Ảnh minh họa |
Bộ Y tế cho biết, ngày 14/6/2005, Quốc hội khóa XI kỳ họp thứ 7 đã thông qua Luật Dược. Sau gần 10 năm triển khai thực hiện, Luật Dược đã đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về dược, quy định rõ quyền và nghĩa vụ của các cơ sở kinh doanh thuốc, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân trong sử dụng thuốc có chất lượng, hợp lý và an toàn.
Việc ban hành Luật Dược đã tạo hành lang pháp lý đối với các hoạt động về dược cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho ngành Dược Việt Nam hội nhập với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Bên cạnh những thành tựu cơ bản đã đạt được nêu trên, trước những biến đổi của tình hình phát triển kinh tế xã hội, việc thực hiện các cam kết quốc tế cũng như tình hình hoạt động kinh doanh, cung ứng thuốc, đòi hỏi phải nghiên cứu, điều chỉnh Luật Dược cho phù hợp.
Bộ Y tế đã dự thảo Luật dược gồm 13 chương, 98 điều. Bên cạnh những quy định chung, Bộ Y tế đã đề xuất những quy định cụ thể về phát triển công nghiệp dược; người hành nghề dược; quyền và nghĩa vụ của người hành nghề dược; kinh doanh thuốc và nguyên liệu làm thuốc; đăng ký, lưu hành thuốc; dược liệu làm thuốc; đơn thuốc và sử dụng thuốc; cung ứng thuốc trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; thông tin, quảng cáo thuốc…
Những hành vi bị nghiêm cấm
Dự thảo đề xuất quy định nghiêm cấm kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc mà không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, Giấy phép kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc; kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc vượt quá phạm vi hoạt động chuyên môn được ghi trong Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, Giấy phép kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc.
Đồng thời, cấm kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc thuộc một trong các trường hợp sau đây: 1- Thuốc, nguyên liệu làm thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ, giả, kém chất lượng, hết hạn dùng; 2- Thuốc, nguyên liệu làm thuốc nhập khẩu thuộc danh mục cấm nhập khẩu; 3- Thuốc thử lâm sàng; 4- Thuốc chưa được phép lưu hành; 5- Thuốc mẫu dùng để đăng ký, nghiên cứu hoặc giới thiệu cho người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.
Bên cạnh đó, các hành vi sau cũng bị nghiêm cấm: Lạm dụng vị trí độc quyền hoặc vị trí thống lĩnh thị trường trong kinh doanh thuốc để bán phá giá thuốc, tăng giá thuốc trái quy định của pháp luật; bán thuốc tại những cơ sở bán thuốc không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, Giấy phép kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc; bán thuốc thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia, thuốc viện trợ mà quy định không được bán; thuốc viện trợ nhân đạo và thuốc nhập khẩu phi mậu dịch; bán lẻ thuốc kê đơn mà không có đơn thuốc; hành nghề tại các vị trí công việc yêu cầu phải có Chứng chỉ hành nghề dược mà không có Chứng chỉ hành nghề dược; thuê, mượn, cho thuê, cho mượn Chứng chỉ hành nghề dược, Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, Giấy phép kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc.
Các hành vi thông tin, quảng cáo thuốc sai sự thật, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng; quảng cáo thuốc trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong, mỹ tục của dân tộc Việt Nam; khuyến mại thuốc trái quy định của pháp luật; lợi dụng việc kê đơn thuốc để trục lợi, huỷ hoại nguồn dược liệu quý, hiếm cũng bị nghiêm cấm.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Tuệ Văn