Đến từng nhà, gặp từng người, phân tích đối tượng tiềm năng là cách làm hiệu quả để phát triển BHXH tự nguyện. Ảnh: VGP/Thu Cúc |
Đi từng nhà, gặp từng người
Theo thông tin từ BHXH Việt Nam, tính đến hết tháng 5/2021, toàn tỉnh Đồng Tháp có 1.443.793 người tham gia BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm tự nguyện (BHTN), trong đó có 18.679 người tham gia BHXH tự nguyện, tăng 10.494 người so với cùng kỳ năm 2020.
Kết quả này là minh chứng cho hiệu quả của việc áp dụng mô hình “truyền thông nhóm nhỏ” tại Đồng Tháp trong công tác phát triển người tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn.
Giám đốc BHXH tỉnh Đồng Tháp Huỳnh Nguyễn Phương Oanh cho biết, ngay từ đầu năm, BHXH tỉnh đã chủ động triển khai đa dạng nhiều giải pháp, trong đó hình thức ra quân tuyên truyền được tổ chức thường xuyên hơn với mục tiêu tối thiểu một quý phải triển khai 2 lần và được thay đổi phù hợp với tình hình diễn biến phức tạp của dịch COVID-19.
Đặc biệt, BHXH tỉnh còn phát huy tối ưu giải pháp mô hình truyền thông trực tiếp theo nhóm nhỏ. Đây là nhóm vận động gồm 3-4 người, đều đặn duy trì vào cuối tuần “đi từng nhà, gặp từng người” để tuyên truyền, tư vấn chính sách BHXH tự nguyện cho người dân.
Để mô hình này phát huy hiệu quả, theo Giám đốc BHXH tỉnh Đồng Tháp, trước hết phải có sự rà soát kỹ về người tham gia là những người có tiềm năng về kinh tế, từ đó đưa ra hình thức tư vấn phù hợp về phương thức và thời gian đóng BHXH tự nguyện cho người dân. “Nếu như ở các khu vực thành thị, bà con được tư vấn có thể tích cóp hằng ngày để tham gia theo tháng thì ở vùng nông thôn, bà con có thể tham gia theo hình thức mùa vụ, cứ xong vụ lúa thì đóng một lần”, Giám đốc BHXH tỉnh chia sẻ.
Phân tích nhóm đối tượng tiềm năng cũng là một giải pháp phát triển BHXH tự nguyện hiệu quả. BHXH nhiều địa phương đã chủ động tổng hợp, phân tích nhóm đối tượng tiềm năng chưa tham gia, tập trung vào nhóm có khả năng tài chính như: Hộ kinh doanh cá thể, buôn bán nhỏ tại các chợ, người lao động đang trong độ tuổi lao động. Đặc biệt, chú trọng vận động chị em phụ nữ tham gia BHXH tự nguyện cho cả gia đình.
Cách làm này đã mang lại hiệu quả cho nhiều địa phương, trong đó có TP. Hà Nội. BHXH TP. Hà Nội đã yêu cầu BHXH quận, huyện, thị xã tổng hợp phân tích nhóm đối tượng tiềm năng chưa tham gia, tập trung vào nhóm có khả năng tham gia BHXH, BHYT trước. Đồng thời, đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, đối thoại về chính sách, pháp luật BHXH, BHYT phù hợp với từng nhóm đối tượng.
Huy động sự tham gia của chính quyền địa phương
Từ thực tế phát triển người tham gia BHXH tự nguyện tại các địa phương trong thời gian qua cho thấy, sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các cấp đóng vai trò then chốt trong thực hiện hiệu quả công tác này.
BHXH Việt Nam đã ghi nhận cách làm sáng tạo từ Quảng Trị. Trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, BHXH Quảng Trị xác định một trong những giải pháp hữu hiệu nhất để nâng cao tỷ lệ người tham gia là tăng cường phối hợp với cấp ủy, chính quyền các cấp đẩy mạnh công tác truyền thông về BHXH tự nguyện.
Bên cạnh đó, chú trọng đổi mới nội dung, hình thức truyền thông về BHXH tự nguyện, khuyến khích công chức, viên chức, người lao động cơ quan BHXH phát huy vai trò “Mỗi cán bộ ngành BHXH là một tuyên truyền viên về BHXH, BHYT”, tích cực truyền thông về chính sách BHXH tự nguyện thông qua mạng xã hội zalo, facebook... để vận động người lao động và nhân dân đăng ký tham gia.
Phối hợp với các đại lý thu BHXH, BHYT tuyên truyền, vận động, thông báo đến những người đã đăng ký tham gia BHXH tự nguyện để người dân tham gia liên tục, không bị gián đoạn nhằm đảm bảo quyền lợi khi tham gia BHXH tự nguyện, góp phần duy trì và nâng cao tỷ lệ người tham gia BHXH tự nguyện tại địa phương.
Năm 2020, BHXH huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị đã vận động được 3.800 người tham gia BHXH tự nguyện (tăng 203,3% so với năm 2019), đây là huyện đạt tốc độ gia tăng BHXH tự nguyện cao nhất tỉnh Quảng Trị. Theo Giám đốc BHXH huyện Vĩnh Linh Đào Công Tuấn, thành công tại Vĩnh Linh là huy động được cả hệ thống chính trị cơ sở vào cuộc. Các cấp ủy, chính quyền phối hợp với cơ quan BHXH, giao chỉ tiêu cụ thể đến từng xã, thôn, đoàn thể; các bí thư chi bộ, trưởng thôn, chi hội trưởng các đoàn thể tích cực tham gia tuyên truyền, vận động để người dân hiểu và tham gia BHXH tự nguyện.
Năm 2020, số người tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn TP. Hà Nội đạt 48.674 người, tăng 37,6%, tương ứng tăng 13.311 người so với năm 2019, đạt 101,32% kế hoạch.
BHXH TP. Hà Nội cũng cho biết, thành công trong thực hiện BHXH tự nguyện ở Hà Nội trong năm 2020 là huy động được cả hệ thống chính trị cơ sở vào cuộc. BHXH thành phố đã chủ trì phối hợp với UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức tuyên truyền, đối thoại ngay tại địa bàn dân cư. Tại các hội nghị tuyên truyền luôn có sự tham dự của đại diện cấp ủy, chính quyền cơ sở để chia sẻ những kết quả đã đạt được, các định hướng thực hiện chính sách, qua đó giúp củng cố niềm tin của nhân dân.
Thu Cúc