In bài viết

Nhiều hoạt động kỷ niệm 86 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam

Nhân dịp kỷ niệm 86 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2011), trong những ngày này các tỉnh, thành trong cả nước đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực chào mừng.

20/06/2011 14:57

Hà Nội: Chiều 17/6, Thành phố Hà Nội đã tổ chức cuộc gặp mặt giữa lãnh đạo thành phố với đại biểu các cơ quan báo chí trung ương và địa phương. Đồng chí Nguyễn Thế Thảo, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND thành phố, Ngô Thị Doãn Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố và các đồng chí lãnh đạo thành phố Hà Nội đã đến dự.

Phát biểu ý kiến tại buổi gặp mặt, đồng chí Nguyễn Thế Thảo khẳng định: TP Hà Nội luôn đánh giá cao vai trò của báo chí trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ công tác. Vì vậy, trong nhiều năm qua, thành phố đã duy trì và ngày càng tăng cường các hoạt động cung cấp thông tin tới các cơ quan báo chí hoạt động trên địa bàn; sẵn sàng phối hợp và luôn trân trọng lắng nghe các ý kiến góp ý, phê bình, phản biện mang tính xây dựng của báo chí; qua đó xem xét một cách nghiêm túc, chỉ đạo và xử lý kịp thời những vấn đề còn tồn tại, bức xúc... Để thực hiện thắng lợi năm nhiệm vụ trọng tâm, hai khâu đột phá, chín chương trình công tác lớn mà thành phố đã đề ra, đặc biệt là tập trung thực hiện có hiệu quả các giải pháp của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ về phát triển kinh tế, xã hội năm 2011, thành phố mong các cơ quan báo chí tiếp tục có sự phối hợp và chia sẻ nhiều hơn nữa, góp phần chung sức xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp và văn minh.

* Chiều cùng ngày, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo đã tới thăm, chúc mừng Báo Hànôịmới. Trò chuyện thân tình với lãnh đạo, phóng viên của báo, Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo ghi nhận đóng góp, cống hiến của lãnh đạo, cán bộ, phóng viên, nhân viên Báo Hànôịmới trong những năm vừa qua, đóng góp tích cực đối với công tác lãnh đạo của TP. Tờ báo không chỉ là cơ quan ngôn luận của Thành ủy, HĐND, UBND TP mà còn là diễn đàn thực sự của nhân dân Thủ đô. Cho rằng Báo Hànôịmới đã giữ vững và từng bước tạo thương hiệu trong làng báo nước nhà, Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo mong muốn Báo Hànôịmới tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng mọi mặt, xây dựng thương hiệu của Báo ngày càng mạnh.

Tuyên Quang: Hội Nhà báo tỉnh Tuyên Quang tổ chức hội thảo “Báo chí Tuyên Quang tuyên truyền đưa nghị quyết Đại hội Đảng vào cuộc sống”. Các tham luận đề cập: Để có được một tác phẩm báo chí hay, thu hút công chúng từ Nghị quyết của Đảng, nhà báo phải học sâu, biết rộng, có trình độ chuyên môn giỏi, sự nhạy bén chính trị và gắn bó với nhân dân, công tác biên tập phải được chú trọng, các khâu kiểm tra, thẩm định tác phẩm, đặc biệt là các tác phẩm báo chí tuyên truyền nội dung Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, phải đạt các tiêu chuẩn Đúng - Trúng - Hay…

Các chương trình tiếng dân tộc thiểu số như Tày, Dao, Cao Lan của Đài phát thanh - truyền hình tỉnh Tuyên Quang được phát sóng được đánh giá cao. Qua sóng phát thanh và truyền hình, bà con các dân tộc đều nắm bắt được thông tin về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước từ đó thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết Đại hội Đảng đã đề ra. Nhân dịp này, Hội nhà Báo tỉnh đã trao giải cho các tác giả, nhóm tác giả đoạt giải cuộc thi báo chí lần thứ II viết về “Gương người tốt việc tốt trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh Tuyên Quang”, trong đó có 1 giải B, 3 giải C và 7 giải khuyến khích.

Gia Lai: Kỷ niệm 86 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, sáng ngày 17/6 , Báo Gia Lai phối hợp với Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức triển lãm ảnh với chủ đề “Báo chí – Nghệ thuật tỉnh Gia Lai năm 2011”.

Triển lãm gồm 110 tác phẩm của 20 tác giả nổi tiếng trong và ngoài tỉnh về tham dự , trong đó có 65 ảnh báo chí và 45 ảnh nghệ thuật, phản ánh toàn diện các sự kiện về chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội, an ninh quốc phòng của tỉnh Gia Lai trong 25 năm đổi mới và phát triển.

Một số tác phẩm đạt giải cao tại các cuộc thi nhiếp ảnh quốc tế như: Trên đồng muối, Mẹ và con (Trần Phong), Sức sống, Âm vang ngày mới (Phạm Dực), Lăn theo quả bóng (Hồ Anh Tiến)... đem đến cho người xem nhiều cảm xúc khó quên. Cũng tại triển lãm ảnh lần này, Ban tổ chức cũng sẽ tổ chức tọa đàm kỷ niệm 86 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt nam và kỷ niệm ngày phát hành số báo 3.000 của Báo Gia Lai. Triển lãm mở của đón khách từ ngày 17/6 đến 21/6.

Đồng Nai: Ngày 17/6, tại tỉnh Đồng Nai đã diễn ra hội thảo “Nâng cao tính Đảng trong hoạt động báo chí, xuất bản”. Tham gia hội thảo có lãnh đạo các cơ quan báo đài của trung ương và địa phương cùng nhiều phóng viên, biên tập viên... Các tham luận và trăn trở của những nhà báo lâu năm đã đi sâu phân tích thực tiễn công tác báo chí hiện nay. Báo chí chúng ta vừa phải đi sát vào cuộc sống, biểu dương những điển hình tiên tiến, những cách làm hay vừa phải đấu tranh chống lại luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch. Đặc biệt, đội ngũ người làm báo cần có ý thức tôn trọng tính chân thật, tính đấu tranh trong hoạt động báo chí, xuất bản vì đây là cơ sở để nâng cao tính Đảng. Song song với việc nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị chúng ta cần phát triển Đảng viên trong đội ngũ phóng viên, biên tập viên. Các đại biểu kiến nghị, cần tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng của các chuyên trang xây dựng Đảng, tăng cường các bài viết mang tính định hướng dư luận.

Thành phố Hồ Chí Minh: Ngày 17/6, Ban Thường vụ Thành Đoàn TP Hồ Chí Minh đã tổ chức trao giải thưởng Ngòi bút trẻ lần V- năm 2011 cho 16 cá nhân và 1 tập thể nhân kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam. Giải thưởng tổ chức 2 năm 1 lần dành cho các phóng viên, biên tập viên đã có nhiều đóng góp trong việc tuyên dương những gương điển hình sống đẹp, sản xuất giỏi, hành động dũng cảm của các điển hình thanh thiếu nhi tiêu biểu; giới thiệu những mô hình hay, giải pháp thiết thực và hiệu quả trong hoạt động Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi ở TP Hồ Chí Minh.

Đặc biệt là những tác phẩm viết về Năm Thanh niên 2011 và cuộc vận động “Tuổi trẻ Việt Nam học tập và làm theo lời Bác”… Trong số 16 cá nhân nhận giải Ngòi bút trẻ lần này có 4 phóng viên của báo Tuổi Trẻ, 3 phóng viên báo Khăn Quàng Đỏ, báo Sài Gòn Giải Phóng và báo Sinh Viên cùng có 2 cá nhân đoạt giải; còn lại các báo Đại Đoàn Kết, Thanh Niên, Giáo dục TP. Hồ Chí Minh, Đài Tiếng nói nhân dân TP. Hồ Chí Minh và Truyền hình Thanh niên đều có 1 cá nhân đoạt giải.

Giải tập thể duy nhất được trao cho Trung tâm tin tức Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh. Chính ngòi bút và bài báo của các nhà báo trẻ, cùng sự phấn đấu, rèn luyện và tâm huyết của các bạn đã góp phần tích cực trong việc giáo dục lòng yêu nước, đạo đức lối sống và trao dồi nhân cách cho thanh thiếu nhi cũng như cổ vũ, động viên các phong trào, hoạt động cao đẹp trong xã hội. Đảng bộ và chính quyền thành phố luôn quan tâm và coi trọng thông tin trên báo chí, xem đây là kênh thông tin quan trọng không thể thiếu trong công tác chỉ đạo, lãnh đạo và điều hành của lãnh đạo thành phố.

Hậu Giang: Ngày 17/6, tỉnh Hậu Giang đã tổ chức kỷ niệm 86 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam và trao giải cuộc thi báo chí năm 2010 của tỉnh. Hiện nay, Báo Hậu Giang đã phát hành được 3 kỳ/tuần với số lượng phát hành bình quân khoảng 4.000 tờ/kỳ. Số lượng bạn đọc truy cập trên Báo điện tử Hậu Giang đã tăng lên gấp nhiều lần so với trước. Đài Phát Thanh -Truyền hình Hậu Giang với tổng thời lượng phát hành đạt 19 giờ/ngày với nhiều bản tin trong ngày và trên 20 chuyên trang, chuyên mục đã góp phần rất lớn phục vụ công tác tuyên truyền giáo dục và giải trí cho người dân. Các cơ quan Báo Đài Trung ương đóng trên địa bàn cũng thường xuyên có tin, bài phản ánh các hoạt động nổi bật của tỉnh, góp phần thúc đẩy việc thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế xã hội của Hậu Giang...

Nhân dịp này, Hội Nhà báo Việt Nam trao Huy chương “Vì sự nghiệp báo chí” cho 11 đồng chí có nhiều đóng góp tích cực cho sự nghiệp Báo chí cách mạng Việt Nam. Đồng thời, Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Hậu Giang cũng đã trao giải thưởng cuộc thi Báo chí tỉnh Hậu Giang năm 2010. cho 3 giải Nhất dành của 3 thể loại là: báo viết, báo hình và báo nói (mỗi thể loại có 1 giải Nhất); 5 giải Nhì, 4 giải Ba và 15 giải Khuyến Khích.

Cà Mau: Nhân kỷ niệm 86 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Cà Mau công bố kết quả giải báo chí Trần Ngọc Hy lần thứ XX - 2011, cuộc thi ảnh Thời sự - Nghệ thuật truyền thống và trao giải cho các tác giả đoạt giải.

Theo đó, ở thể loại phát thanh - truyền hình, giải nhất thuộc về tác phẩm "Bạn chòi" của tác giả Minh Trung - Minh Luân; 2 giải nhì thuộc về hai tác phẩm: "Để U Minh Hạ mãi xanh" của tác giả Kiều Nương, Thanh Phúc, Duy Khải và "Nghề gác kèo ong" của Chung Thủy, Duy Khải, Chí Linh; 3 giải ba thuộc Đài PT - TH Cà Mau.

Ở thể loại báo in, tác phẩm "Vì sao nông dân Cà Mau chưa giàu" của nhóm tác giả: Huỳnh Ngọc Huệ, Nguyễn Văn Phú, Lữ Hoàng Diệu, Phan Trung Đỉnh (Báo Cà Mau) đoạt giải nhất; 2 giải nhì thuộc về các tác phẩm: "Lập lại trật tự an toàn giao thông - Trách nhiệm của cả cộng đồng" của nhóm tác giả Hứa Toại Nguyện, Vi Văn Hòa, Mã Văn Phi (Báo Cà Mau) và tác phẩm "Để thủy sản Cà Mau cất cánh" của Lê Chí Bắc (Báo ảnh Đất Mũi) và 3 giải ba.

Với cuộc thi ảnh Thời sự - Nghệ thuật, giải Nhất thuộc về tác phẩm "Giữ gìn báu vật" (Hoàng Diệu - Báo Cà Mau); 2 giải Nhì là các tác phẩm: "Đến trường" (Nguyễn Trọng Nguyễn - Phân hội Nhiếp ảnh Cà Mau), "Gửi trọn niềm tin" (Lê Nguyễn - Báo ảnh Đất Mũi); 3 giải Ba thuộc tác phẩm "Hơi ấm lồng sưởi" (Đỗ Chí Công - Báo Cà Mau), Bộ ảnh chủ đề về Biến đổi khí hậu và tác phẩm "Nghề truyền thống" (Trần Thanh Minh - Báo ảnh Đất Mũi).

Chất lượng tác phẩm dự thi năm nay vượt trội so với những năm trước, thể hiện tinh thần lao động miệt mài, sáng tạo, bám sát thực tiễn cuộc sống sinh động của người dân vùng cực Nam Tổ quốc của đội ngũ phóng viên nhà báo tỉnh Cà Mau. Giải báo chí phản ánh khá toàn diện hiện thực các mặt đời sống kinh tế, văn hóa - xã hội của địa phương, biểu dương những việc làm tốt, người tốt, đồng thời phê phán những mặt tiêu cực trong xã hội…/.

Phạm Cường (tổng hợp)- ĐCSVN