải ngân trong ngày…

Tính đến 31/5/2019, doanh số cho vay gói tín dụng tiêu dùng trên đã đạt  677,797 tỷ đồng với 34.761 khách hàng.

Bên cạnh đó, cán bộ Agribank luôn bám sát địa bàn, nắm bắt nhu cầu vốn của khách hàng, tích cực phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức hội như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ… và các cơ quan truyền thông để phổ biến kịp thời giúp người dân nắm bắt đầy đủ chính sách tín dụng ngân hàng, đặc biệt là chính sách tín dụng tiêu dùng.

Đơn vị cũng đã triển khai đầy đủ các sản phẩm tín dụng qua hơn 2.300 điểm giao dịch, đẩy mạnh cho vay qua các tổ vay vốn, chủ động đăng ký với chính quyền địa phương để mở rộng phạm vi hoạt động của điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng ở các huyện, vùng sâu, vùng xa nơi điều kiện đi lại của người dân còn gặp nhiều khó khăn trở ngại.

Tính đến 31/5/2019, riêng dịch vụ ngân hàng lưu động, Agribank đã thực hiện giải ngân (không bao gồm cho vay cầm cố sổ tiết kiệm), cho vay cầm cố giấy tờ có giá, thu nợ gốc, lãi, huy động tiết kiệm, dịch vụ chuyển tiền… với tổng số tiền trên 5.160 tỷ đồng. Agribank cũng triển khai hơn 4.500 phiên giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng, phục vụ hơn 476.000 lượt khách hàng tại địa bàn 402 xã trên cả nước. Bên cạnh đó, dịch vụ cho vay qua tổ nhóm cũng đạt kết quả tốt. Tính đến 31/3/2019, tổng dư nợ cho vay qua tổ nhóm đạt trên 122.900 tỷ đồng cho trên 1.365.000 thành viên của trên 61.600 tổ vay vốn.

Tiếp tục thực hiện đồng loạt các chương trình tín dụng hướng về "tam nông"

Các chương trình tín dụng phát triển sản xuất khu vực nông nghiệp nông thôn được Agribank ưu tiên triển khai mạnh mẽ: Cho vay nông nghiệp nông thôn theo Nghị định 55 nay là 116/2018/NĐ-CP, cho vay nhà ở xã hội theo Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 7/1/2013, cho vay theo Quyết định 63, 65, 68 về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp, cho vay hỗ trợ huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008, cho vay tái canh cà phê, cho vay xây dựng nông thôn mới…

Với nhiều chương trình tín dụng phù hợp, khách hàng mọi miền tổ quốc đang được tiếp cận nguồn vốn Agribank để phục vụ nhu cầu chính đáng trong phát triển sản xuất, tiêu dùng… Tính đến 31/5/2019, dư nợ cho vay nền kinh tế của Agribank đạt trên 1.045.600 tỷ đồng, tăng 4,1% so với đầu năm, trong đó dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn đạt gần 70%.

Truyền thông rộng rãi về các sản phẩm dịch vụ

Người dân cực chẳng đã phải tìm đến “tín dụng đen” đôi khi chỉ vì chưa nhận thức đầy đủ về các sản phẩm dịch vụ ngân hàng cũng như những tác hại của việc vay nóng từ các tổ chức “tín dụng đen”. Do đó việc truyền thông nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của tín dụng đen, về các sản phẩm tiện ích phù hợp của ngân hàng dành cho người dân là hết sức cần thiết.

Dưới sự chỉ đạo của NHNN, Agribank đã chủ động, tích cực phối hợp cùng các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương thực hiện nhiều hoạt động truyền thông hiệu quả để khách hàng hiểu rõ về các sản phẩm dịch vụ của mình cũng như các cơ chế, chính sách giúp người dân lựa chọn ngân hàng là kênh giao dịch, thanh toán chủ yếu.

Các chương trình do Agribank phối hợp với một số cơ quan truyền thông tổ chức như “Tiền khéo tiền khôn”, “Đồng tiền thông thái”… đã giúp  công chúng đến gần hơn với các dịch vụ ngân hàng. Bên cạnh đó, các chương trình khắc họa chân dung những tấm gương vươn lên làm giàu từ ý chí, nghị lực của bản thân và sự hỗ trợ từ nguồn vốn ngân hàng như chương trình “Người quê”, “Đồng hành cùng tam nông”, “Cùng ngư dân vươn khơi”, “Chuyến đi màu xanh”… đã giúp người dân thêm một lần nữa hiểu rõ về các sản phẩm dịch vụ ngân hàng, sự hỗ trợ của ngân hàng đối với khát vọng vươn lên làm giàu chính đáng của người nông dân…

Bên cạnh đó, xác định khu vực Tây Nguyên đang là địa bàn “tín dụng đen” hoạt động hết sức phức tạp, Agribank đã phối hợp với Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức hoạt động nghiên cứu và xây dựng các sản phẩm truyền thông nhằm ngăn chặn, đẩy lùi tín dụng đen tại tỉnh Đắk Lắk. Trong đó, Agribank phối hợp với Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức nghiên cứu khảo sát phỏng vấn tọa đàm với người dân trong đó có phụ nữ là nạn nhân của “tín dụng đen” tại huyện Cư M’gar - Đắk Lắk; tổ chức hội thảo bàn về giải pháp nhằm ngăn chặn và đẩy lùi tín dụng đen với sự tham gia của đại diện lãnh đạo Trung ương Hội LHPN Việt Nam, đại diện lãnh đạo UBND, Ngân hàng Nhà nước tỉnh, Công an, Dân vận, Mặt trận TQVN, các tổ chức chính trị, xã hội của tỉnh và huyện Cư M’gar tỉnh Đắk Lắk.

Có thể nói, Agribank đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp giúp người dân hiểu rõ những sản phẩm dịch vụ tiện ích đang dành cho người dân để đáp ứng kịp thời các nhu cầu của họ, từ phục vụ nhu cầu tiêu dùng đến phát triển sản xuất nâng cao đời sống…

Tuy nhiên việc đẩy lùi tín dụng đen, cần sự vào cuộc đồng bộ của các cấp các ngành, trong đó có ngành ngân hàng. Trong nỗ lực chung ấy, Agribank sẽ tiếp tục tăng cường gắn kết chặt chẽ với các bộ, ngành, Trung ương và địa phương, các cơ quan thông tấn báo chí triển khai đồng bộ nhiều giải pháp truyền thông và ưu tiên nguồn vốn cho nông nghiệp, nông thôn, góp phần đẩy lùi “tín dụng đen” hiệu quả.

Anh Minh