In bài viết

Nhiều kết quả tích cực sau 15 ngày triển khai các quy định về xuất nhập cảnh, lưu trú

(Chinhphu.vn) – Luật số 23/2023/QH15 sau khi có hiệu lực thi hành đã từng bước tháo gỡ nhiều “nút thắt”, tạo điều kiện thuận lợi, môi trường thông thoáng trong hoạt động xuất, nhập cảnh, lưu trú của công dân, người nước ngoài, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

30/08/2023 13:13
Nhiều kết quả tích cực đạt được sau 15 ngày triển khai các quy định pháp luật về xuất nhập cảnh, lưu trú - Ảnh 1.

Thiếu tướng Phạm Đăng Khoa khẳng định, Luật số 23/2023/QH15 đã từng bước tháo gỡ nhiều "nút thắt", tạo điều kiện thuận lợi, môi trường thông thoáng trong hoạt động xuất, nhập cảnh, lưu trú của công dân, người nước ngoài, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế-xã hội của đất nước - Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

Sáng 30/8, Cục Quản lý Xuất nhập cảnh tổ chức họp báo thông báo kết quả triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam (Luật số 23/2023/QH15) và Cổng kiểm soát nhập cảnh tự động Autogate.

Tạo thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, người nước ngoài và người dân

Sau khi Chính phủ khôi phục các chính sách xuất nhập cảnh, cho phép mở của du lịch từ ngày 15/3/2022, các hoạt động xuất nhập cảnh đã dần trở lại trạng thái bình thường, lượng người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam trong năm 2022 tăng gấp 6,6 lần so với năm 2021 nhưng vẫn còn rất thấp so với thời điểm trước dịch năm 2019, chỉ bằng 32,6%.

Trước bối cảnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan khẩn trương nghiên cứu, đánh giá, đề xuất sửa đổi quy định pháp luật về xuất nhập cảnh, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất để tạo điều kiện thuận lợi hơn về thủ tục, thời gian, số lượt nhập cảnh, số ngày lưu trú tại Việt Nam nhằm thu hút khách quốc tế du lịch, đầu tư, lao động. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam là cần thiết.

Luật số 23 được Quốc hội khóa XV thông qua ngày 24/6/2023 tại kỳ họp thứ 5 có hiệu lực từ ngày 15/8/2023, đã góp phần đơn giản hóa, tạo cơ sở pháp lý thúc đẩy cải cách hành chính, phân cấp, thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; tạo thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, người nước ngoài và người dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Luật số 23 đã sửa đổi, bổ sung 15 điều, khoản của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và 10 điều, khoản của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quả cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014 (sửa đổi, bổ năm 2019), bao gồm 4 nhóm: Nhóm nội dung sửa đổi, bổ sung để cải cách thủ tục hành chính, hoàn thiện quy định về việc thực hiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam trên môi trường điện tử. Nhóm nội dung sửa đổi, bổ sung để tạo điều kiện thuận lợi cho công dân trong việc xin thị thực nhập cảnh nước ngoài, cấp hộ chiếu phổ thông theo thủ tục rút gọn; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật. Nhóm nội dung sửa đổi, bổ sung để tiếp tục tạo điều kiện hơn nữa cho người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú tại Việt Nam trong đó có nâng thời hạn của thị thực điện tử từ 30 ngày lên không quá 90 ngày và quy định thị thực điện tử có giá trị một lần hoặc nhiều lần (quy định trước đây thị thực điện tử có giá trị một lần). Nhóm nội dung sửa đổi, bổ sung để nâng cao hiệu quả công tác quản lý cư trú người nước ngoài tại Việt Nam, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự an toàn xã hội.

Thủ tục xin thị thực, nhập cảnh, cư trú thông thoáng, thuận tiện

Đề cập tới tác động của Luật số 23 sau khi có hiệu lực thi hành, Thiếu tướng Phạm Đăng Khoa, Cục trưởng Cục Quản lý Xuất nhập cảnh cho biết, đối với công dân Việt Nam và người nước ngoài, việc thực hiện các thủ tục đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông hoặc trình báo mất hộ chiếu phổ thông hoặc khôi phục giá trị sử dụng của hộ chiếu phổ thông trên môi trường điện tử sẽ tạo điều kiện thuận lợi, dễ dàng cho người dân, giảm khâu trung gian để hạn chế tiêu cực, sách nhiễu, phiền hà.

Đồng thời, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân khi thực hiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập cảnh, từ đó sẽ giảm được chi phí đi lại, không phải trực tiếp đến Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh để thực hiện các thủ tục hành chính cấp hộ chiếu phổ thông hoặc trình báo mất hộ chiếu phổ thông hoặc đề nghị khôi phục giá trị sử dụng của hộ chiếu phổ thông.

Tạo điều kiện thuận lợi cho công dân Việt Nam trong việc xuất cảnh, đặc biệt đối với các trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài sử dụng hộ chiếu còn ngắn hạn về nước.

Công dân sẽ được tạo thuận lợi trong việc xin thị thực, nhập cảnh, cư trú và làm các thủ tục liên quan ở các nước có yêu cầu in thông tin nơi sinh trong hộ chiếu, giảm thiểu được các chi phí không cần thiết (ví dụ các chi phí để công chứng các loại giấy tờ chứng minh nơi sinh theo yêu cầu của cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam như các nước thuộc khối châu Âu, Hoa Kỳ...).

Giảm chi phí cho việc thực hiện thủ tục hành chính đề nghị cấp thị thực (không phải thị thực điện tử) có thời hạn đến 90 ngày. Bên cạnh đó, thời hạn thị thực điện tử nâng từ 30 ngày lên không quá 90 ngày sẽ đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng dài ngày của khách du lịch quốc tế, nhất là nhóm du khách từ thị trường xa, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài muốn vào Việt Nam nghiên cứu, khảo sát thị trưởng, tìm kiếm, xúc tiến đầu tư. Thời hạn thị thực điện tử lên không quá 90 ngày phù hợp với thời gian lưu trú đối với người nước ngoài chịu trách nhiệm thành lập hiện diện thương mại, người chào bán dịch vụ, nhà cung cấp dịch vụ theo hợp đồng...

Quy định nâng thời hạn cấp chứng nhận tạm trú cho người nước ngoài nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực và quy định thị thực điện tử có giá trị một lần hoặc nhiều lần cho phép người nước ngoài lựa chọn giá trị thị thực nhằm chủ động hơn trong các lần nhập, xuất cảnh góp phần giảm tài thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian và chi phí cho người nước ngoài, nhất là các trường hợp có nhu cầu đi lại thường xuyên giữa các quốc gia để khảo sát thị trường, xúc tiến đầu tư, ký kết hợp đồng, kiểm tra chất lượng sản phẩm...

Góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý xuất cảnh, nhập cảnh

Đối với cơ quan, tổ chức, Thiếu tướng Phạm Đăng Khoa cho hay, Luật 23 góp phần phòng, chống lãng phí thông qua việc tận dụng các nguồn lực đã đầu tư để thực hiện kết nối, chia sẻ thông tin giữa các cơ sở dữ liệu. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và công tác quản lý cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, đáp ứng yêu cầu đối ngoại, đảm bảo an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

Chủ động, tích cực trong việc ký kết điều ước quốc tế liên quan đến xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, thể hiện thiện chí hợp tác, góp phần làm sâu sắc thêm các mối quan hệ giữa Việt Nam và các nước; đồng thời khẳng định trách nhiệm của Việt Nam trong phòng chống di cư bất hợp pháp, tạo dấu ấn tốt đẹp trong cộng đồng quốc tế.

Việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý giải quyết vấn đề nhận trở lại công dân một cách nhanh chóng, hiệu quả sẽ giúp tăng cường phòng chống di cư trái phép, ngăn chặn các đường dây đưa người di cư bất hợp pháp, giúp giảm thiểu rủi ro đối với công dân Việt Nam, góp phần ổn định trật tự xã hội.

Kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật của người nước ngoài cư trú tại Việt Nam, đặc biệt là các trường hợp là tội phạm quốc tế, truy nã của các nước... góp phần đảm bảo an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trưởng quốc tế.

Phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trọng công tác quản lý hoạt động, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, bảo đảm tính công khai, minh bạch trong công tác quản lý hoạt động, cư trú của người nước ngoài, từ đó góp phần hạn chế tình trạng người nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam.

Nhiều kết quả tích cực đạt được sau 15 ngày triển khai các quy định pháp luật về xuất nhập cảnh, lưu trú - Ảnh 2.

Cục Quản lý Xuất nhập cảnh họp báo thông báo kết quả triển khai Luật số 23/2023/QH15 và Cổng kiểm soát nhập cảnh tự đông Autogate - Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

Nhiều kết quả tích cực đạt được sau 15 ngày triển khai

Tại họp báo, Thiếu tướng Phạm Đăng Khoa cho biết những kết quả cụ thể đạt được trong thực hiện Luật số 23 từ ngày 15/8/2023 đến nay.

Theo đó, về ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ cải cách hành chính trong lĩnh vực quản lý xuất nhập cảnh, Cục Quản lý xuất nhập cảnh đã phối hợp các đơn vị thực hiện tích hợp 40 dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực quản lý xuất nhập cảnh trên Cổng dịch vụ công Bộ Công an.

Trong đó, một số thủ tục đã đạt tỉ lệ hồ sơ trực tuyến rất cao, như cấp hộ chiếu phổ thông không gắn chíp điện tử ở trong nước (89,1%), đăng ký tài khoản điện tử (100%), gia hạn lưu trú cho người nước ngoài tại Việt Nam thực hiện tại Cục (69,31%), kiểm tra, xét duyệt nhân sự, cấp phép nhập cảnh cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam qua giao dịch điện tử tại Cổng thông tin điện tử về xuất nhập cảnh (92,54%)...

Việc triển khai thực hiện các dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực quản lý xuất nhập cảnh là tiền đề để cải cách hơn nữa việc giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý xuất nhập cảnh, theo đó đã bỏ yêu cầu xác nhận thông tin về nhân thân, cư trú của công an xã, phường, thị trấn trong giải quyết các thủ tục hành chính có liên quan nhằm giảm bớt chi phi đi lại, tránh gây phiền hà cho công dân và tận dụng tối đa thông tin đã có sẵn trong các cơ sở dữ liệu do Bộ Công an quản lý.

Theo đó, lực lượng quản lý xuất nhập cảnh sẽ khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh và thông tin khai báo tạm trú của người nước ngoài tại địa phương theo quy định của pháp luật để giải quyết các thủ tục hành chính liên quan; chỉ thực hiện xác minh về ảnh của người chưa đủ 14 tuổi đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông lần đầu (việc xác minh sẽ được lực lượng quản lý xuất nhập cảnh thực hiện theo quy trình xác minh nội bộ, công dân không phải đến công an xã, phường, thị trấn).

Về cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam, sau 15 ngày Luật số 23 có hiệu lực (từ ngày 15/8 đến 30/8) và triển khai thực hiện Nghị quyết số 127 của Chính phủ, đã có 112.058 hồ sơ đề nghị cấp thị thực điện tử, tăng trên 70% so với trước khi Luật số 23 có hiệu lực. Trong đó, công dân Trung Quốc sử dụng hộ chiếu điện tử chiếm khoảng 10% (9.130 hồ sơ), công dân các nước mới được áp dụng cấp thị thực điện tử theo Nghị quyết số 127 đạt 50% (56.000 hồ sơ).

Qua nắm tình hình, Cục Quản lý xuất nhập cảnh nhận thấy du khách nước ngoài (đặc biệt là phía Trung Quốc) đánh giá cao và có những phản hồi tích cực trước chính sách mới về thị thực của Việt Nam, là cơ hội để du lịch Việt Nam tăng sức cạnh tranh với các nước trong khu vực.

Việc cho phép công dân tất cả các quốc gia, vùng lãnh thổ được xin cấp thị thực điện tử sẽ giúp họ dễ dàng hơn khi quyết định tới Việt Nam, sẽ tạo bước ngoặt về phát triển du lịch, thu hút đầu tư nước ngoài. Đồng thời, công dân Việt Nam cũng được tạo điều kiện thuận lợi nhập cảnh theo nguyên tắc có đi có lại.

Về việc người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam theo diện đơn phương miễn thị thực, từ ngày15-30/8, đã có 337.669 lượt người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam theo diện đơn phương miễn thị thực, chiếm 70% tổng lưu lượng nhập cảnh, tập trung vào công dân một số quốc gia, như Hàn Quốc (155.000 lượt), Nhật Bản (30.000 lượt), Anh (8.000 lượt)... Việc triển khai thực hiện nâng thời hạn tạm trú từ 15 ngày lên 45 ngày theo quy định của Luật số 23 và Nghị quyết số 128 đã tạo thuận lợi hơn nữa cho khách du lịch quốc tế lựa chọn những chương trình du lịch nghỉ dưỡng, xuyên Việt và liên quốc gia, giúp họ chủ động thời gian, lịch trình tham quan, nghỉ dưỡng, góp phần nâng cao tính cạnh tranh trong khu vực.

Về thực hiện việc kiểm soát xuất nhập cảnh bằng cổng Autogate, đến ngày 30/8, đã có 750.000 trường hợp đủ điều kiện sử dụng cổng Autogate và giải quyết cho 30.000 lượt công dân Việt Nam và người nước ngoài xuất cảnh, nhập cảnh bằng cổng Autogate. Hệ thống Autogate đã đáp ứng yêu cầu giải quyết thủ tục kiểm soát xuất cảnh, nhập cảnh cho công dân Việt Nam, người nước ngoài được nhanh chóng, thuận lợi, nhận được ủng hộ, đánh giá cao của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan.

Về việc cấp hộ chiếu phổ thông ở trong nước cho công dân, từ ngày 15/8, Cục Quản lý xuất nhập cảnh đã triển khai thực hiện cấp hộ chiếu phổ thông ở công dân Việt Nam ở trong nước theo quy định của Luật số 23 đã tạo điều kiện thuận lợi cho công dân trong việc đề nghị cấp hộ chiếu, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tránh gây phiền hà cho người dân. Qua quá trình triển khai thực hiện đã nhận được nhiều sự đồng tỉnh, ủng hộ của người dân.

Về kiểm soát xuất cảnh của công dân Việt Nam, từ 15-30/8/2023, công an các cửa khẩu, cảng hàng không quốc tế đã giải quyết xuất cảnh cho gần 200 trường hợp công dân Việt Nam sử dụng hộ chiếu phổ thông còn thời hạn dưới 6 tháng; đồng thời để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, Cục Quản lý xuất nhập cảnh quán triệt các cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ công tác kiểm soát xuất nhập cảnh tại cửa khẩu kịp thời khuyến cáo trong trường hợp công dân sử dụng hộ chiếu còn thời hạn dưới 6 tháng xuất cảnh Việt Nam để nhập cảnh các nước ký hiệp định miễn thị thực song phương với Việt Nam mà có điều kiện hộ chiếu phải còn đủ thời hạn từ 6 tháng trở lên mới được nhập cảnh theo diện miễn thị thực.

Tại họp báo, Thiếu tướng Phạm Đăng Khoa, các Phó Cục trưởng Cục Quản lý Xuất nhập cảnh: Đại tá Nguyễn Bá Tuấn, Đại tá Đặng Tuấn Việt đều khẳng định, Luật số 23 sau khi có hiệu lực thi hành đã từng bước tháo gỡ nhiều "nút thắt", tạo điều kiện thuận lợi, môi trường thông thoáng trong hoạt động xuất, nhập cảnh, lưu trú của công dân, người nước ngoài, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Đồng thời, lãnh đạo Cục Quản lý Xuất nhập cảnh cũng đã làm rõ nhiều vấn đề mà báo giới trong nước và quốc tế quan tâm về ý nghĩa của Luật số 23; việc đầu tư cơ sở hạ tầng, bố trí nguồn nhân lực trong triển khai các quy định của Luật số 23; việc hiện đại hóa, minh bạch hóa các thủ tục về về cấp thị thực, lưu trú, xuất nhập cảnh…

Nguyễn Hoàng